Tiếp tục rót tiền
Ngày 25/11, một viện nghiên cứu về Biển Đông của Trung Quốc đã công bố “Báo cáo sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương (TBD). Báo cáo đã nêu chi tiết về lực lượng quân sự Mỹ trong khu vực cũng như những hướng đi của cường quốc số một này. Đây được coi là báo cáo chuyên đề mang tính khởi xướng tại Trung Quốc.
Theo báo cáo, trong những năm qua, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện ở tuyến đầu và hoạt động quân sự ở châu Á-TBD. Dù chi tiêu quân sự tổng thể giảm đi, Mỹ lại gia tăng tỉ lệ chi tiêu quân sự ở khu vực châu Á-TBD, không ngừng mở rộng và hoàn thiện mạng lưới và triển khai quân sự ở khu vực này.
Năm 2013, Mỹ bắt đầu khởi động kế hoạch cắt giảm chi tiêu. Dù ngân sách quốc phòng về tổng thể suy giảm nhưng Mỹ vẫn tăng cường đầu tư cho khu vực châu Á-TBD. Khi đề xuất ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2017, Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-TBD, đầu tư vào các quốc gia mới nổi để duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở khu vực này.
Trong đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm 2017 của Mỹ lần đầu tiên liệt Nga và Trung Quốc là những mối đe dọa chiến lược trên toàn cầu, yêu cầu ngân sách cho các hành động khẩn cấp ở nước ngoài tăng khoảng 5 tỷ USD so với năm tài khóa 2016, đồng thời tập trung tăng cường năng lực phòng vệ trên biển với các nước đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á.
Mỹ cũng lấy mối đe dọa Iran và Triều Tiên như là cái cớ để gấp rút triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á-TBD.
Các biện pháp cụ thể rõ ràng được đề xuất trong bản ngân sách này bao gồm: Triển khai nhiều hơn nữa máy bay chiến đấu F-35 và tàu khu trục Aegis ở Nhật Bản, triển khai luân phiên máy bay trinh sát và săn ngầm P-8 Poseidon ở Singapore, thực hiện luân phiên quân đội Mỹ ở miền Bắc Australia, đưa lính thủy đánh bộ đến căn cứ ở Guam, tăng cường triển khai luân phiên ở Philippines…
Trong 5 năm tới sẽ hỗ trợ 425 triệu USD cho “Sáng kiến an ninh trên biển Đông Nam Á” cũng như tiếp tục thực thi Chương trình bảo vệ tự do hàng hải trong phạm vi được luật quốc tế cho phép…
Gia cố sức mạnh
Mỹ hiện có hệ thống căn cứ quân sự trải khắp 5 châu lục, 4 đại dương ngoại trừ châu Nam Cực, phủ khắp hơn 50 quốc gia trên thế giới, với tổng số 587 căn cứ quân sự.
Theo báo cáo của Trung Quốc, 2 khu vực châu Á-TBD và Ấn Độ Dương có giá trị chiến lược hết sức quan trọng đối với Mỹ khi có tổng cộng 7 nhóm căn cứ quân sự ở 2 khu vực này, chiếm gần 50% tổng số căn cứ ở nước ngoài. Trong đó, tại Nhật Bản có 122 căn cứ và ở Hàn Quốc là 83 căn cứ.
Căn cứ quân sự thường trực của Mỹ ở châu Á-TBD chia thành 5 nhóm khu vực có quy mô tương đối lớn: Nhóm căn cứ Đông Bắc Á gồm các căn cứ ở Nhật Bản và Hàn Quốc hợp thành; nhóm căn cứ Tây Nam Thái Bình Dương lấy Guam làm trung tâm; nhóm căn cứ Đông Nam Á, Australia lấy Philippines và Singapore làm trung tâm; nhóm căn cứ Hawaii lấy Hawaii làm trung tâm; nhóm căn cứ Alaska.
Trong đó, quân đội Mỹ đang tăng cường triển khai quân sự ở Okinawa và Guam, tìm cách biến nó thành đầu mối chiến lược cho sự hiện diện quân sự liên hợp của Mỹ ở châu Á-TBD.
Tuy quân đội Mỹ không thiết lập căn cứ vĩnh viễn ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, nhưng đã thông qua các phương thức như đồn trú luân phiên, chuyến thăm của tàu chiến và tập trận chung… để triển khai lực lượng quân sự.
Mỹ về cơ bản đã giành được quyền sử dụng căn cứ hải quân Changi của Singapore, trách nhiệm chủ yếu của căn cứ này là tiếp viện và bảo vệ cho Hạm đội 7.
