TUYỆT TÁC SƠN MÀI PHONG CẢNH PHNÔM PÊNH
Bức Paysage de Phnom Penh (nghĩa là Phong cảnh Phnôm Pênh) là tác phẩm của họa sĩ Lê Quốc Lộc, nằm trong các sản phẩm được rao bán trong phiên Những tác phẩm nghệ thuật châu Á của nhà đấu giá Million-Asium.
Bức bình phong sơn mài 8 tấm Phong cảnh Phnôm Pênh được giới chuyên gia đánh giá cao, một số ước tính trước buổi đấu giá cho rằng bức bình phong này sẽ đạt từ 200.000 euro đến 300.000 euro (từ 5,1 tỷ đồng đến 7,7 tỷ đồng). Khởi điểm từ mức 150.000 euro, bức bình phong Phong cảnh Phnôm Pênh cuối cùng đã được trao cho chủ nhân mới với mức "gõ búa" lên đến 940.000 euro. Tính cả thuế phí, giá cuối cùng để "rinh" bức bình phong của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc lên đến 1,21 triệu euro (tương đương 1,375 triệu USD, tức hơn 31 tỷ VNĐ).
Bức bình phong sơn mài 8 tấm Phong cảnh Phnôm Pênh của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc. Ảnh: Asium
Họa sĩ Lê Huy Văn, con trai đầu lòng của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc, cho biết tác phẩm được sáng tác vào năm 1943, cũng là năm anh ra đời và đồng thời cũng là năm họa sĩ Lê Quốc Lộc tốt nghiệp khóa 12 ngành sơn mài Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (niên khóa 1938-1943).
Bút tích trên bức bình phong của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc. Ảnh: Asium
Thời điểm ra trường cũng là thời điểm cha anh, cố họa sĩ Lê Quốc Lộc, ra mở xưởng vẽ riêng tại số 42 phố Lò Đúc, Hà Nội. Xưởng vẽ của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc thực ra là một trong số ít xưởng sơn mài thời bấy giờ. Thông thường, những xưởng này sản xuất theo đơn đặt hàng của Hợp tác xã nghệ sĩ Đông Dương do Joseph Inguimberty chủ nhiệm và Trần Văn Cẩn làm phó.
Theo mô tả của nhà đấu giá Asium, bức bình phong bằng chất liệu sơn mài của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc mang vẻ đẹp nhẹ nhàng và vô cùng tinh xảo. Bức bình phong Phong cảnh Phnôm Pênh gồm 8 tấm gỗ được sơn mài đa sắc, tinh xảo, chạm nổi và được tác giả ký tên ở góc dưới bên trái, đề ngày tháng bằng chữ số La Mã. Bức bình phong Phong cảnh Phnôm Pênh có tổng kích thước dài – rộng lên đến 1,99 x 4m (bề ngang mỗi tấm là 49,5cm).
Được biết, chất liệu sơn mài được làm từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên như gỗ, nhựa cây sơn, vàng lá và vỏ trứng, mang đến cảm giác mộc mạc, ấm áp và bình yên. Đất đỏ - Trời vàng: Hai tông màu chủ đạo vô cùng bắt mắt mang thông điệp về sức mạnh và sự trù phú. Vàng biểu tượng cho tâm linh và hạnh phúc, đỏ tượng trưng cho sự sống, ấm nồng. Đây cũng là những màu chủ đạo trong Phật giáo đã được cố họa sĩ Lê Hữu Lộc sử dụng rất tài tình theo đa dạng kiểu cách.
Chất lượng sáng tác nghệ thuật của bức bình phong được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao với kỹ thuật sơn mài xuất sắc. Ảnh: Asium
Về phối cảnh, 8 tấm bình với kích thước lớn cùng 3 lớp cảnh tạo ra chiều sâu cho bố cục.
Lớp cảnh đầu tiên ở trên cùng có con người xuất hiện: Một số sư thầy đang cầu nguyện, người khác đang thảo luận, một số sư thầy đang ban phước cho phụ nữ, và những người đang rảo bước trong bình an, che ô. Ở lớp cảnh sau ta thấy các loại cây đặc trưng ở Phnôm Pênh nào là thốt nốt, cọ, dừa, chuối…
Phía xa xa, ở lớp cảnh cuối, giữa bầu trời lấp lánh ánh vàng là các bảo tháp làm người ta liên tưởng đến khuôn mặt của Đức Phật, cùng với đó là ngôi chùa mái vàng gợi nhắc đến ngôi chùa hoa sen Wat Botum nổi tiếng ở Phnôm Pênh.
