Chiến lược ngoại giao công chúng của Trung Quốc nhằm định hình nhận thức của quốc tế trước phán quyết của tòa trọng tài, nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISAS tại Đại học Quốc gia Singapore nói.
Ông Rajeev Ranjan Chaturvedy bình luận với BBC trước khi Tòa trọng tài Thường trực tại The Hague công bố phán quyết vào ngày mai 12.7.
“Việc Trung Quốc nỗ lực thể hiện quan điểm coi phán quyết của Tòa trọng tài là không có giá trị là một phần trong chiến lược ngoại giao công chúng của nước này.
"Ngoại giao công chúng là công cụ đầy sức mạnh để để định hình nhận thức của cộng đồng quốc tế và tập hợp những ủng hộ quốc tế dành cho quốc gia đó,” ông giải thích về hành động Trung Quốc.
“Song song với việc tiến hành tất cả các biện pháp nội bộ để xử lý vấn đề , Trung Quốc cũng tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia bạn bè.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm để tránh né và làm mờ nhạt tính hợp pháp của phán quyết này thông qua ủng hộ trong khu vực và quốc tế,” ông Rajeev nhận định.
Những ngày vừa qua, trước thềm phán quyết của Tòa trọng tài PCA, Trung Quốc tiến hành tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.
Các đại sứ Trung Quốc liên tục đăng nhiều bài viết nói về chủ quyền của nước này trên báo chí, truyền thông quốc tế. Nhà nghiên cứu từ viện ISAS gọi đây là “ngoại giao công chúng”.
"Nước đôi"
“Tuy nhiên cho tới giờ, Trung Quốc chưa thành công lắm trong việc thuyết phục các quốc gia xung quanh và các nước lớn về lập trường của mình trên Biển Đông,” ông nhận định.
“Phán quyết của tòa có giá trị pháp lý nhưng không thể áp đặt hành động của Trung Quốc, vốn ngay từ đầu đã từ chối quyền tài phán của tòa.
Bắc Kinh có thể sẽ cố dạy cho Manila và các nước xung quanh một bài học và tăng cường ảnh hưởng chiến lược hơn nữa.”
“Nếu Trung Quốc không tuân thủ phán quyết, như bây giờ ta đang thấy, điều này có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của họ.
Thái độ bất chấp phán quyết sẽ cho thấy sự nước đôi trong lời nói và hành động của Trung Quốc, dẫn đến những tổn thất không thể khắc phục trong mối quan hệ Trung Quốc – ASEAN.
"Việc nước này tăng cường chế giễu quyết định của tòa qua các kênh chính thức và không chính thức đều sẽ làm phức tạp thêm tình hình và tăng nguy cơ xảy ra đối đầu.”
"Khẩu chiến"
“Phán quyết có thể khuyến khích những quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trong khu vực này tạo ra các thách thức pháp lý với Trung Quốc.
Nhu cầu bức thiết là phải có phương pháp phòng tránh khủng hoảng và cơ chế xuống thang căng thẳng.
Các nước lớn và các tổ chức tầm khu vực có thể gây áp lực ngoại giao bằng các biện pháp xây dựng lòng tin hàng hải và có lẽ thiết lập đường dây nóng giữa Trung Quốc và các nước lớn."
Khi được hỏi về những vấn đề nảy sinh sau phán quyết của tòa PCA, mà dư luận cho là có thể có lợi cho Philippines hơn, ông Chaturvedy nói: “Tôi không tin sẽ có chiến tranh, dù là kịch bản xấu nhất.
Cả Trung Quốc và Philippines đều đã có đủ vấn đề nội bộ và nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang rất hạn chế.”
“Sẽ khó có đột phá nào trong tranh chấp Biển Đông trong vài năm tới, dù tranh chấp này sẽ có thể là một trong những trường hợp tồi tệ nhất đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.”
“Trung Quốc có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và xây dựng các căn cứ mới, Hoa Kỳ cũng có thể tăng cường các hoạt động tự do hàng hải.
"Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ có va chạm nhau, dẫn đến những cuộc khẩu chiến và phô diễn sức mạnh quân sự.
"Tuy nhiên, nguy cơ chính là ở Biển Đông một sự việc nhỏ trên biển cũng có nguy cơ dẫn đến xô xát quân sự và leo thang thành căng thẳng.
“Song những động thái như vậy có lẽ sẽ chỉ xảy ra sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới,” nhà nghiên cứu người Ấn Độ từ Singapore nói với BBC.