Hiện thực hóa tham vọng
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn các nguồn tin từ Quân đội Trung Quốc cho hay, Tập đoàn Đóng tàu Thượng Hải Giang Nam đã được giao nhiệm vụ đóng tàu vào hồi tháng Ba năm ngoái, sau khi các nhà lãnh đạo quốc phòng nước này bàn thảo tại Bắc Kinh trong khuôn khổ phiên họp thường niên của cơ quan lập pháp Trung Quốc và các cố vấn chính trị cấp cao.
Type 001A - Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc.
Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, nhà máy đóng tàu vẫn đang ở công đoạn hoàn thiện vỏ tàu, dự kiến sẽ mất khoảng hai năm. Việc đóng một chiếc tàu sân bay hoàn toàn mới sẽ phức tạp và gặp phải nhiều thách thức hơn so với hai chiếc còn lại (mà Bắc Kinh đang có)", nguồn tin nói.
Bắc Kinh từ lâu đã cố gắng xây dựng hải quân nước xanh với tham vọng lực lượng này có khả năng hoạt động trên toàn cầu và hỗ trợ đảm bảo an ninh hàng hải của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho tới nay, Bắc Kinh mới sở hữu một chiếc tàu sân bay mang tên Liêu Ninh. Đây là con tàu do Liên Xô sản xuất, được Trung Quốc mua lại từ Ukraine và tân trang, đưa vào sử dụng năm 2012.
Con tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và xây dựng mang tên Type 001A, dự kiến sẽ được đưa vào biên chế đầy đủ trong năm nay.
Sức mạnh đáng gờm
Các nguồn tin đều cho hay, hiện tại là quá sớm để nói về thời điểm con tàu sân bay thứ ba được hạ thủy, nhưng Trung Quốc đã đặt mục tiêu trang bị hạm đội gồm 4 tàu sân bay đưa vào hoạt động năm 2030, theo các chuyên gia hải quân.
Một nguồn tin khác tiết lộ, các kỹ sư và chuyên gia đóng tàu từ thành phố Thượng Hải và Đại Liên cho biết con tàu thứ ba này có lượng giãn nước khoảng lớn hơn so với tàu Liêu Ninh khoảng 10 đến 80 nghìn tấn.
Lính hải quân Trung Quốc.
"Trung Quốc đã thiết lập một hạm đội uy lực và chuyên nghiệp từ đầu năm 2000, khi nước này tuyên bố sẽ tân trang tàu Varyag để biến thành Liêu Ninh và thuê nhiều chuyên gia người Ukraine làm cố vấn kỹ thuật trong quá trình tu sửa", nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc nói với SCMP.
Theo tiết lộ, tàu sân bay mới mang tên CV-18, sử dụng hệ thống phóng máy bay bằng điện từ tân tiến hơn so với hệ thống phóng kiểu nhảy cầu (ski-jump) từng được áp dụng với hai tàu sân bay cũ.
Hệ thống phóng bằng điện từ đảm bảo độ bền cho máy bay, giúp phóng được nhiều phi cơ hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn so với các hệ thống phóng khác. Bên cạnh đó, nó giúp tàu vận hành những phi cơ nặng nề như máy bay cảnh báo và chỉ huy trên không, thay vì chỉ mang được những tiêm kích hạm J-15 như Liêu Ninh hay Type-001A.
Trước đây, công ty Đóng tàu Đại Liên đã mất hơn 8 năm để tân trang, nâng cấp cho tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, hồi tháng 11/2017, Giám đốc tập đoàn Đóng tàu Công nghiệp Trung Quốc Hu Wenming cho hay, nước này đã có kinh nghiệm đóng bất kỳ loại tàu sân bay nào.
Ông tiết lộ Trung Quốc đang có một đơn vị tập hợp 5.000 kỹ sư, chuyên gia và kỹ thuật viên trên khắp cả nước cùng để phát triển hạm đội.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã không giấu tham vọng hàng hải của mình. Hồi tháng Ba năm ngoái, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Duy Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng hải quân Trung Quốc cho hay, nước này đang tăng tốc phát triển hải quân, thêm tàu tuần dương, tàu khu trục cũng như đẩy mạnh công tác tuần tra trên biển và trên không.
Theo ông Vương, những động thái này nhằm đảm bảo lực lượng hải quân "hạng nhất" được trang bị vũ khí tốt nhất.
Đặc biệt, trong năm ngoái 2017, vào thời điểm kỷ niệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh đã cho gia tăng đáng kể sức mạnh hải quân của mình. Lực lượng này đã bổ sung thêm 1 tàu sân bay nội địa, 1 tàu khu trục hiện đại nhất châu Á, 1 tàu tuần tra được trang bị tên lửa điều hướng và 1 tàu tiếp vận hậu cần lớn nhất thế giới cùng 1 tàu huấn luyện.