Có thể thấy bầu trời trong bức tranh đang có màu vàng, một màu vàng vừa rực rỡ lại huyền bí, được xem như những tia nắng xa xăm lấp lánh buổi bình minh. Những tia sáng phản chiếu trên các thân cây cọ đối nghịch với những vùng ngược sáng màu đỏ và nâu sẫm. Qua tác phẩm, người xem không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của thiên nhiên mà còn có thể cảm nhận được cảm giác rất đỗi yên bình.
"THẤY LỜI NGÂM ÊM DỊU CỦA MỘT BÀI THƠ"
Ảnh ghép 8 tấm bình phong thành 1 bức tranh toàn cảnh. Ảnh: Asium
Ngô Kim Khôi, nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, nhận định về bức bình phong của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc:
Phong cảnh Phnôm Pênh mang lại cho người thưởng tranh nhiều xúc cảm: Nhẹ nhàng, an yên hay hoài niệm về một bầu không khí mang chất thơ đầy mê hoặc, một nhịp sống đất Phật, có khi thấy cả lời ngâm êm dịu của một bài thơ nào đó.
Được xử lý theo phong cách nghệ thuật trang trí, tất cả các đường nét của tác phẩm này đều được cố họa sĩ Lê Quốc Lộc làm mềm mại và uyển chuyển một cách đầy tài tình. Vì vậy, bức bình phong dường như mở ra cánh cửa đến thiên nhiên hùng vĩ, nơi mọi thứ kết hợp lại với nhau để tôn vinh thông điệp của Phật giáo: Hòa bình, ấm áp và giàu tình thương yêu.
Bức bình phong ban đầu thuộc bộ sưu tập của gia đình ông Henry Kraemer - từng giữ chức Lục sự tại Tòa án quân sự Hà Nội – và vợ là thương gia Nguyễn Thị Lai sống ở Đông Dương và định cư ở Hà Nội vào cuối thế kỷ 20 (khoảng năm 1900).
Năm 1943, hai vợ chồng nhà Kraemer đã mua bức bình phong trực tiếp từ tay cố họa sĩ Lê Quốc Lộc – khi đó là chàng họa sĩ mới ra trường, chưa có tên tuổi và khó khăn về kinh tế. Năm 1953, gia đình Kraemer đã mang theo tác phẩm rời Hà Nội về Pháp sinh sống.
Thông tin về người mang bức tranh ra đấu giá và người thắng không được công bố cụ thể.
NGƯỜI HỌA SĨ VỚI PHONG CÁCH GIẢN DỊ
Họa sĩ Lê Quốc Lộc tại xưởng vẽ. Ảnh được đăng trên Báo Quân đội nhân dân ngày 08/11/2018
Nói thêm về họa sĩ Lê Quốc Lộc, ông sinh ngày 20 tháng 10 năm 1918 tại Hưng Yên, mất ngày 8 tháng 5 năm 1987. Ông chuyên vẽ tranh sơn mài bằng kỹ thuật truyền thống và thường tìm thấy nguồn cảm hứng của mình trong những chủ đề về phong cảnh quê hương, đất nước, chẳng hạn như những ngôi làng với cánh đồng vàng ẩn sau rặng tre, những cành hoa phượng đỏ rực, hay cảnh chùa thanh bình - nơi tiếng chuông ngân dường như vẫn còn vang vọng trên lá chuối xanh…
Những tác phẩm của họa sĩ tài hoa này thường có phong cách giản dị, thể hiện tinh thần phương Đông và minh họa cho sự giao cảm sâu sắc giữa con người và thiên nhiên.
Về nghệ thuật sơn mài, nếu người Việt đã biết sử dụng mủ cây sơn từ lâu để tạo ra những sản phẩm thủ công sơn mài đặc trưng thì chất liệu hội họa này chỉ thực sự được biết đến và quan tâm ở Pháp từ những năm 1920, với sự ra đời của xưởng sơn mài của Jean Dunand (1877 - 1942; họa sĩ, thợ điêu khắc người Pháp-Thụy Sĩ) ở Paris, nơi quy tụ những người thợ giỏi từ Đông Dương và được đưa vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào khoảng năm 1927.
Đây là cách mà kỹ thuật nghề sơn ta truyền thống, vốn được coi là "nghề thủ công / trang trí", thăng hoa thành một tác phẩm nghệ thuật sơn mài đạt chất lượng hiếm có dưới bàn tay của các nghệ nhân tài hoa như Lê Quốc Lộc.
#TUYỆT TÁC
https://soha.vn/tuyet-tac-cua-co-hoa-si-le-quoc-loc-dau-gia-vuot-1-trieu-usd-chuyen-gia-tan-duong-het-loi-20211114150813991.htm