Tại sao Idlib lại quan trọng?
Ngày 27/10, Pháp và Đức đã sát cánh cùng với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai thế lực lớn ở Syria để tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Syria.
"Ưu tiên" tại Hội nghị thượng đỉnh Istanbul, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải thích, là tình hình ở Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy.
Trong tuyên bố chung bốn bên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Macron đã cùng kêu gọi một lệnh "ngừng bắn vĩnh viễn" tại Idlib.
Động thái của các cường quốc EU nói trên là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy họ đang từ bỏ chính sách của Mỹ đối với Syria, trong khi chính quyền Tổng thống Trump vẫn khẳng định cuộc chiến chưa thể kết thúc cho đến khi các điều kiện cụ thể được đáp ứng.
Ngoài ra, cuộc gặp bốn bên giống như một lời khẳng định chiến thắng thực tế cho chính quyền của Tổng thống Assad sau 7 năm xung đột.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton từng nhấn mạnh hồi tháng 8: "Lợi ích của chúng tôi ở Syria là xóa bỏ các vùng lãnh thổ IS chiếm đóng, giải quyết mối đe dọa liên tục của chủ nghĩa khủng bố và sự hiện diện của các lực lượng Iran".
Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ quyết tâm tiếp tục cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông trong tương lai gần – điều đi ngược lại với các đồng minh châu Âu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Istanbul, các bên đã kêu gọi một cuộc "bầu cử tự do và công bằng" ở Syria và cùng tạo điều kiện cho phép những người tị nạn trở về quê hương.
Câu hỏi đặt ra là vì sao tình hình ở Idlib lại có tầm quan trọng lớn như vậy đối với châu Âu?
Theo Middle East Eye, lợi ích của châu Âu ở Idlib có liên quan trực tiếp đến vấn đề an ninh của chính các quốc gia ở lục địa này. Họ không muốn có một làn sóng người tị nạn mới – mà có thể sẽ có cả những kẻ cực đoan trà trộn - đổ vào châu Âu
Idlib nằm ở tây bắc Syria trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có khoảng ba triệu người đang sinh sống tại đây. Trong trường hợp một cuộc chiến nổ ra, sẽ có khoảng 800.000 người phải tìm đường chạy trốn.
Do đó, một cuộc chiến toàn diện ở Idlib có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn mới và có khả năng theo sau là những đợt tấn công khủng bố táo bạo khác ở châu Âu.
Liên kết Syria-Iran
Một báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, tính đến tháng 1/2018, khoảng một triệu người Syria đã sang châu Âu tị nạn kể từ khi cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông bắt đầu. Trong đó có hơn 500.000 người Syria đã đến Đức xin tị nạn từ thời gian từ năm 2011 đến 2017.
Trong năm 2015, để xoa dịu làn sóng chỉ trích chính sách mở cửa đón người nhập cư của mình, bà Merkel khẳng định "đóng cửa đất nước sẽ không giải quyết được vấn đề". Thủ tướng Đức lập luận rằng châu Âu phải giải quyết gốc rễ của cuộc khủng hoảng di cư bằng cách nỗ lực cho mục tiêu hòa bình ở Syria.
Những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tị nạn đã trở thành bài học thấm thía cho châu Âu.
Một câu hỏi khác được đặt ra đó là: Điều gì liên kết cuộc khủng hoảng Syria và thỏa thuận hạt nhân Iran?
Về cơ bản, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhiều lần lưu ý rằng sự ủng hộ vững chắc của họ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran – vốn dẫn đến sự bất đồng trực tiếp với Mỹ - hoàn toàn là vì lợi ích của an ninh châu Âu.
Vào tháng 5, Federica Mogherini, giám đốc chính sách đối ngoại của EU, nói : "Đối với chúng tôi, đây không phải là mối quan tâm về kinh tế mà là vì vấn đề an ninh của Liên minh châu Âu. Không có thỏa thuận hạt nhân với Iran, chúng tôi tin rằng an ninh của khu vực và châu Âu sẽ bị đe dọa".
Lập luận đằng sau quan điểm này rất giống với lý do tại sao người châu Âu xem hòa bình ở Syria cũng là vấn đề an ninh tương tự.
Không nên có sự thay đổi chế độ ở Tehran
Lập luận của châu Âu có thể được giải thích như sau: Ý định của chính quyền Mỹ hiện nay là bằng cách áp đặt "áp lực tối đa" và "biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất" vào Iran để gieo rắc rối và kích động người Iran nổi dậy chống lại chính quyền.
Các kiến trúc sư hiện tại của chính sách Mỹ đối với Iran - bao gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo và ông Bolton - từ trước khi vào Nhà Trắng đã chủ trương ủng hộ "thay đổi chế độ" ở Iran.
Tuy nhiên, không có sự thay thế thực tế nào cho hệ thống chính quyền hiện tại ở Iran. Nếu Iran chịu những hậu quả nặng nề của trừng phạt và rơi vào hỗn loạn, không có thực thể nào có thể lấp đầy khoảng trống quyền lực. Cuối cùng Iran sẽ trở thành một nhà nước sụp đổ.
Trong một tình huống như vậy, một khu vực rộng lớn trải dài của các quốc gia sụp đổ từ Afghanistan tới Syria sẽ làm mất ổn định toàn bộ khu vực khi trở thành một căn cứ khổng lồ cho các tổ chức khủng bố nương náu.
Khi đó, Iran có thể trở thành quốc gia hỗn loạn, chứa chấp các nhóm tội phạm có tổ chức và trở thành trung tâm trung chuyển buôn bán ma túy lớn giữa Afghanistan và phương Tây qua Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối cùng hỗn loạn và nội chiến có thể tràn vào các nước láng giềng và làm mất ổn định ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Heshmatollah Falahatpisheh, ngôi sao đang lên trong bộ máy chính sách đối ngoại của Iran, từng bình luận về quan điểm của các nước EU như sau: "Các quốc gia châu Âu đã nhận thấy hậu quả của những bất ổn trong khu vực có thể đánh vào biên giới của họ.… Người châu Âu coi Iran là hòn đảo ổn định trong khu vực…
Họ biết rằng theo đuổi các chính sách ổn định trong khu vực chính là đem lại lợi ích cho mình. Họ thực sự nghiêm túc muốn hợp tác với Iran để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, không rõ là họ có sẽ làm điều này như thế nào".
Có thể thấy rằng, sự thúc đẩy của châu Âu cho sự ổn định trong khu vực cả ở Syria và Iran - đi ngược lại với chính sách của Mỹ - một phần bắt nguồn từ mối quan tâm nhân đạo nhưng mục tiêu tối thượng nhất vẫn là tránh sự hỗn loạn tràn vào châu Âu.