Vài ngày trở lại đây, làn sóng các cầu thủ Trung Quốc từ hải ngoại trở về thi đấu ở Super League bỗng nhiên ồ ạt hơn bao giờ hết. Trong chưa đầy một tuần qua, có đến 10 bản hợp đồng là các cầu thủ Trung Quốc trở về từ nước ngoài được các đội bóng Chinese Super League công bố. Trong vài ngày tới, hứa hẹn sẽ có thêm vài bản hợp đồng nữa trở về từ Nhật Bản.
Nguyên cớ của việc này là do chính sách giới hạn lương, thưởng của Super League, cũng như "tấm gương tày liếp" của đội bóng đương kim vô địch Jiangsu Suning phá sản vì vỡ nợ, khiến các "đại gia" Trung Quốc cực kỳ rón rén trong chính sách ngoại binh. Ngày 26/2 vừa qua, cửa sổ chuyển nhượng ngoại binh đã khép lại, song cửa sổ chuyển nhượng dành cho nội binh lại vẫn còn 1 tháng nữa. Đây là lúc các cầu thủ Trung Quốc đang chơi bóng ở nước ngoài ồ ạt đổ về.
Super League đang rơi vào "mùa đông lạnh giá" khi tổng mức đầu tư vào giải đấu này giảm chỉ còn 40% so với mùa giải 2018. Song với tình hình khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trên toàn thế giới, đấy lại đang trở thành "miền đất hứa" cho những cầu thủ Trung Quốc đang phải chật vật cạnh tranh ở hải ngoại.
Từ làn sóng này, có thể thấy Trung Quốc có không ít cầu thủ giỏi, những tuyển thủ quốc gia đang thi đấu ở nước ngoài. Vậy tại sao bóng đá Trung Quốc lại đang trình diễn một bộ mặt tệ hại đến nhường ấy, và tại sao ĐTQG Trung Quốc giờ phải dựa hoàn toàn vào các ngoại binh nhập tịch.
Theo tờ Sina của Trung Quốc, sự khác biệt lớn nhất của các cầu thủ Trung Quốc với những đồng nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran đó là thái độ thi đấu. Các tuyển thủ Trung Quốc luôn ích kỷ, chơi "giữ chân" ở ĐTQG vì sợ chấn thương, cũng như giữ gìn thể lực để về đá cho CLB.
Trong khi đó, chưa cần nói đến tinh thần yêu nước, các cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran cũng đã chuyên nghiệp hơn nhiều khi chỉ cần đứng trên phương diện tài chính. Họ thi đấu cực kỳ nỗ lực trong màu áo ĐTQG, để có được sự công nhận từ các CLB châu Âu. Họ biết rằng ở châu Âu mới có thể kiếm được mức lương cao gấp nhiều lần quê nhà.
Đấy là lý do để những Son Heung-min, Minamino, Kamada hay Taremi đang thành công ở châu Âu. Đấy cũng chính là lý do cầu thủ Trung Quốc vắng bóng ở 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu, và đang "tháo chạy" về với Super League.
Trong thành công của bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây, sự đóng góp của các cầu thủ "dưới trướng" bầu Đức là điều không thể thiếu.
Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... từng được bầu Đức cho "xuất ngoại". Suốt 6 mùa bóng qua, không thiếu những giai đoạn HAGL của ông bầu phố Núi phải gồng mình để trụ hạng, trong hoàn cảnh thiếu các cầu thủ chủ lực của mình. Nhưng đấy không phải là điều đáng lo với bầu Đức.
Cái đích lớn nhất mà ông nhắm đến, đấy là các cầu thủ HAGL của mình dùng bản lĩnh, tài năng để cống hiến cho ĐTQG, cho bóng đá Việt Nam. Cho Xuân Trường sang Hàn Quốc rồi Thái Lan, Công Phượng đi Nhật, sang Hàn, đi Bỉ... mục đích duy nhất của bầu Đức là để đóng góp, mở đường cho bóng đá Việt Nam mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn.
Có thể những sự lựa chọn của bầu Đức chưa thể phát huy tác dụng ở hiện tại, song ông cũng đã kịp vẽ ra con đường để các cầu thủ Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thế giới. Bóng đá Việt Nam hạnh phúc vì có ông, bầu Đức.