Mô hình UAV “Tia chớp” của Nga. Nguồn: people.com.cn.
Theo báo cáo của truyền thông Nga, các doanh nghiệp công nghiệp-quân sự Nga đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển hệ thống máy bay không người lái (UAV) đa năng siêu thanh mới nhất Molniya (Tia chớp) nhằm nâng cao khả năng tác chiến của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga.
Điều gì đặc biệt về hệ thống UAV bầy đàn mới này? Nó sẽ mang đến những cải tiến gì cho sức mạnh của Không quân Nga?
“Bầy” UAV - vũ khí của tương lai
Từ lâu, UAV đã đóng một vai trò không thể thay thế trong các nhiệm vụ chiến thuật quân sự như thu thập thông tin tình báo, trinh sát mục tiêu và tấn công chính xác. So với các máy bay có người lái truyền thống, UAV có khả năng cơ động linh hoạt hơn và khả năng thích ứng chiến trường mạnh mẽ hơn, có nhiều khả năng tạo ra bất ngờ trong chiến đấu thực tế hơn.
UAV tấn công kiểu “bầy đàn” là một trong những hệ thống UAV đã và đang phát triển nhanh chóng, đồng thời chúng có khả năng chiến đấu “đáng sợ”. Công nghệ này được Mỹ đưa ra vào cuối những năm 1990.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Big Data và 5G, UAV bầy đàn đã dần phát triển các khả năng vượt trội so với UAV truyền thống trong các lĩnh vực như nhận thức tình huống chiến trường, phối hợp chia sẻ thông tin tình báo, phân bổ mục tiêu, chỉ huy và kiểm soát, điều phối và thích ứng, ra quyết định thông minh.
Với sự phát triển nhanh chóng của chiến thuật UAV bầy đàn, các cường quốc quân sự hay các liên minh quân sự như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh và NATO đã liên tiếp đưa ra các kế hoạch phát triển UAV bầy đàn của riêng mình.
Nga cũng đang ở phía sau không xa, với hy vọng đạt được đỉnh cao chỉ huy trong cuộc chạy đua vũ trang UAV. Hệ thống UAV "Tia chớp" do Nga ra mắt gần đây là đại diện tiêu biểu của quân đội Nga trong làn sóng đổi mới thiết bị không người lái tiên tiến.
Nhiều ưu điểm giúp nâng cao năng lực tác chiến
Hệ thống UAV "Tia chớp" là một loại vũ khí mới được Quân đội Nga phát triển để giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh hiện đại, có thể đáp ứng được yêu cầu tốc độ tác chiến nhanh trong chiến tranh thời đại 4.0.
UAV “Tia chớp” và các tên lửa dự kiến mang theo. Nguồn: people.com.cn. |
"Tia chớp" có thể nhanh chóng phóng một số lượng lớn UAV trong hệ thống từ bệ phóng, từ đó tạo thành một đàn UAV cảm tử trên chiến trường, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt hệ thống phòng không của đối phương, chế áp hỏa lực và các nhiệm vụ quan trọng khác.
Ngoài ra, hệ thống UAV "Tia chớp" còn có khả năng tàng hình, UAV này sử dụng hệ thống hút khí hàng đầu thế giới ở thân trên, với lớp phủ đặc biệt và vòi phun phẳng để giảm bức xạ hồng ngoại và bức xạ radar.
Do đó, khối lượng khổng lồ của UAV "Tia chớp" không hề ảnh hưởng đến khả năng tàng hình của nó.
Trong quá trình chiến đấu thực tế, các UAV bầy đàn thường phải hành động theo mệnh lệnh từ trung tâm chỉ huy và điều khiển, điều này khiến nhiều nhiệm vụ trinh sát và tấn công tầm xa trở nên rất khó khăn.
Hệ thống UAV “Tia chớp” của Nga có thể kết nối dữ liệu với các máy bay chiến đấu như Su-57. Trong chiến đấu, UAV có thể hoạt động như "ong chúa" của bầy đàn để thực hiện các nhiệm vụ tầm xa. Điều này sẽ sức mạnh của “Tia chớp” gia tăng đáng kể.
Hướng phát triển UAV trong tương lai của Nga
Kể từ thế kỷ 21, xu hướng áp dụng trí tuệ thông minh vào công nghệ phối hợp điều khiển, khống chế UAV đã phát triển nhảy vọt và UAV bầy đàn đang dần trở thành một loại vũ khí mới được các cường quốc quân sự trên thế giới phát triển.
Quân đội Nga đã không ngừng đổi mới và phát triển trong lĩnh vực này. Trong đó, Nga đã đầu tư nhiều nhân lực, vật lực cho nghiên cứu, thử nghiệm các loại vũ khí, trang bị thông minh của mình trong thực tế chiến đấu.
Qua quá trình vận dụng thực chiến, UAV mới của quân đội Nga đã được thử nghiệm tốt, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm và bài học cho lần phát triển tiếp theo.
Hệ thống "tia chớp" chính là “trái ngọt” của Nga trong quá trình phát triển kết hợp giữa lý thuyết và thực hành.
Ở giai đoạn này, Quân đội Nga đã có nhiều kết quả nghiên cứu lớn trong lĩnh vực máy bay không người lái. Các vũ khí hàng không vũ trụ mới như UAV "Orion", "Hunter" phối hợp với máy bay chiến đấu Su-57 rất có thể trở thành “nhân vật chính” trên chiến trường quốc tế trong tương lai.
Liệu sự xuất hiện của hệ thống UAV "Tia chớp" có khiến sức mạnh tác chiến không người lái của Nga trở nên mạnh mẽ hơn? Chúng ta hãy đợi và xem.