Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc sẽ can dự vào cuộc xung đột trong một tuyên bố tại Hội nghị An ninh Munich vừa kết thúc.
Theo đó, bất kỳ bước đi nào của Bắc Kinh nhằm cung cấp vũ khí cho nước láng giềng Nga sẽ bị Washington coi là "lằn ranh đỏ".
"Phương Tây đã đầu tư rất nhiều vào việc đảm bảo đánh bại Nga, nên việc ngăn chặn một nước thứ ba như Trung Quốc ủng hộ Moskva là trọng tâm trong các nỗ lực ngoại giao của Washington và thành viên NATO khác trong năm qua", ấn phẩm quân sự của Mỹ Military Watch (MW) lưu ý.
Không giống như sự hỗ trợ to lớn của phương Tây mà Ukraine đã nhận được, các nỗ lực quân sự của Nga cho đến nay chủ yếu dựa vào nguồn lực của chính bản thân.
Vì vậy, những lo ngại của phương Tây là điều dễ hiểu. Lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc từ lâu đã lớn nhất thế giới bên ngoài Mỹ và trong hầu hết mọi khía cạnh, nước này cũng được coi là có công nghệ tiên tiến hơn đáng kể so với Nga.
Các nhà phân tích của MW nói rằng vì lý do chính trị, việc chuyển giao trực tiếp vũ khí Trung Quốc cho Nga là "khó xảy ra".
Tuy nhiên ngoài hỗ trợ kinh tế và cung cấp công nghệ để Nga chống lại tác động từ các biện pháp trừng phạt kinh tế, Bắc Kinh có hàng loạt lựa chọn khác sẽ giúp tăng cường đáng kể sức mạnh cho Quân đội Nga mà không cần giao vũ khí trực tiếp.
"Các nhà máy công nghiệp quốc phòng Nga đã hoạt động với công suất chỉ bằng một phần nhỏ so với thời Liên Xô trong suốt 30 năm qua, và việc Trung Quốc giúp hiện đại hóa những cơ sở này bằng thiết bị mới của họ sẽ giúp Moskva tự sản xuất mọi thứ mình cần", tờ MW cảnh báo.
Lấy ví dụ về xe bọc thép, ấn phẩm MW chỉ ra rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc trang bị vũ khí mới và đảm bảo Nga vẫn được cung cấp đầy đủ chất bán dẫn cũng như các thành phần nhập khẩu quan trọng khác, sẽ cho phép nước này nhanh chóng bổ sung "vài trăm xe tăng đã bị mất ở chiến trường Ukraine".
Quân đội Nga và Trung Quốc trong một cuộc tập trận chung.
Điều tương tự cũng áp dụng cho các lĩnh vực khác của khu vực phòng thủ, nơi Quân đội Nga đang cần tái vũ trang khẩn cấp và quy mô lớn.
"Một cách khác mà Trung Quốc có thể gián tiếp hỗ trợ việc tái vũ trang của Nga là hỗ trợ các bên thứ ba trong việc này. Ví dụ, Iran sẽ được đảm bảo giúp đỡ chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây nếu họ đồng ý bán tên lửa đạn đạo cho Nga".
"Một lượng lớn thiết bị quân sự do Nga sản xuất, chẳng hạn như xe tăng T-72B và hệ thống phòng không S-300... có thể được nhượng lại cho Moskva dễ dàng hơn nhiều nếu Trung Quốc trao cho Iran xe tăng VT-4 hay tổ hợp HQ-9 để thay thế".
"Lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên sẽ khiến việc hỗ trợ tương tự trở nên khó khăn, nhưng không phải là không thể. Các nước thứ ba khác, chẳng hạn như Myanmar cũng có thể trả lại Nga vũ khí mà họ đã mua trước đó nếu chúng được Trung Quốc bổ sung", tờ MW dự đoán.
Tuy nhiên tờ báo Mỹ cho rằng khả năng này là khó xảy ra, vì “có thể đưa Trung Quốc đến quá gần ranh giới đỏ của NATO”. Sẽ khả thi hơn nếu Bắc Kinh hỗ trợ Moskva bằng cách cung cấp phụ tùng thay thế, chẳng hạn cho tiêm kích Su-27 - loại máy bay được cả hai nước sử dụng nhưng Trung Quốc hiện đang cho ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, các phương tiện khác như máy bay vận tải Y-20 cũng có thể được cho các công ty Nga thuê để giảm áp lực lên phi đội Il-76 và An-124 của chính họ.