Trung Quốc cảnh giác cao trước Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn

Kiều Anh |

Trung Quốc "cảnh giác cao" khi Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc tại Trại David tuần này để tăng cường quan hệ quốc phòng và công nghệ nhằm xây dựng một liên minh mà một số nhà quan sát gọi là "NATO châu Á”.

Trung Quốc cảnh giác cao trước Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida theo kế hoạch sẽ gặp Tổng thống Biden ngày 18/8 tại khu nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ tại Maryland trong Hội nghị Thượng đỉnh ba bên.

Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thông báo kế hoạch mở rộng hợp tác phát triển công nghệ và các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, các quan chức cấp cao Mỹ chia sẻ với Reuters. Các bên cũng có thể sẽ nhất trí thiết lập một đường dây nóng nhằm giải quyết khủng hoảng và tổ chức họp thường niên trong tương lai.

Trung Quốc cảnh giác cao trước Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: AFP

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố: "Trung Quốc phản đối các hành vi gia tăng đối đầu và gây nguy hiểm cho an ninh chiến lược của các quốc gia khác". Theo ông: "Các quốc gia liên quan nên tuân theo xu thế thời đại và thực hiện nhiều hành động có lợi hơn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực".

Lu Chao, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đông Á và Mỹ tại Đại học Liaoning ở Đông Bắc Trung Quốc cho rằng, cuộc họp ngày 18/8 có thể dẫn đến một liên minh quân sự ba bên khiến Bắc Kinh phải lo ngại.

"Cơ chế họp thường xuyên của các nguyên thủ quốc gia và cơ chế hợp tác cố định trên lĩnh vực quân sự chẳng khác gì sự thành lập thực tế một liên minh quân sự ba bên", ông Lu nêu quan điểm.

Trong khi Triều Tiên sẽ được cho sẽ là chủ đề hàng đầu được thảo luận thì Bắc Kinh sẽ theo dõi những nội dung cụ thể liên quan đến Đài Loan trong tuyên bố chung được đưa ra vào cuối hội nghị, các nhà quan sát Trung Quốc nhận định.

Theo ông Lu: "Trung Quốc cảnh giác cao với Hội nghị Thượng đỉnh này, đặc biệt nếu vấn đề Đài Loan được đề cập đến".

"Nếu họ nêu ra vấn đề Đài Loan một cách công khai trong Hội nghị Thượng đỉnh này, đó sẽ là sự khiêu khích mạnh mẽ với Trung Quốc và sẽ là động thái nguy hiểm cho sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương".

Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên Mỹ cho biết: "Thông báo này sẽ bao gồm những đánh giá chung về việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở Eo biển Đài Loan mặc dù tuyên bố chính xác sẽ được thảo luận cho đến phút cuối".

Hội nghị Thượng đỉnh ngày 18/8 giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra vài tháng sau khi chính quyền Tổng thống Biden thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhằm đưa các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành một phần trong chiến dịch tăng cường các liên minh quân sự châu Á để đối phó với Trung Quốc.

Mỹ đã ký Hiệp định An ninh và Hợp tác chung với Nhật Bản năm 1951. Năm 1953, sau hiệp định đình chiến trên Bán đảo Triều Tiên, Washington cũng đã ký Hiệp ước Phòng thủ chung với Hàn Quốc.

Tokyo và Seoul có một số khúc mắc trong lịch sử, đặc biệt về vấn đề "phụ nữ mua vui" trong Thế chiến II cũng như các vấn đề lãnh thổ nhưng việc Trung Quốc đang trỗi dậy, Nga tăng cường hiện đại hóa quân đội và Triều Tiên không ngừng phát triển hạt nhân đã đưa hai nước láng giềng này xích lại gần nhau và xích lại gần Mỹ.

Mặc dù căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đôi khi đạt đến đỉnh điểm nhưng trong những tháng gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol - người vừa nhậm chức vào tháng 5 năm ngoái, đã tìm cách hàn gắn quan hệ với Nhật Bản và xoay trục sang Mỹ nhằm giải quyết những thách thức quân sự từ Triều Tiên và mối quan hệ không mấy mặn mà với Trung Quốc và Nga.

Triều Tiên đã phóng thử khoảng 90 tên lửa vào năm ngoái, gấp gần 4 lần so với thời kỳ đỉnh điểm là 25 tên lửa năm 2017. Tháng trước, Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 mới nhất và cho biết đây là một lời cảnh báo với Mỹ cũng như các đối thủ khác.

Trong chuyến thị sát một nhà máy quân sự vào tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi tăng cường sản xuất tên lửa để đảm bảo "sức mạnh quân sự áp đảo" và sẵn sàng cho chiến tranh, hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Mỹ và Hàn Quốc tập trận quân sự chung.

Theo Điều 5 Hiến chương NATO về phòng thủ tập thể, cuộc tấn công vào một đồng minh sẽ được coi như cuộc tấn công vào tất cả thành viên NATO. Tuy nhiên, ông Liu Jiangyong, chuyên gia về các vấn đề khu vực tại Đại học Tsinghua đã bày tỏ hoài nghi về việc so sánh liên minh Mỹ - Nhật - Hàn với NATO.

"Ba quốc gia này không có các cam kết an ninh mà các nước NATO có với nhau. Nhật Bản và Hàn Quốc là các đối tác an ninh của Mỹ, không phải đồng minh", chuyên gia Liu nói.

Theo ông, các mục tiêu chiến lược của 3 quốc gia này cũng khác nhau.

"Mỹ sẽ cân nhắc các mục tiêu từ quan điểm toàn cầu trong khi Nhật Bản chủ yếu nhắm vào Trung Quốc còn Hàn Quốc đang cố gắng thúc đẩy hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản để tăng cường răn đe quân sự với Triều Tiên".

Tuy nhiên, ông Liu dự đoán "các cuộc tập trận chung và những cuộc tham vấn ba bên nhằm đối phó với Trung Quốc" sẽ tiếp diễn.

Trong bài phát biểu ngày 15/8, Tổng thống Hàn Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản để đối phó với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên,

Kim Jae-chun, Giáo sư về Quan hệ quốc tế tại Đại học Sogang ở Seoul cũng cho rằng, hợp tác công nghệ quân sự ba bên sẽ chủ yếu tập trung vào Triều Tiên.

"Trong khi cuộc thảo luận trước đây vẫn tập trung vào việc cảnh giác trước tên lửa Triều Tiên thì hiện nay nó tập trung vào cả các cuộc tập trận để đánh chặn tên lửa đạn đạo sử dụng radar và các hệ thống phóng tên lửa của Bình Nhưỡng", ông Kim nói.

"Tôi nghĩ cuộc họp này sẽ có ý nghĩa lớn trong việc ngăn chặn sự phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chỉ trích việc Hàn Quốc sáp nhập vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ".

Ông Kim đánh giá, trong khi tuyên bố chung sau Hội nghị Thượng đỉnh ba bên không nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa, nhưng đối đầu Mỹ - Trung hiện nay đã trở thành sự cạnh tranh chiến lược, bất kể mục đích của Hội nghị Thượng đỉnh trên là gì.

"Xu hướng hiện nay cho thấy hợp tác Trung Quốc - Nga - Triều Tiên đang tăng cường ở Đông Bắc Á và để phản ứng trước việc đó, mối quan hệ Mỹ - Hàn - Nhật cũng đang tăng cường. Dường như hai bên đang kiềm chế lẫn nhau", chuyên gia Kim Jae-chun bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại