Hình như không có ai vô tình thành KOL. Nhất là khi mang danh này rồi, họ phải có chiến lược bài bản để giữ chân và phát triển người theo dõi. Đây chính là lượng khách hàng tiềm năng mà các đối tác của KOL hướng vào. Phi nhận quảng cáo cho nhãn hàng bất thành KOL. Những bài viết hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt truyền bá những quan điểm, thông điệp hay ho được đăng tải đều đặn nhằm thu hút và gia tăng lượng theo dõi. Đây chính là công việc chuyên môn của KOL. Với những người nổi tiếng bên mảng nghệ thuật - giải trí, KOL làm chơi ăn thật. Mức thù lao có giá cả chục đến trăm triệu đồng cho một lần xuất hiện bên những sản phẩm, dịch vụ không liên quan gì đến chuyên môn của họ.
Nhiều nghệ sĩ Việt đăng chuyện xem tử vi lên mạng xã hội. Ảnh: Đoàn phim.
Cửa hàng phong thủy chắc không ngờ rằng các sao lập tức bị phản đối kiểu “treo dê bán chó” này. Chính các KOL cũng không ngờ mình bị bóc mẽ nhanh thế. Mà kể cả khi có quảng cáo xem tử vi thật thì cũng khá kỳ cục vì “mặt hàng” này khó mà kiểm chứng, định lượng, có thể gây hệ lụy khôn lường cho những người nhẹ dạ.
Kỳ quái hơn nữa là tất cả KOL trong vụ này đều giật một status có nội dung tới 90% như nhau, với các từ khóa “dã man”, “hết hồn”, “chuẩn quá”... Có nghĩa là họ chẳng động não, xác minh hay cá nhân hóa gì. Cứ nhận tiền là nội dung gì cũng đăng tuốt. Bị phản đối thì hạ status là xong?
KOL nếu không là chuyên gia trong lĩnh vực mình quảng cáo, ít ra cũng là người trải nghiệm sản phẩm dịch vụ và thấy tốt hãy nên chia sẻ. Đó là “chức năng” ban đầu của một KOL - người chiếm được lòng tin của một nhóm người vì khả năng thẩm định. Nhưng có thể thấy một số KOL giờ đây bị biến tướng thành những diễn viên quảng cáo. Họ đóng chính mình trong vai người trải nghiệm dịch vụ hoặc chuyên gia thẩm định.
Việc các nhãn hàng “nhờ” KOL bây giờ xem ra tiện lợi hơn nhiều so với thuê các sao hạng A đóng các đoạn phim quảng cáo tốn kém để phát trên truyền hình trước đây. Quảng cáo sử dụng nhân thân của chính KOL trên mạng xã hội được đón nhận như một “bí kíp” truyền miệng thường có tác dụng trực tiếp tới người tiêu dùng. Với những nhãn hàng “ba vạ” như cửa hàng phong thủy kể trên là đường hướng tiếp thị hiệu quả. Vừa đỡ tốn kém lại vừa toàn quyền sai phái KOL cũng như chẳng chịu sự kiểm định, kiểm duyệt của bất cứ cơ quan nào.
Thanh Hương buôn bán nhiều mặt hàng trên trang cá nhân. Ảnh: FBNV.
Cách đây chưa lâu loạt diễn viên nổi tiếng hàng đầu tràn lên mạng nói về thuốc trị u nang buồng trứng. Có người thậm chí còn trưng giấy khám của bệnh viện để chứng tỏ mình có u và đã khỏi. Sau đó bệnh viện xác nhận chưa từng khám cho diễn viên này. Cô cũng lờ tịt chất vấn của báo chí. Họ dường như cũng không chịu hình thức xử lý gì cho cú lừa trắng trợn đó. Người duy nhất xin lỗi khán giả sau vụ này là NSND Hồng Vân.
Ở Hà Nội, còn có nữ diễn viên T.H đã và đang quảng cáo cho vô kể các loại mỹ phẩm tới thực phẩm chức năng cứ như thể cô đã dùng tất cả sản phẩm này trên cơ thể mình. Nhưng có vẻ khán giả còn tin nên cô vẫn tiếp tục đắt hàng quảng cáo. Quan sát so sánh các bài đăng có và không có nội dung quảng cáo của các KOL có thể thấy lượng tương tác gần như nhau. Nhất là khi sao chường hẳn mặt ra để giới thiệu sản phẩm qua video hoặc livestream càng dễ thuyết phục những người hâm mộ cả tin.
Mạng xã hội cung cấp một đội ngũ hùng hậu KOL sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của khách hàng. Không biết họ đã nộp đồng tiền thuế nào từ công việc hái ra tiền của mình chưa?