Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ

Nguyễn Minh |

Tại cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ phải tổ chức vòng 2 do hai ứng cử viên đều không vượt quá bán số phiếu bầu.

Tuy nhiên, kết quả Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia chính trị quốc tế.

Ông Erdogan, 69 tuổi, giữ chức Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2003 - 2014, sau đó đảm nhận cương vị Tổng thống từ năm 2014 đến nay. Với chiến thắng lần này, ông được coi là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Thổ Nhĩ Kỳ với thương hiệu chính trị cá nhân rõ nét.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy phần lớn người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Tổng thống đương nhiệm, bất chấp sự thất vọng của công chúng đối với phản ứng của chính phủ trước thảm họa động đất vào tháng 2 vừa qua. Chiến thắng của ông Erdogan có ý nghĩa như thế nào với tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực và trên thế giới là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệm kỳ thứ 3 của ông Erdogan có thể coi như “sự tiếp nối của ngày hôm nay”. Hầu như không có khả năng ông Erdogan sẽ thay đổi các chính sách đối nội hiện nay vì thực tế, trong thời gian ông Erdogan “chèo lái” đất nước, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng tốt, trở thành nền kinh tế lớn thứ 18 thế giới.

Khó khăn hiện nay của chính quyền Tổng thống Erdogan liên quan đến lạm phát tăng cao và khả năng phục hồi các khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất. Nhưng nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục các chính sách kinh tế truyền thống và đáng tin cậy cùng sự phản ứng mạnh mẽ của chính phủ thì những khó khăn trên có thể được đẩy lùi.

Bằng chứng là từ khi bước vào cuộc đua tranh cử, ông Erdogan đã tận dụng nguồn lực nhà nước để khởi công xây dựng các tòa nhà mới cho nạn nhân động đất với tốc độ nhanh.

Ông cũng mở rộng chính sách tăng lương tối thiểu, tăng phúc lợi đối với công chức, thậm chí cung cấp khí đốt miễn phí cho người dân cả nước trong một tháng. Những quyết định táo bạo trên sẽ ảnh hưởng đến ngân khố quốc gia nhưng phần nào xoa dịu sức nóng của lạm phát.

Tổng thống Erdogan có thể sẽ ưu tiên các chính sách ngoại giao trong 5 năm tới nhằm duy trì và thúc đẩy uy tín, vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và trên trường quốc tế. Ở chương mới, ông Erdogan có thể nối lại quá trình bình thường hóa khu vực và sửa chữa mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây.

Bằng chứng là, ngay sau khi ông Erdogan tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm chúc mừng, đánh dấu bước đầu tiên hướng tới làm mới quan hệ song phương giữa hai nước. Trong khu vực, tại cuộc điện đàm chúc mừng của Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, hai bên đã đi đến quyết định nâng cấp quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ giữa hai nước.

Về phía NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập hơn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây nhưng không quay lưng hoàn toàn. Nước này cũng sẽ tăng cường vai trò trung gian hòa giải xung đột giữa Nga và Ukraine.

Vấn đề lớn trong đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là việc bình thường hóa với Syria, đòi hỏi những chính sách vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Trước mắt, ông Erdogan không có ý định rút quân khỏi Syria, dù Chính phủ Syria nhấn mạnh rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi nước này là điều kiện tiên quyết cho các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước. Điều đó cho thấy quan điểm chống khủng bố và nâng cao chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ trong đường lối của ông Erdogan.

Nhìn chung, đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại trong 5 năm tiếp theo của Tổng thống Erdogan có thể không thay đổi. Nhưng chiến thắng trong cuộc bầu cử sít sao vừa qua như một bệ phóng giúp ông Erdogan tiếp tục nâng vị thế của cá nhân và Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại