Khi Giải phóng quân nhân dân Trung Hoa (PLA) phải đối mặt với những căng thẳng ngày càng gia tăng với Mỹ và một số cường quốc châu Âu và khi phương Tây tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh hiện đại hóa “bộ ba hạt nhân” của họ (tên lửa, bom hạt nhân phóng/thả từ trên bộ, trên không và trên biển) nhằm gia tăng năng lực ngăn chặn (chống tiếp cận).
Cho dù Trung Quốc vẫn là một cường quốc hạt nhân, kho đầu đạn khoảng 250 chiếc của họ không là gì nếu so với Nga và Mỹ, mỗi nước có ít nhất khoảng 7.000 đầu đạn.
Do vậy, theo militarywatch, Trung Quốc đã đầu tư mạnh củng cố năng lực phát động tấn công hạt nhân với các tên lửa, máy bay và tàu chiến hoàn toàn mới, những nền tảng phóng/ném vũ khí hạt nhân.
Các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 và DF-21 và một số loại tên lửa hành trình mới, đi kèm là các máy bay ném bom, tất cả đều nhằm đến mục tiêu tăng cường năng lực ngăn chặn và các loại vũ khí đều được thiết kế cho cả mục tiêu chiến thuật và chiến lược.
Bên cạnh các hệ thống phóng/ném khác, PLA đang đầu tư mạnh cho việc triển khai lực lượng có thể xem là có tính sống sót cao nhất trong lực lượng thực thi nhiệm vụ ngăn chặn. Đó chính là các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên của thế giới, lớp Zulu IV, bắt đầu phục vụ trong hải quân Liên Xô từ năm 1955. Nó có thể phóng nhiều biến thể tên lửa đạn đạo Scud. Rồi sau đó là sự ra đời của các tàu ngầm cùng loại nhưng tinh vi hơn của cả Mỹ và Liên Xô. Bộ ba hạt nhân được hình thành.
Hải quân Trung Quốc nhập cuộc đua tàu ngầm tên lửa đạn đạo khá muộn. Trước đó, họ chủ yếu dựa vào máy bay ném bom hạng nặng hoặc các bệ phóng mặt đất trong thời Chiến tranh lạnh. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo đầu tiên của họ là tàu lớp Type 092 Hạ, khởi đóng từ năm 1978 tại xưởng đóng tàu Bột Hải ở Hồ Lô Đảo. Lúc đó nó là tàu ngầm lớn nhất của Trung Quốc.
Tàu lớp Hạ được hoàn tất ba năm sau đó, dài 120m, mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-1, được trang bị một lò phản ứng hạt nhân nước áp lực, khiến nó có tầm hoạt động gần như không giới hạn.
Chỉ duy nhất một tàu lớp này được hoàn tất và đây là sự thiếu hụt đối với hải quân Trung Quốc nói riêng và PLA nói chung vì ở thời điểm cuối những năm 1970, ngân sách dành cho quân đội của Trung Quốc khá hạn hẹp.
Tàu Type 092 cho đến ngày nay vẫn đang phục vụ trong hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên nó đã được trang bị mới hệ thống định vị thủy âm (sonar) tiên tiến hơn là loại Type H/SQ2-262B.
Vũ khí chính của tàu cũng đã được nâng cấp: tàu mang tên lửa đạn đạo phiên bản mới JL-1A. Type 092 cũng được sơn lại màu sơn đen mới, tích hợp công nghệ giảm tiếng ồn nhằm tăng cường khả năng sống sót.
Công việc thiết kế và nâng cấp tàu Type 092 giúp hải quân Trung Quốc những bước đi làm nền tảng để từ đó phát triển các tàu tiên tiến hơn trong lúc nền kinh tế nước này giúp cho phép quân đội có ngân sách dồi dào hơn. Tàu Type 092 dù đã lâu năm nhưng vẫn được sử dụng rộng rãi, là nền tảng thử nghiệm công nghệ để áp dụng vào các tàu khác trong hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa lực lượng hạt nhân nói chung và tàu ngầm đạn đạo nói riêng giữa Trung Quốc và Nga hay Mỹ vẫn còn rất xa. Chúng tôi sẽ còn trở lại chủ đề này trong dịp khác.