Một nhân viên kiểm tra các mẫu vắc-xin COVID-19 tại một nhà máy sản xuất của SinoPharm ở Bắc Kinh. Ảnh: Zhang Yuwei / Tân Hoa xã
Cơ quan quản lý sản phẩm y tế của Trung Quốc đã phê duyệt thử nghiệm sử dụng kết hợp vắc xin Sinovac Covid-19 của Trung Quốc và vắc xin DNA do công ty công nghệ sinh học Inovio của Mỹ phát triển.
Hãng Inovio cho biết, các thử nghiệm sẽ bắt đầu vào mùa thu ở Trung Quốc và sẽ đánh giá độ an toàn và khả năng của các loại vắc xin kết hợp trong việc tạo ra phản ứng miễn dịch ở người lớn.
Thử nghiệm tiêm trộn vắc xin
Trong khi đó, Sinovac đã báo cáo rằng một nghiên cứu trên 300 người trên 60 tuổi cho thấy "tiêm liều thứ 3 từ 8 tháng trở lên sau liều thứ 2 đã làm tăng đáng kể mức độ kháng thể trên cơ thể người".
Trung Quốc sẽ thử nghiệm tiêm trộn Sinovac và một loại vắc xin Mỹ. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nghiên cứu này được thực hiện sau những lo ngại của các quan chức y tế ở Trung Quốc - bao gồm cả Gao Fu, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) - về hiệu quả của vắc xin do Trung Quốc sản xuất trong chiến lược Covid-19.
Theo SCMP, trong một bài báo được xuất bản trên trang medRxiv.org, các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù mức độ kháng thể "giảm đáng kể" 6 tháng sau 2 liều vắc xin Sinovac ở người lớn tuổi, liều thứ 3 có thể làm tăng lượng kháng thể này tăng gấp 7 lần sau 1 tuần so với 28 ngày sau liều thứ 2.
Ngoài ra, tiêm vắc xin liều thứ 3 cho người lớn từ 18 đến 59 tuổi cũng nâng mức kháng thể lên từ 3 đến 5 lần.
Vắc xin Sinovac là một trong hai loại vắc xin được sử dụng tại Hồng Kông. So với loại vắc xin còn lại là BioNTech, Sinovac bị cho là có hiệu quả bảo vệ thấp hơn.
Vắc xin Mỹ công nghệ mới
Shao Yiming, một nhà dịch tễ học của CDC và là thành viên của nhóm phản ứng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc, cho biết rằng không có đủ bằng chứng về việc cần phải tiêm nhắc lại vắc xin trong vòng một năm sau khi đã tiêm chủng đầy đủ.
"Các nghiên cứu đang được thực hiện để xem liệu khi nào và có cần thiết tiêm tăng cường cho người già, những người có khả năng miễn dịch kém và những bệnh nhân mắc các bệnh nền đã được tiêm chủng trong hơn 6 đến 12 tháng hay không", ông nói.
Trung Quốc đã sử dụng hơn 1,79 tỷ liều vắc xin, tương đương với tỉ lệ hơn 120 liều thuốc trên 100 người. Hiện chưa rõ liệu đã có bao nhiêu người được tiêm đủ 2 liều.
Trung Quốc đã báo cáo 181 trường hợp nhiễm mới trong ngày 10/8, bao gồm 108 trường hợp lây trong cộng đồng, cao nhất kể từ khi đợt dịch Covid-19 mới nhất đã bắt đầu ở tỉnh Giang Tô từ ngày 20/7.
J. Joseph Kim, Giám đốc điều hành Inovio, cho biết vắc xin DNA có thể đóng vai trò là "vắc xin chính và vắc xin tăng cường nhờ vào phản ứng miễn dịch phản ứng chéo và tính chất ổn định nhiệt đủ mạnh để không cần vận chuyển trong các hệ thống đông lạnh hoặc siêu lạnh".
Wang Bin, chủ tịch của công ty Advaccine Biopharmaceuticals Tô Châu, đối tác và nhà tài trợ thử nghiệm của Inovio, cho biết sự kết hợp này cung cấp một giải pháp để "tăng cường khả năng sinh miễn dịch của vắc xin".
Ông cho biết nghiên cứu tiền lâm sàng đã phát hiện ra rằng "việc kết hợp giúp tận dụng điểm mạnh của hai loại vắc-xin khác nhau để tạo ra phản ứng miễn dịch thậm chí còn mạnh hơn và cân bằng hơn".
Julian Tang, một nhà virus học lâm sàng tại Đại học Leicester của Anh, cho biết dữ liệu từ các thử nghiệm trên người là cần thiết để xem liệu sự kết hợp này có thể so sánh với những thử nghiệm trước đây hay không.
Theo SCMP, vắc xin DNA vẫn ổn định trong hơn một năm ở nhiệt độ phòng và được tiêm thông qua một mũi tiêm dưới da - không sâu như cách tiêm thông thường. Sau đó, cần dùng phương pháp điện di để vắc xin thâm nhập vào cơ thể.
Jin Dong-yan, một nhà virus học phân tử của Đại học Hồng Kông, cho biết chưa có vắc xin DNA nào được thông qua sử dụng cho con người nhưng sự kết hợp này có thể tăng cường phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, ông nói, có những lo ngại về vắc xin DNA ví dụ như lúc tiêm cần phải sử dụng một thiết bị đặc biệt tạo xung điện mà không phải nơi nào cũng sẵn có.
Jin nói: "Cung cấp vắc xin cho các quốc gia hạn chế về tài nguyên là không thể vì chúng ta cần một loại máy đặc biệt, đây không phải là điều dễ dàng thực hiện," Jin nói. "Trong những trường hợp hiếm gặp, DNA [từ vắc xin] có thể tích hợp vào bộ gen tế bào của con người. Điều đó không an toàn và thích hợp như vắc xin mRNA."
Tổ chức Y tế Thế giới đã phê duyệt hai loại vắc xin mRNA để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, do Pfizer-BioNTech và Moderna phát triển.