Tướng Keane cho biết giới quân sự Mỹ hiện rất lo lắng trước động thái tăng cường sức mạnh của Nga tại Kaliningrad - vị trí được xem là "yết hầu của châu Âu".
Kaliningrad là vùng lãnh thổ nằm giữa Ba Lan và Litva, đã trở thành tâm điểm chú ý của toàn thế giới khi Nga triển khai tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm ngắn Iskander đến trú đóng vĩnh viễn. Với Iskander tại Kaliningrad, Nga dư sức san phẳng cả khu vực có bán kính 500 km xung quanh, vốn chủ yếu là những nước thuộc khối NATO.
Không chỉ có tên lửa mạnh, theo ước tính của NATO thì tại Kaliningrad hiện đang có 225.000 quân tinh nhuệ của Nga đồn trú. Đó là chưa kể lực lượng lính dù và các lực lượng khác thường xuyên được điều tới lãnh thổ hải ngoại này tập luyện.
NATO lo lắng trước việc Nga triển khai Iskander tới Kaliningrad
Ông Keane tin rằng với việc bổ sung lực lượng, tăng cường trang bị tại Kaliningrad, quân đội Nga thừa sức để tung ra một chiến dịch chớp nhoáng tại Baltic như cách họ đã làm ở Crimea hồi năm 2014.
"Người Nga hiện đang gây áp lực lớn lên các nước vùng Baltic. Có một đạo quân lớn ở Kaliningrad gồm binh sĩ, tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không.
Những gì Nga đang cố thực hiện là những gì mà họ đã thực hành trong 3 năm qua, đó là lấy đi sức mạnh không quân và hải quân của Mỹ bằng cách ngăn chặn sự hiện diện của lực lượng này trong khu vực", ông Keane nói với tờ The Times.
Nga đang trang bị cho Kaliningrad hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph và hệ thống tên lửa hành trình chống tàu Bastion. Cả hai loại vũ khí tiên tiến này đủ sức giúp Nga khóa chặt không phận và lãnh hải trong toàn bộ khu vực Baltic.
"Người Nga có lực lượng quân đội hiện diện tại Baltic đông hơn lực lượng của NATO, điều đó có nghĩa là chỉ cần 2 đến 3 ngày họ có thể chiếm cả vùng Baltic", tướng Keane nói. Lầu Năm Góc từ chối bình luận về việc triển khai quân của Nga tại Kaliningrad, nhưng chỉ trích việc nước này triển khai tên lửa đạn đạo Iskander.
Ông Keane nhận xét hành động của Nga là "thách thức trực tiếp" tới Tổng thống mới đắc cử Donald Trump, khi vị tỉ phú New York có ý định hòa giải với Nga, không tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Âu và Baltic.
Chính phủ mới của Mỹ cũng sẽ rơi vào thế khó xử nếu "kịch bản Ukraine" được tái diễn tại Baltic. Khi đó Mỹ và NATO có thể buộc phải bảo vệ các nước Baltic vốn là thành viên của khối quân sự chung này.
Về phía Nga, Tổng thống Vlardimir Putin giải thích động thái mới của quân đội nước này tại Kaliningrad là để đáp trả lại "âm mưu xâm lược" Đông Âu của NATO.
Quan điểm của Nga xem đây là hành động đáp trả việc NATO triển khai hơn 5.000 quân tới Ba Lan, Litva và Estonia. Theo một chuyên gia ngoại giao của NATO quan điểm này là một "phản ứng thái quá".
Nga luôn chỉ trích NATO là "không giữ lời" khi liên tục mở rộng phạm vi hoạt động sang Đông Âu, khu vực "vùng đệm" truyền thống giữa Moscow và NATO.