Sau cuộc điện đàm với Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 2/12, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho rằng chính sách "một Trung Quốc" vốn coi Đài Loan chỉ là một tỉnh ly khai của Trung Quốc, đã bị giới truyền thông và quân đội Trung Quốc làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ hôm 13/12 cho rằng chi tiêu quốc phòng của Đài Loan chưa tương xứng với mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc.
Hải quân Đài Loan tập trận hồi tháng Một tại cảng Kaohsiung
"Đài Loan cần chuẩn bị và đầu tư năng lực ngăn chặn các hành động thù địch và nâng cao năng lực phòng thủ. Nguồn ngân sách quốc phòng là vô cùng quan trọng trong khi chi tiêu quân sự của Đài Loan chưa tương xứng với mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc", phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Abraham Denmark phát biểu tại hội thảo Dự án 2049 ở Washington.
Theo Reuters, thực tế, Đài Bắc không đủ sức phản công trước bất cứ hành động quân sự nào từ Bắc Kinh do kinh tế Đài Loan còn yếu kém và ngành công nghiệp sản xuất vũ khí còn quá nhỏ bé cũng như đang trong quá trình gây dựng.
Ngay cả khi Mỹ, quốc gia duy nhất cung cấp vũ khí cho Đài Loan từ trước tới nay, đồng ý bán cho Đài Bắc các loại vũ khí tối tân nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc, Đài Loan cũng sẽ khó có thể tìm nguồn ngân sách chi trả.
"Xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng đang diễn ra rất chậm. Chính quyền Đài Loan không có nguồn tài chính dồi dào", ông Chieh Chung, chuyên gia quốc phòng kiêm nhà nghiên cứu tại Qũy Chính sách quốc gia ở Đài Bắc chia sẻ.
Trong những năm gần đây, dù đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc, chi tiêu quốc phòng của Đài Loan vẫn chỉ dưới 2% trong tổng giá trị kinh tế 500 tỷ USD. Con số này quá thấp so với mức chi tiêu khủng của Trung Quốc cho hoạt động quốc phòng.
Hồi năm ngoái, viện nghiên cứu phi chính phủ mang tên Rand Corporation cho rằng so với 20 năm trước, chính phủ Mỹ nhận thấy họ đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức khi theo đuổi khoản viện trợ phòng trường hợp xảy ra chiến tranh cho Đài Loan bởi năng lực quân đội Trung Quốc đang được cải thiện nhanh chóng.
Còn hiện tại, Đài Loan đang nắm trong tay 4 chiếc tàu ngầm được sản xuất từ thời Thế chiến thứ Hai và 2 tàu chiến của Hà Lan đã hoạt động gần 30 năm. Theo chuyên gia Chieh, Đài Loan sẽ phải chi hơn 2 tỷ USD để mua một chiếc tàu ngầm và số tiền này yêu cầu chính quyền Đài Bắc thiết lập một khoản ngân sách đặc biệt thông qua huy động trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra, việc mua các phương tiện quân sự nước ngoài như tàu ngầm cũng đang trở thành bài toán khó với Đài Loan khi bà Thái tuyên bố chú trọng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng nội địa nhằm tạo công ăn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế hiện đang ở mức tăng trưởng dưới 2%.
Trước khi chương trình sản xuất vũ khi bị bỏ rơi, Đài Loan đã tự phát triển tên lửa và sản xuất hơn 100 chiến đấu cơ vào những năm 1990. Còn gần đây, Hải quân Đài Loan bắt đầu triển khai chương trình sản xuất các tàu chiến cỡ nhỏ và sắp tới là tàu ngầm và máy bay huấn luyện tối tân.
Phản ứng của Trung Quốc
Dù bà Thái chưa từng công khai không thừa nhận chính sách "một Trung Quốc" và Bắc Kinh cũng chưa từng tuyên bố dùng vũ lực để sáp nhập Đài Loan nhưng theo các chuyên gia việc Bắc Kinh mạnh tay tăng cường chi tiêu quân sự không nằm ngoài mục đích quyết ngăn Đài Bắc giành độc lập. Việc Đài Bắc tăng cường sắm vũ khí cũng sẽ khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.
Chia sẻ trên kênh truyền hình Hong Kong Phoenix hôm 12/12, Thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu Luo Yuan nhấn mạnh việc Đài Loan mua vũ khí của Mỹ có thể được coi là hành động thù địch.
"Nếu Đài Loan muốn mua một dàn hệ thống phòng tên lửa từ Mỹ, Trung Quốc sẽ triển khai 4 dàn vũ khí ở eo biển Đài Loan. Điều này có nghĩa là Đài Loan không phải đang mua sự an toàn mà đang mua sự nguy hiểm", Tướng Luo nói.
Ngay cả giới chức Đài Loan cũng phản đối khi cho rằng Đài Bắc sẽ còn cần nhiều năm nữa mới hoàn thiện năng lực chiến đấu cho hạm đội tàu chiến trong khi chi phí sản xuất ngày càng cao so với việc mua các thiết bị quân sự đã qua sử dụng.
Ngoài ra, không có thị trường xuất khẩu nào phù hợp với các mặt hàng vũ khí Đài Loan sản xuất. Đây là lý do Đài Loan buộc phải phụ thuộc vào thị trường vũ khí của Mỹ.
"Bắc Kinh hiểu rằng Washington có trách nhiệm giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ theo điều khoản nằm trong Đạo luật về các mối quan hệ với Đài Loan. Mỹ đưa ra quyết định hợp tác quốc phòng với Đài Loan trên cơ sở Đài Bắc đang bị Bắc Kinh đe dọa", Giám đốc Trung tâm châu Á tại Viện Doanh nhân Mỹ, ông Daniel Blumenthal nhận định.
Tuy nhiên, việc Mỹ sẵn sàng can thiệp nếu cuộc chiến giữa Trung Quốc và Đài Loan bùng nổ lại là câu hỏi chưa có lời giải đáp? Trong khi ngay từ chiến dịch tranh cử, ông Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ không tiếp tục đưa quân tham chiến ở nước ngoài.
Giới quan sát thì cho rằng những lời bình luận gần đây của ông Trump về Đài Loan chỉ được xem là điều kiện giúp Mỹ giành ưu thế trong các cuộc trao đổi thương mại với Trung Quốc trong tương lai.