Cụ thể, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và công ty vì cáo buộc có hành vi sai phạm ở Biển Đông và áp đặt lệnh cấm đầu tư đối với 9 công ty khác.
Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng ngay trước ngày ông Biden nhậm chức
Các động thái này sẽ càng làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc - đối thủ chiến lược của Washington ở châu Á, vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào hôm 20/1 tới. Nhóm của ông Biden không trả lời yêu cầu bình luận.
Giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước, quan chức Trung Quốc và quân đội, cùng với tập đoàn dầu khí khổng lồ CNOOC sẽ phải đối mặt với các hạn chế mới vì cáo buộc sử dụng biện pháp không hợp lý đối với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
9 công ty Trung Quốc đã được thêm vào danh sách các công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc, bao gồm nhà sản xuất máy bay Comac và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi Corp.
Các công ty này sẽ phải tuân theo lệnh cấm đầu tư mới của Mỹ, buộc các nhà đầu tư Mỹ phải thoái vốn đầu tư khỏi các công ty trong danh sách đen trước ngày 11/11/2021.
Đại sứ quán Trung Quốc đã đề cập đến các bình luận của bộ Ngoại giao ngày 7/1, cáo buộc Washington "gắn nhãn chính trị vào các vấn đề kinh tế và thương mại và lợi dụng quyền lực để đàn áp các công ty nước ngoài với lý do an ninh quốc gia."
Mỹ tuyên bố sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á
Mỹ từ lâu đã phản đối các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông - một khu vực giàu tiềm năng tài nguyên. Trung Quốc, ngược lại, cáo buộc Washington đang cố gắng gây bất ổn khu vực bằng cách điều tàu chiến và máy bay đến Biển Đông.
"Mỹ sát cánh với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Đông Nam Á đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích chủ quyền của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế," Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong thông báo về các lệnh trừng phạt.
Ông Pompeo cũng cho hay, Washington đang áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc và các quan chức Trung Quốc cùng Hải quân nước này.
Ông cho biết các biện pháp trừng phạt vào những người "chịu trách nhiệm hoặc đồng phạm với việc quân sự hóa quy mô lớn ở các tiền đồn ở Biển Đông, hoặc sử dụng hành vi gây khó khăn cho các nước Đông Nam Á để ngăn cản khả năng tiếp cận tài nguyên của họ."
Ông Pompeo lưu ý rằng, các hạn chế cũng có thể áp dụng cho các thành viên trong gia đình các quan chức này.
Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc CNOOC quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông "với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài."
Bộ Thương mại Mỹ đã thêm CNOOC vào "Danh sách thực thể", yêu cầu các công ty phải được cấp giấy phép đặc biệt trước khi họ có thể nhận xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao từ các nhà cung cấp của Mỹ.
Các nguồn thạo tin cho biết, vào hôm 13/1, chính quyền ông Trump đã loại bỏ kế hoạch đưa các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu vào danh sách đen.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây áp lực trong những ngày cuối cùng của mình nhắm vào những gì Washington coi là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc sử dụng các tập đoàn dân sự để phục vụ cho các mục đích quân sự.