Kênh truyền hình Mỹ Fox News ngày 24-12 đưa tin vệ tinh tình báo Mỹ đã phát hiện hai tổ hợp tên lửa mới CSA-6b và HQ-9 trên đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Từ đây, các tổ hợp tên lửa này có thể được triển khai đến các đảo nhân tạo do TQ xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa hoặc đảo Phú Lâm (Hoàng Sa), thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tên lửa phòng không tầm gần CSA-6b đạt tầm bắn 16 km trong khi tên lửa HQ-9 đạt tầm bắn đến 200 km. Giữa tháng 12, Bộ Quốc phòng TQ đã từng hăm dọa bố trí và sử dụng vũ khí trên các đảo tranh chấp ở biển Đông “nhằm ngăn chặn các mối đe dọa”.
Tàu sân bay Liêu Ninh tiếp tục tập trận
Cùng ngày 24-12, Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ hải quân TQ cho biết hồi tuần trước, tàu sân bay Liêu Ninh cùng các máy bay J-15, trực thăng và tàu chiến tiếp tục đợt huấn luyện và kiểm tra ở Hoàng Hải (giữa bán đảo Triều Tiên và TQ). Chỉ huy là Đô đốc Ngô Thắng Lợi, tư lệnh hải quân.
Ngày 23-12, nhiều máy bay J-15 cất cánh từ tàu sân bay thực hiện các hạng mục tiếp liệu trên không và không chiến.
Trước đó, vào ngày 15-12, tàu sân bay Liêu Ninh đã tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển Bột Hải (vịnh ở bán đảo Liêu Đông). Hải quân TQ thông báo sắp tới tàu sân bay Liêu Ninh sẽ tiếp tục tập trận trên các vùng biển như Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông.
Trước đó đã xảy ra nhiều vụ leo thang căng thẳng của TQ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hồi đầu tháng 12.
Ngày 14-12, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Mỹ đã công bố ảnh vệ tinh mới chứng tỏ TQ có thể đã triển khai hệ thống vũ khí tại bảy cấu trúc địa lý trên biển Đông. Hôm sau, tàu chiến TQ đã thu giữ tàu lặn không người lái khảo sát đại dương của Mỹ trên biển Đông (mới trả lại ngày 20-12).
Đến sáng 22-12, TQ lại đưa chuyến bay dân dụng đầu tiên cất cánh từ Hải Khẩu (đảo Hải Nam) bay đến đảo Phú Lâm. Ngày 23-12, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố TQ mở đường bay hàng không dân dụng trái phép đến đảo Phú Lâm là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Sau “tam chiến” đến “xung đột vùng xám”
Trong bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 24-12, GS Ong Weichong ở Trường Nghiên cứu quốc tế (ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore) ghi nhận không khó dự báo những hành động gây căng thẳng mới đây ở biển Đông mà TQ gọi là đối phó với các mối đe dọa.
Ông cho rằng ngoài vấn đề chủ quyền, TQ còn muốn chứng tỏ biển Đông có tầm quan trọng chiến lược quốc gia và là vấn đề chủ chốt liên quan mật thiết đến vai trò lãnh đạo của đảng.
Dù cao giọng nhưng TQ chưa tiến hành hành động hàng hải nào mang tính chất khiêu khích quân sự công khai để có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Mỹ đã đánh giá hành động hung hăng kiểu của TQ là một dạng của “xung đột vùng xám” (hung hăng dưới ngưỡng để tránh bị trả đũa quân sự).
Theo chiến lược “xung đột vùng xám”, ở biển Đông TQ thường sử dụng dân quân biển hơn là hải quân khi gặp đối phương trong vùng xám nhằm tránh đối đầu quân sự bởi dân quân biển được xem là lực lượng dân sự.
Ý đồ của TQ là thực hiện cách tiếp cận vùng xám như thế để kiểm soát diễn biến tình hình và giảm nguy cơ leo thang dẫn đến chiến tranh quy ước.
“Xung đột vùng xám” là khái niệm mới sau khái niệm “ba chiến tranh” (“tam chiến”) đã được Chủ tịch Quân ủy Trung ương Giang Trạch Dân chỉ đạo thực hiện từ năm 2003.
Trên thực tế, TQ đã vận dụng chiến lược “tam chiến” trong công tác tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao văn hóa, xúc tiến chính sách kinh tế nước ngoài và diễn đàn pháp lý nhằm quảng bá quan điểm của TQ về các vấn đề quốc tế then chốt.
Đại sứ lưu động Bilahari Kausikan, cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore, đã mô tả thái độ ứng xử của TQ ở biển Đông là biểu hiện rõ ràng của cái gọi là “bất xứng cơ bản về lợi ích của Mỹ và TQ ở biển Đông”.
Các lợi ích của hai nước không hội tụ, đặc biệt khi đó là hoạt động quân sự ở biển Đông. Tiêu biểu là hành vi tịch thu tàu lặn không người lái Mỹ mới đây.