Những năm gần đây, Mỹ và Philippines đã đạt được nhận thức chung về việc quân đội Mỹ sử dụng nhiều căn cứ quân sự của Philippines. Quân đội Mỹ còn tìm cách thông qua các phương thức như chuyến thăm của tàu chiến, bảo dưỡng tàu chiến… để giành lấy quyền đi vào và sử dụng căn cứ hải quân của các nước trong khu vực.
Ngoài ra, Mỹ còn lên kế hoạch đưa hải quân Australia tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường (TMD).
Báo cáo của Trung Quốc cho rằng mục đích của những biện pháp trên của Mỹ là nhằm xây dựng hệ thống căn cứ quân sự châu Á-TBD kết hợp giữa gần với xa, trạng thái tĩnh với trạng thái động và chiến lược với chiến thuật.
Cụm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Tính đến năm 2015, Mỹ đã bố trí 368.000 quân ở khu vực châu Á-TBD, chiếm hơn 50% trong tổng số lực lượng quân sự ở Mỹ ở nước ngoài. Riêng ở Tây Thái Bình Dương, số binh lính của Mỹ vào khoảng 153.000 người, chủ yếu bố trí ở Hàn Quốc, Nhật Bản, đảo Guam, Hawaii và Alaska.
Mỹ đang từng bước triển khai tàu chiến mặt nước tiên tiến nhất đến khu vực châu Á-TBD, chủ yếu bao gồm tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN-76) được bố trí năm 2015, tàu đổ bộ tấn công USS America (LHA-6) được bố trí trước năm 2020…
Trong vài năm tới, quân đội Mỹ sẽ mua 395 máy bay chiến đấu F-35, phần lớn trong đó sẽ được bố trí ở khu vực châu Á-TBD.
Tổng thống đắc cử Donald Trump và cố vấn an ninh của ông từng cho biết sẽ nâng số tàu hải quân của Mỹ từ 274 chiếc hiện nay lên 350 chiếc.
Mỹ vừa bàn giao chiếc F-35 đầu tiên cho Nhật Bản
Mỹ cũng đẩy mạnh đầu tư năng lực tác chiến quan trọng, thiết lập kênh thu thập tin tức tình báo, giám sát và trinh sát có thể vận hành liên tục và hoạt động ở khoảng cách xa hơn.
Theo thống kê của Trung Quốc, nếu trong năm 2009, máy bay trinh sát của Mỹ chỉ thực hiện hơn 260 lần do thám tầm gần đối với Trung Quốc, năm 2014 con số này là hơn 1.200 lần. Trung Quốc trở thành quốc gia bị Mỹ tiến hành do thám tầm gần với tần suất cao nhất, phạm vi rộng nhất, nhiều hình thức nhất.
Báo cáo của Trung Quốc cũng chỉ ra rằng Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với các nước đồng minh và đối tác trong khu vực.
Mỹ có hàng trăm cứ căn cứ và cơ sở quân sự chuyên dụng ở Nhật Bản, có khoảng 50.000 quân đồn trú, được trang bị một lượng lớn trang thiết bị vũ khí tiên tiến. Lực lượng hải quân Mỹ đóng ở Nhật Bản còn duy trì thường niên 1 nhóm tàu sân bay và 1 nhóm tàu đổ bộ tấn công.
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tập trận đổ bộ
Mỹ còn xuất khẩu một số lượng lớn trang thiết bị vũ khí cho Nhật Bản. Năm 2016, Nhật Bản dự định mua các trang thiết bị vũ khí tiên tiến nhất từ Mỹ có trị giá 485,8 tỷ yên (tương đương 4,26 tỷ USD), trong đó có 36,7 tỷ yên (321,6 triệu USD) dùng để mua 3 máy bay không người lái Global Hawk.
Trong khi đó, Hàn Quốc là quốc gia có số lượng quân đội Mỹ thường trú ở châu Á chỉ xếp sau Nhật Bản. Bắt đầu từ năm 2015, Mỹ lần lượt bán cho Hàn Quốc hệ thống chiến đấu Aegis, tên lửa chống hạm Harpoon kiểu mới.
Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận với Hàn Quốc về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vào tháng 3/2016.
Bên cạnh đó, viện trợ quân sự của Mỹ đối với Philippines không ngừng gia tăng với tổng số tiền 191 triệu USD từ năm 2009-2014. Tháng 3/2016, quân đội Mỹ được phép sử dụng 5 căn cứ quân sự ở Philippines bằng hình thức đồn trú luân phiên. Cũng trong tháng đó, Mỹ và Philippines bắt đầu tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng dù có một số trục trặc kể từ sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền ở Philippines, quan hệ đồng minh quân sự giữa Mỹ và Philippines sẽ không tan rã, hợp tác quân sự giữa hai nước sẽ không chấm dứt.