Nhật Bản và Mỹ vừa ký hợp đồng “khủng” lên đến 105 máy bay F-35, hợp đồng này có thể làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực, nhất là trong cạnh tranh với Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/7 thông báo, Washington đã đồng ý xuất khẩu sang Nhật Bản 105 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Lightning-2, tổng giá trị hợp đồng khoảng 23,11 tỉ USD. Với việc nhận thêm 105 chiếc, tổng số máy bay chiến đấu F-35 thuộc sở hữu của Nhật Bản sẽ đạt tới 147 chiếc, chỉ đứng sau Mỹ.
Giao dịch này là giao dịch vũ khí lớn thứ hai trong lịch sử xuất khẩu vũ khí Mỹ, sau khi Saudi Arabia mua máy bay chiến đấu F-15SA và vũ khí liên quan với giá 29,4 tỉ USD vào năm 2010. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, giao dịch này sẽ cải thiện “an ninh của đồng minh lớn” ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hợp đồng lần này bao gồm 63 máy bay F-35A cất cánh và hạ cánh thông thường, phiên bản dùng cho không quân và 42 máy bay chiến đấu F-35B cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng dùng cho tàu sân bay.
Ngoài ra, hợp đồng còn bao gồm 110 động cơ F135 của công ty Pratt & Whitney. Được biết, vào cuối năm 2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phê duyệt Lực lượng phòng vệ nước này mua thêm 105 máy bay chiến đấu F-35, nâng tổng số lượng F-35 của Nhật Bản lên 147 chiếc.
Hiện Nhật Bản đang nâng cấp tàu sân bay trực thăng JDS Izumo để biến nó thành tàu sân bay thực sự có khả năng mang theo máy bay chiến đấu cánh cố định. Như vậy, máy bay F-35B được chuẩn bị để trang bị cho tàu sân bay này.
Nhật Bản không chỉ hài lòng với việc có được máy bay chiến đấu F-35 mà còn muốn làm chủ công nghệ liên quan của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Thời gian qua, Nhật Bản đã không tiếc chi phí để phát triển dây chuyền lắp ráp máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, với mong muốn “nội địa hóa” dòng máy bay này. Trong số 42 chiếc F-35 ban đầu được Nhật Bản mua, ngoại trừ 4 máy bay đầu tiên là do Mỹ sản xuất, 38 chiếc còn lại được Nhật Bản lắp ráp trong nước.
Ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2020-2021 của Nhật Bản lên tới 50,3 tỉ USD, nhằm đầu tư mua sắm máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa khi nước này đối mặt với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Hợp đồng mua 105 máy bay F-35 lần này là nhằm đối phó với sự hiện đại hóa nhanh chóng của Quân đội Trung Quốc.
Theo SCMP, giới phân tích nhận định, thỏa thuận F-35 sẽ giúp Nhật Bản tái khẳng định vai trò đi đầu về an ninh trong khu vực, nhưng cũng gây ra một thách thức mới với Quân đội Trung Quốc, vốn đã tăng cường hoạt động ra khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong những năm gần đây, động thái khiến Mỹ và nhiều nước trong khu vực lo ngại.
Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo của Nhật Bản. Nguồn: eastday.com.
Thỏa thuận F-35, cùng với các kế hoạch của Tokyo nhằm hiện đại hóa các tàu sân bay lớp Izumo để vận hành các máy bay chiến đấu, gây ra một mối đe dọa với kế hoạch của Bắc Kinh ở khu vực bằng cách gia tăng tầm với hoạt động của không quân Nhật Bản.
Chu Chấn Minh, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nhận định, thỏa thuận F-35 có thể giúp Nhật Bản đối trọng các mối đe dọa từ Trung Quốc và nó có thể được coi là một phần quan trọng trong chiến lược cưỡng chế trên toàn thế giới của Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ làm thay đổi sự cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do số lượng lớn máy bay chiến đấu mà Nhật Bản đặt hàng.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng mặc dù các máy bay chiến đấu thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc cho phép Trung Quốc dẫn đầu trong cuộc đua máy bay chiến đấu tàng hình, nhưng dòng máy bay này được cho là đã gặp một số trục trặc về động cơ sau khi được biên chế vào năm 2017. Thỏa thuận F-35 mới nhất cũng khiến Trung Quốc thêm áp lực nhằm đẩy nhanh và cải tiến chương trình phát triển J-20.
Ngoài việc mua 105 máy bay F-35, Nhật Bản cũng dự kiến chi 40 tỉ USD để phát triển "máy bay chiến đấu tương lai", dự kiến sẽ thay thế máy bay tiêm kích F-2 do Mitsubishi Heavy Industries và Lockheed Martin chế tạo nhưng dựa nhiều vào F-16 Fighting Falcon của quân đội Mỹ. Tiêm kích cuối cùng trong số 98 chiếc F-2 sẽ nghỉ hưu vào khoảng năm 2035.
Theo Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunka, các mối lo ngại của Nhật Bản tập trung vào không gian xung quanh các vùng lãnh thổ xa xôi, chủ yếu là các đảo ở tỉnh Okinawa mà Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
“Nhật Bản muốn có máy bay chiến đấu để bảo vệ những hòn đảo này và họ cần một máy bay đa năng” - ông Mulloy cho hay.