Hệ thống pháo phản lực HIMARS Mỹ cung cấp cho Ukraine. Ảnh: Twitter
Ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine nhận định với Sky News trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 11/8 rằng chiến thuật mới này được gọi là "phân tán".
"Hiện nay họ đang tập trung ít hỏa lực hơn", quan chức Ukraine cho hay.
16 hệ thống HIMARS mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đang thu hút sự chú ý trong những tuần gần đây khi được cho là hiệu quả khi nhắm vào các mục tiêu của Nga. Ukraine tuyên bố đã phá hủy hàng chục kho chứa đạn dược, trung tâm chỉ huy và tuyến hậu cần của Nga bằng hệ thống này.
Theo tập đoàn Lockheed Martin - nhà sản xuất HIMARS, hệ thống này đã được "công nhận và chứng minh" về tầm bắn lên tới 300 km và có thể thực hiện "các cuộc tấn công chính xác tầm xa nhanh chóng". Tập đoàn này cũng cho biết loạt tên lửa đang được phát triển có thể sẽ đạt tầm bắn lớn hơn trong tương lai, lên tới 499 km.
Ông Danilov nhận định với Sky News rằng quân đội Nga "không biết tên lửa đến từ đâu và không thể đánh chặn chúng".
Các quan chức Mỹ và Ukraine cũng nhiều lần khen ngợi tính hiệu quả của HIMARS trong việc tấn công các mục tiêu của Nga.
Gói hỗ trợ an ninh gần đây nhất của Mỹ cho Ukraine, trị giá 1 tỷ USD, bao gồm cả các tên lửa HIMARS. Trong một thông báo của Lầu Năm Góc ngày 8/8 về gói hỗ trợ trên, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách Colin Kahl cho rằng Ukraine đã tận dụng hiệu quả hệ thống tên lửa dẫn đường phóng loạt (GMLRS) để đối phó với Nga.
Quân đội Nga tuyên bố cho tới nay đã phá hủy ít nhất 4 hệ thống HIMARS, đồng thời cung cấp hình ảnh làm bằng chứng cho những cuộc tấn công này. Tuy nhiên, cả Ukraine và Mỹ đều phủ nhận thông tin trên.
Trước đó, ngày 9/8, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng của nước này đã phá hủy một kho đạn gần thành phố Uman, miền Trung Ukraine, nơi chứa tên lửa HIMARS và kho đạn pháo M777 do Mỹ sản xuất.