Từ Washington DC: Vì sao nhiều người thủ đô nóng lòng chờ tân Tổng thống?

Hiệu Minh |

Chị hàng xóm của tôi có dịch vụ Airbnb (cho thuê phòng ngắn hạn tại nhà) bỗng tăng giá từ 65 đô la/đêm lên 120 đô la, vừa công bố đã có người đăng ký hai đêm 19 và 20-1.

Vào 10/01, đúng 10 ngày trước khi về làm dân thường, đương kim Tổng thống Barack Obama đã phát biểu từ biệt nhân dân Mỹ tại quê hương Chicago, nơi mà hơn 20 năm trước ông bắt đầu sự nghiệp chính trị và gia đình nhỏ.

Hơn hai chục ngàn vé bán hết sạch, cả nước chờ đợi bài phát biểu cuối cùng của ông trên cương vị quyền lực nhất thế giới.

Từ Washington DC: Vì sao nhiều người thủ đô nóng lòng chờ tân Tổng thống? - Ảnh 1.

Tổng thống Obama bên gia đình sau diễn văn chia tay. Ảnh: Chicago Tribune

8 năm trước ông nói "Yes, we can - Vâng chúng ta có thể" và hôm qua ông tự tin nhắc lại "Yes, we did - Vâng, chúng ta đã làm được" khi nói về thành tựu trong hai nhiệm kỳ.

"Cách đây 8 năm, nếu tôi nói với quý vị rằng nước Mỹ sẽ vượt qua cuộc đại suy thoái, ngành công nghiệp ô-tô sẽ tăng mạnh trở lại, và gia đoạn tạo ra công ăn việc làm mới kéo dài nhất trong lịch sử của chúng ta… nếu lúc đó tôi hứa với quý vị rằng chúng ta sẽ mở ra một chương mới với nhân dân Cuba, đóng lại chương trình hạt nhân của Iran mà không cần một phát đạn, và loại trừ kẻ chủ mưu vụ 11/9… nếu tôi nói với quý vị rằng chúng ta sẽ giành được quyền bình đẳng hôn nhân, và giành được quyền bảo hiểm sức khỏe cho thêm 20 triệu người Mỹ, thì quý vị có lẽ đã cho rằng mục tiêu của chúng ta đặt hơi quá cao."

Ý ông rất rõ "Nước Mỹ là quốc gia tốt đẹp và mạnh hơn 8 năm trước", không phải làm cho "vĩ đại trở lại" như slogan của Trump "Make America Great Again".

Trong khi Tổng thống Obama có những lời từ biệt khiến chính người phát biểu ngấn lệ và hàng ngàn người nghe rơi nước mắt, thì ở thủ đô Washington DC đang hối hả chuẩn bị cho vị chủ Nhà Trắng mới, ông Donald Trump. Hôm trước đi qua ngôi nhà 132 phòng nổi tiếng này, thấy lễ đài đang được dựng lên, những hàng ghế hai bên đại lộ Pensylvania nối Capitol Hill và nơi đây.

Qua Capitol Hill cũng không khí tương tự, khu dành cho khách ngồi cao cấp, đến dân dự phía dưới. Xung quanh được phong tỏa để cho công tác chuẩn bị, an ninh thắt chặt, camera đặt khắp nơi, những bốt quay truyền hình đã sẵn sàng.

Từ Washington DC: Vì sao nhiều người thủ đô nóng lòng chờ tân Tổng thống? - Ảnh 2.

Ghế ngồi cho người xem duyệt binh và đón Tổng thống. Ảnh: Hiệu Minh

Vé ngồi được phân phát thông qua các nghị sỹ tại địa phương, có chỗ phải mua, có chỗ đứng không mất tiền. Người Mỹ làm gì cũng tính đến kinh tế. Nghe lời từ biệt của Obama cũng phải trả tiền, muốn xem mặt người chủ mới cũng phải móc túi.

Theo các nhà tổ chức cho sự kiện, khoảng 19 triệu đô la đã được chi cho công tác chuẩn bị, và "giá cuối có thể lên tới 30 triệu," bà Muriel Bowser, thống đốc Washington DC, cho hay.

Nhưng số tiền đó không thấm vào đâu so với tiền thuế do dịch vụ khách sạn, giao thông, buôn bán trong dịp đón Tổng thống mang lại. Thủ đô DC có thể thu được 600-700 triệu đô la tiền thuế sau vụ này.

Chị hàng xóm của tôi có dịch vụ Airbnb (cho thuê phòng ngắn hạn tại nhà) bỗng tăng giá từ 65 đô la/đêm lên 120 đô la, vừa công bố đã có người đăng ký hai đêm 19 và 20-1.

Hệ thống này có khoảng 10 ngàn phòng hiện đã dùng hết, với giá từ 50 đô la đến hàng ngàn đô la/đêm nếu thuê cả nhà. Nguyên dịch vụ này thôi đã mang lại nguồn lớn cho thành phố như thế nào.

