Trước ý kiến trái chiều về bia 0 độ cồn, chuyên gia nói gì?

Tin: Hải Yến, đồ hoạ: Lan Chi |

Thông tin một nhãn hàng quảng cáo bia 0 độ cồn trên đường cao tốc nhưng cấm người dưới 18 tuổi đã gây nhiều tranh cãi.

Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với PGS-TS Đặng Văn Hoài, Trưởng Khoa Khoa học cơ bản, Trưởng Bộ môn Hóa - Trường ĐH Y dược TP HCM, xung quanh vấn đề này.

+ Phóng viên: Thưa PGS-TS Đặng Văn Hoài, sau khi uống bia 0 độ cồn, nếu kiểm tra thì có phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở không?

Trước ý kiến trái chiều về bia 0 độ cồn, chuyên gia nói gì?

+ PGS-TS Đặng Văn Hoài: Nếu đúng là uống bia 0 độ cồn thì khi thổi, máy đo sẽ không ghi nhận nồng độ cồn. Bởi vì, trong máy đo nồng độ cồn có chất ôxy hóa nên khi gặp cồn, phản ứng ôxy hóa sẽ xảy ra. Tùy theo độ cồn nhiều hay ít sẽ thể hiện qua màu xanh đậm hay nhạt và chỉ số trên đồng hồ của máy. Như vậy, nếu không có chất khử là cồn thì khi thổi nồng độ cồn sẽ không có phản ứng xảy ra

+ Nhiều người cho rằng dù đã uống bia 0 cồn nhưng khi thổi, máy vẫn báo có nồng độ cồn. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều sản phẩm bia được quảng cáo 0 độ cồn nhưng lại khuyến cáo "chỉ dành cho người trên 18 tuổi". Quan điểm của ông như nào?

+ Thông thường, bia có khoảng 5% cồn. Dù trong bia chỉ có 0,5% cồn thì vẫn gọi là bia có cồn chứ không thể gọi là bia 0 độ cồn được. Nếu đã không độ cồn thì uống vào không say, cũng giống như uống nước trái cây, nước trà.

Độ cồn có hay không, cao hay thấp cần phải có sự kiểm định, định lượng. Đã là rượu, bia thì phải có cồn, do đó gọi tên "bia không cồn" thì về mặt hóa học là không đúng. Nếu uống bia 0 độ cồn mà khi kiểm tra vẫn cho thấy có nồng độ cồn trong hơi thở thì chứng tỏ bia đó có cồn.

+ Một số người thắc mắc dù đã uống bia, rượu từ 1-2 ngày trước nhưng khi bị kiểm tra vẫn thấy còn nồng độ cồn, vẫn bị xử phạt. Ông có thể cho biết vì sao?

+ Khi uống rượu, bia, cơ thể sẽ chuyển hóa theo 3 đường gồm gan, thận và phổi. Trong đó, chuyển hóa qua phổi bằng đường hô hấp ít hơn so với gan, thận. Cồn trong cơ thể vẫn được phát hiện sau khi uống rượu, bia 3 - 4 ngày nếu xét nghiệm máu và nước tiểu. Còn nếu kiểm tra bằng máy thổi nồng độ cồn thì tùy thuộc lượng rượu, bia được nạp vào cơ thể nhiều hay ít mà có thể phát hiện ra hay không. Nếu ngày hôm trước uống nhiều thì hôm sau thổi nồng độ cồn vẫn phát hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại