South China Moring Post (SCMP) cho biết cơ sở nghiên cứu biển sâu đầu tiên của Trung Quốc - Viện Khoa học và Kỹ thuật Hải dương mới được thành lập ở đảo Hải Nam hồi tháng 5 vừa qua để nghiên cứu các nguồn tài nguyên biển sâu và sinh thái trên Biển Đông, cải thiện các hoạt động hàng hải của Trung Quốc.
Theo SCMP, Trung Quốc thành lập viện này không ngoài ý đồ độc chiếm nguồn tài nguyên Biển Đông và bất chấp luật pháp quốc tế.
Viện nghiên cứu này nằm ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, và được chính phủ trung ương ủy nhiệm nghiên cứu sinh thái Biển Đông nhằm thúc đẩy hiểu biết của công chúng về các nguồn tài nguyên trong vùng, cũng như cải thiện năng lực hải quân cho các hoạt động hàng hải của Trung Quốc.
"Biển sâu có nguồn tài nguyên phong phú, bao gồm dầu khí, sinh học và khoáng chất. Bên cạnh đó còn có hơn 40 tỉ tấn dầu chỉ riêng ở Biển Đông.
Vì thế, việc thúc đẩy năng lực nghiên cứu khoa học ở đó là cần thiết " - Gao Shu, giám đốc Trường Khoa học Địa chất và Đại dương học ở Đại học Nam Kinh nói với thời báo Hoàn Cầu.
Ngoài nhiệm vụ vẽ bản đồ đáy Biển Đông, viện nghiên cứu trên còn xem xét các mỏ tài nguyên, tư vấn khai thác và bảo vệ sinh thái môi trường biển - tờ SCMP cho biết.
Tuy nhiên, những thông tin này không thể đánh lạc hướng dư luận khỏi sự thật rằng Biển Đông không phải vùng biển của riêng Trung Quốc và nước này đang có tham vọng vươn ra Biển Đông trên tất cả các mặt quân sự, kinh tế, chính trị.
Hiện, Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều cho Tam Á - thành phố nơi cực nam đảo Hải Nam trông ra Biển Đông.
Tại đây có căn cứ hải quân Biển Đông của Trung Quốc và các tàu lặn nghiên cứu ở độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy đại dương.
Cũng theo SCMP, Tam Á đang tiến hành bồi đắp cải tạo đất đai trên khu mô lớn để tăng diện tích cho phát triển.
Trong đó thành phố này định xây dựng một sân bay mới trên một đảo nhân tạo rộng 28 km vuông, cùng một quần thể du lịch và cảng biển khác đã được xây trên cả một quần đảo nhân tạo có tên là "Dubai phương Đông".