Từ Washington DC: Vì sao nhiều người thủ đô nóng lòng chờ tân Tổng thống? - Ảnh 3.

Đại lộ Pennsylvania qua Nhà Trắng bị chặn để phục vụ công tác chuẩn bị. Ảnh: Hiệu Minh

Thủ đô DC và vùng lân cận có khoảng 31 ngàn phòng trong nội thành và 110 ngàn ở ngoại ô. Số liệu thống kê năm 2013 cho hay, 65% số phòng được bán từ ngày 18-1 đến 20-1. Dự kiến số khách dùng khách sạn năm nay cũng thế.

Khách sạn "Four Seasons – Bốn mùa" trong phố cổ Georgetown bỗng đột ngột quá tải sau ngày 14-11, một tuần sau khi Trump thắng. Khách sạn yêu cầu phải đăng ký 4 đêm liền với giá 1.695 đô la/đêm nhưng đã hết chỗ. Nhóm ủng hộ Clinton bỏ cuộc thì nhóm thích Trump nhảy vào, không loại trừ cả người đến DC phản đối Tổng thống mới.

Metro bán vé loại 1 ngày với giá 10 đô la muốn đi bao nhiêu lần cũng được. Vào ngày đó, hầu hết các đường sang DC đều bị chặn. Nếu là 2 triệu người như năm 2013 thì đã được 20 triệu đô la.

Từ Washington DC: Vì sao nhiều người thủ đô nóng lòng chờ tân Tổng thống? - Ảnh 4.

Lối ra quảng trường dự lễ là metro và đi bộ là cách tốt hơn cả. Khi đã dựa vào đôi chân của chính mình thì tới được Bắc Cực nếu cần.

Để đảm bảo an ninh cho sự kiện, an ninh thủ đô bao gồm 3.000 người cùng với 5.000 lính quốc gia sẽ kiểm soát ngày đêm tại quảng trường quốc gia.

Còn 1 tuần nữa, ông Trump sẽ tuyên thệ tại Quốc hội, sau đó ra cánh gà phía Tây để đọc diễn văn nhậm chức vào 11:30.

3 giờ chiều ông cùng gia đình và phó Tổng thống đi theo đại lộ Pennsylvania về Nhà Trắng chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.

Capitol Hill vừa được sửa sang suốt mấy năm qua nay đã sẵn sàng cho Tổng thống được bầu đứng trước cánh gà phía Tây để chào đón hàng chục vạn người trên National Mall dài 3km, rộng 0,5km.

Hai nhiệm kỳ trước của Obama ngày nhậm chức có vài triệu người tới dự, vượt mọi kỷ lục trước đó.

Các nhà tổ chức không thể đoán được bao nhiêu người sẽ dự lễ chào đón Trump. Và họ cũng không thể biết bao nhiêu người tới đây để "đả đảo Tổng thống" hay giơ biểu ngữ "không phải Tổng thống của tôi".

Từ Washington DC: Vì sao nhiều người thủ đô nóng lòng chờ tân Tổng thống? - Ảnh 5.

Hàng rào biển cấm vào bao quanh Điện Capitol. Ảnh: Hiệu Minh

Dự kiến khoảng 200.000 phụ nữ sẽ biểu tình chống Trump do phân biệt chủng tộc, lạm dụng và coi thường phụ nữ, ngay ngày đầu tiên (21-1) của ông trong Nhà Trắng. Sự kiện chưa từng có trong lịch sử, chưa ngồi vào ghế đã bị cả đám đông chống đối.

Nhớ năm 2008 vào ngày Obama trúng cử, góc đại lộ Pennsylvania và phố 18 trước cửa World Bank, tổ chức quốc tế chiến đấu chống đói nghèo, một người vô gia cư nói như thơ "Obama đã thắng, xin ông bà một vài đô la" và khách mỉm cười rút ví.

Sự thay đổi của Obama chưa biết thế nào nhưng đời người da đen không nhà cửa thay đổi ngay vào hôm đó. Có lẽ hôm nay nếu hỏi người này thì ông sẽ bảo "Yes, he did. Đúng là Obama đã thay đổi đời ông".

8 năm trước nếu có hàng chục triệu người nghi ngờ Obama với những lời hứa "Yes, We Change - Vâng chúng ta thay đổi" thì hôm nay chắc cũng ngần ấy hoặc nhiều hơn đang băn khoăn liệu Trump có "Make America Great Again" hay còn chán hơn tất cả mọi nhiệm kỳ trước. Như người ta nói, hãy đợi đấy.

Còn bây giờ Washington DC đang hối hả cho ngày nhậm chức. Người làm dịch vụ khách sạn, taxi, Airbnb như cô láng giếng chắc chắn sẽ thấy quốc gia này "Great Again" (Vĩ đại trở lại) như đến hẹn lại lên sau 4 năm chờ đợi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại