Một hệ thống Patriot đang khai hoả. (Ảnh: US DoD)
Một số phi công chiến đấu của Mỹ thậm chí còn sợ Patriot bắn nhầm như sợ hệ thống phòng không của đối phương. Một phi công Mỹ từng bắn nhầm vào khẩu đội Patriot và làm nổ tung radar.
Mỹ, Đức và Hà Lan đã tặng các khẩu đội Patriot dư thừa cho Ukraine, để giúp nước này phòng thủ trước các cuộc không kích của Nga. Trong chiến dịch dữ dội diễn ra tháng trước, người Ukraine được cho là đã lấy lại uy tín cho hệ thống tên lửa của Mỹ, theo Telegraph.
Patriot bắt đầu phục vụ trong quân đội Mỹ từ năm 1981, nhưng phải đến 10 năm sau nó mới tham chiến lần đầu tiên, ở Kuwait và Iraq trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc.
Thời điểm đó, Lầu Năm Góc tuyên bố Patriot đã bắn hạ hầu hết các tên lửa Scud của Iraq. Tuy nhiên, 1 năm sau, nhà khoa học Ted Postol của Viện Công nghệ Massachusetts sau khi phân tích video về hầu hết các vụ bắn hạ tên lửa đã đưa ra một kết luận gây kinh ngạc.
"Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào trong video cho thấy tên lửa Patriot phá huỷ được bất kỳ đầu đạn Scud nào", Postol phát biểu trước một một ủy ban của Hạ viện Mỹ.
Postol đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để thuyết phục Mỹ không chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Vì thế, ông ấy sẽ không bao giờ có thể nói bất cứ điều gì tốt đẹp về Patriot. Nhưng ngay cả như vậy, những chỉ trích của Postol đã gây tác động mạnh mẽ.
Cuộc xâm lược Iraq do Mỹ đi đầu vào tháng 3/2003 hầu như không thể cứu vãn uy tín cho Patriot, dù Raytheon đã dành 12 năm để nâng cấp hệ thống. Khi các lực lượng Mỹ và liên quân tràn vào Iraq, rất nhiều bệ phóng Patriot theo sau họ, tạo nên một lá chắn phòng không liên tục ngay sau chiến tuyến.
Tuy nhiên, các khẩu đội Patriot gặp khó khăn khi phân biệt máy bay của ta với địch.
Trong một sự cố khác, khẩu đội điều khiển Patriot thậm chí vô tình bắn hạ một máy bay chiến đấu Tornado của Không quân Hoàng gia Anh và một chiếc F/A-18 của Hải quân Mỹ, khiến 3 phi công thiệt mạng. Các phi công khác của lực lượng liên minh buộc phải thực hiện hành động chạy trốn sau khi bị khẩu đội Patriot khoá mục tiêu.
"Những hệ thống Patriot khiến chúng tôi khiếp sợ", một phi công lái F-16 của Không quân Mỹ nhận xét.
Trong một sự cố khác, một phi công F-16 khi trở thành mục tiêu của hệ thống Patriot mất kiểm soát đã bắn tên lửa vào radar của hệ thống này.
Cuộc chiến năm 2003 là một vết đen đối với uy tín vốn đã không tốt của Patriot. Tháng 3/2018, hệ thống này cũng không giúp được gì khi Ả-rập Xê-út bất lực trước một loạt tên lửa do phiến quân Houthi bắn từ Yemen.
"Không có gì khác ngoài một chuỗi thảm họa liên tục với hệ thống vũ khí này", Postol đánh giá vào thời điểm đó.
Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia không kỳ vọng gì nhiều khi Ukraine bắt đầu tiếp nhận các hệ thống Patriot dư thừa của phương Tây để thay thế kho tên lửa phòng không còn sót lại từ thời Liên Xô. Nhưng sau đó, lực lượng điều khiển hệ thống phòng không của Ukraine đã gây ngạc nhiên, và có lẽ đã cứu vãn được chút uy tín cho Patriot.
Trong cuộc phục kích dữ dội bằng tên lửa ngày 13/5 vừa qua, các hệ thống Patriot của Ukraine khai hỏa từ những vị trí bí mật gần biên giới phía Bắc của nước này đã bắn hạ 4 máy bay Nga, gồm máy bay chiến đấu Su-34, Su-35 cùng 2 máy bay trực thăng Mi-8, ở khoảng cách 30 dặm bên trong vùng Bryansk của Nga chỉ trong vài giờ.
"Cảm ơn nước Mỹ vì những hệ thống Patriot thân yêu!", Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên Twitter vài ngày sau đó, sau khi bắn rơi được một số máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Nga.
Không rõ vì sao Patriot hoạt động tốt ở Ukraine nhưng không hữu ích cho Mỹ và Ả Rập Xê-út. Tất nhiên, Raytheon vẫn tiếp tục nâng cấp tên lửa và phần mềm của hệ thống. Và sau 15 tháng chiến đấu cam go, lực lượng phòng không Ukraine được đánh giá là thuộc nhóm những người giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới.
Thành tích của Patriot ở Ukraine là tin đáng mừng đối với Mỹ, cũng như với hàng chục quốc gia khác vẫn dựa vào hệ thống này để bảo vệ bầu trời của họ.
Thành công của Ukraine với Patriot không chỉ có ý nghĩa đối với nỗ lực chiến tranh của nước này, mà còn có thể tác động đến các kế hoạch của Mỹ và các đồng minh khi họ chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột khác.