Người tướng mạo thế nào thì dễ được bầu làm Tổng thống Mỹ?

Thủy Thu |

Tỷ phú Mỹ Donald Trump đã chỉ trích "tướng mạo" của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong hoạt động tranh cử gần đây.

Mới đây, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump lại tiếp tục công kích đối thủ đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton.

"Các bạn có thấy bà ấy [Hillary Clinton] giống Tổng thống không? Tôi thấy không giống", Trump nói trong một hoạt động tranh cử tại bang Virginia - miền Đông Mỹ.

Theo giới quan sát, tỷ phú Mỹ không ít lần bình luận về nhan sắc của phụ nữ và việc chỉ trích bà Hillary "không có tướng Tổng thống" cũng không phải lần đầu.

Trước đó, trong buổi diễn thuyết tại bang Iowa - miền Trung Tây Mỹ, Trump cũng từng nói cựu Ngoại trưởng Mỹ "không có tướng Tổng thống" mà chính ông mới có đủ "khí chất" và "tướng mạo" trở thành Tổng thống.

"Tôi có giống một Tổng thống không? Tôi đẹp trai không?", ông hỏi những người ủng hộ.

Hillary Clinton không có "tướng Tổng thống"?

Là nữ ứng cử viên Tổng thống Mỹ đầu tiên, mọi hành động cử chỉ và lập trường quan điểm của cựu Ngoại trưởng Mỹ luôn đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.

Giới phân tích nhận định, lần được đánh giá "giống Tổng thống nhất" của Hillary Clinton chính tại lễ bế mạc đại hội đảng Dân chủ ngày 28/7 khi bà chấp nhận đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Người tướng mạo thế nào thì dễ được bầu làm Tổng thống Mỹ? - Ảnh 1.

Bà Hillary được đánh giá mang phong thái Tổng thống khi mặc trang phục màu trắng. (Ảnh: dnaindia.com)

Vào thời điểm đó, khoảnh khắc Hillary mặc bộ đồ màu trắng tinh khiết với đôi hoa tai kim cương cùng màu toát lên thần thái rạng rỡ, thanh lịch.

Một Hillary chưa từng mặc màu trắng dường như đã lợi dụng ý nghĩa của màu sắc đặc biệt nhất này để truyền tải thông điệp "giấc mơ thành hiện thực".

Tuy nhiên, theo giới quan sát, ý nghĩa thực sự sau câu nói của Trump chính là: Hillary không phải là nam giới nên không phù hợp với truyền thống lịch sử bầu cử Mỹ, bởi từ trước tới nay, Tổng thống Mỹ đều là nam giới, hiển nhiên, Hillary hoàn toàn không giống những Tổng thống tiền nhiệm.

"Tổng thổng Mỹ phải là đàn ông" chính là thông điệp của Trump.

Một số ý kiến cho rằng, "có tướng Tổng thống" hay "có phong thái quyền lực" chính là vấn đề mà các nữ chính khách Mỹ cần phải đối mặt khi ra tranh cử.

Theo giới quan sát, trong mắt người dân Mỹ, Tổng thống cần là một người mạnh mẽ, kiên định, cứng rắn và thật "ngầu".

Theo nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử Tổng thống Mỹ, giữa hai ứng cử viên Tổng thống, người dân Mỹ thường có xu hướng chọn bỏ phiếu cho ứng viên có chiều cao trội hơn người còn lại.

"Chúng tôi luôn có thể đưa ra lời khuyên về cách ăn mặc cho các nam chính khách", cựu Nghị sĩ Colorado, bà Patricia Patricia Schroeder cho biết.

"Nếu muốn dân chúng thấy bạn rất bận, bạn có thể cởi bỏ cà vạt, nới lỏng cổ áo, hoặc xắn tay áo, hoặc đi rất nhanh xuống cầu thang nhưng đối với các nữ chính khách, điều này hoàn toàn không khả thi.

Phụ nữ nếu làm như thế sẽ bị chỉ trích là luộm thuộm chứ không phải đang cố gắng phục vụ nhân dân".

Tổng thống cũng cần đến "tướng mạo"

Khoan bàn đến lập trường chính trị, tướng mạo kỳ thực rất quan trọng đối với một ứng cử viên Tổng thống Mỹ.

Ví như trường hợp của Thượng nghị sĩ John McCain, người được đảng Cộng hòa đề cử ra tranh chức Tổng thống trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008.

Sau khi để thua Tổng thống đương nhiệm Barack Obama trong cuộc bầu cử, truyền thông và người dân Mỹ đã rút ra kết luận: John McCain một phần đã thua về tướng mạo, bởi sẽ rất ít người dân bỏ phiếu cho một chính khách "già, tóc bạc và hói" trở thành Tổng thống.

Hoặc như trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1956, ứng viên đảng Cộng hòa Dwight Eisenhower (1890 - 1969) đã đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Adlai Stevenson (1900 - 1965) để trở thành Tổng thống thứ 34 của Mỹ.

Khi đó, Eisenhower đã hói nhưng Stevenson thậm chí còn ít tóc hơn Eisenhower.

Người tướng mạo thế nào thì dễ được bầu làm Tổng thống Mỹ? - Ảnh 2.

John F. Kennedy (trái) và Richard Nixon trong cuộc tranh luận trên truyền hình năm 1960. (Ảnh: josephkaminski.org)

Bốn năm sau (1960), lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử Mỹ, một cuộc tranh luận tổng thống được tổ chức trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng viên: một nhân vật ít tiếng tăm nhưng lại đẹp trai, quyến rũ - John F. Kennedy (1917 - 1963) và Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Richard Nixon (1913 - 1994).

Mặc dù, khi đó những khán giả nghe đài đều cho rằng Nixon sẽ giành chiến thắng trong cuộc tranh luận nhưng hơn 70 triệu khán giả xem truyền hình trực tiếp lại đưa ra kết luận hoàn toàn.

Tại thời điểm đó Tạp chí Times - tạp chí tin tức hàng tuần danh tiếng của Mỹ nhận xét: "Trái ngược với Nixon mang sắc mặt trắng bệch, gầy gò và đổ mồ hôi ròng ròng vì vừa ra viện thì Kenedy lại rất bình tĩnh và tự tin".

Khi đó, khán giả xem truyền hình đều nhận định Kenedy sẽ chiến thắng trong cuộc tranh luận và đến tối hôm đó, ông đã trở thành Tổng tổng Mỹ đời thứ 35.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại