Trong khi liên tục ca ngợi các sáng kiến không ngừng nghỉ của mình về việc đảm bảo quyền riêng tư trong những năm gần đây, thật ngạc nhiên là Apple lại đột ngột im lặng về chủ đề này trong suốt sự kiện thường niên về iPhone vào đêm qua.
Với hàng triệu con mắt đang hướng lên sân khấu, CEO Tim Cook của Apple có đầy đủ mọi cơ hội để nói về hàng loạt lỗ hổng bảo mật đáng xấu hổ xuất hiện trong thời gian gần đây. Đáng kể nhất trong số đó là lỗ hổng khai thác iPhone mới bị phát hiện gần đây có thể cho phép hacker tấn công các khách hàng của Apple và một lỗi trong FaceTime có thể biến ứng dụng này thành công cụ để nghe trộm bất kỳ người dùng iPhone nào.
Nhưng thay vì thừa nhận các lỗ hổng đó, hoặc hứa hẹn về dòng thiết bị mới có thể bảo vệ người dùng tốt hơn, Apple lại chọn cách tránh né không nhắc đến vấn đề nó trên sân khấu.
Đó là một thay đổi lớn đối với Apple, khi mới chỉ 8 tháng trước đây từng châm chọc các công ty khác trong hội nghị CES 2019 tại Las Vegas bằng một tấm biển quảng cáo khổng lồ với lời cam kết của công ty cho quyền riêng tư của người dùng: "Những gì xảy ra trên iPhone của bạn, sẽ ở lại trên iPhone của bạn."
Rõ ràng Apple đang tự dẫm vào chân mình. Tấm bảng quảng cáo đó hóa ra lại trở thành lời nhắc một số phóng viên về bằng chứng cho thấy nhiều thông tin cá nhân của người dùng cũng từng bị nghe trộm thông qua các ứng dụng bên thứ ba ngay trên iPhone.
Phóng viên mục công nghệ của Washington Post, Geoffrey Fowler sau đó cho biết, ngay cả khi ngủ, iPhone của anh vẫn liên lạc với "hàng chục công ty tiếp thị, các hãng nghiên cứu và những kẻ thèm khát dữ liệu cá nhân khác". Anh cho biết, chỉ trong một tuần, có đến hơn 5.400 tracker ẩn tiếp cận iPhone của anh, đòi không chỉ số điện thoại mà còn cả tài khoản email, địa chỉ IP và vị trí địa lý.
Điều này không có gì là bất ngờ. Nhưng nó chỉ nhấn mạnh rằng Apple đang cố gây hiểu nhầm cho khách hàng, khiến họ nghĩ rằng thực sự có khác biệt lớn giữa cách Apple và các đối thủ cạnh tranh đối xử với những nhà tiếp thị hoặc những kẻ thèm khát dữ liệu bên thứ ba khác.
Đó là còn chưa kể đến các lỗ hổng mới trên iOS.
Trong tháng Một năm nay, Apple từng buộc phải vô hiệu hóa tính năng gọi nhóm của FaceTime khi ứng dụng này cho phép người dùng nghe được âm thanh của người mà họ đang gọi tới, ngay cả khi người đó không nhấc máy. Về cơ bản, lỗ hổng này cho phép người dùng trả lời cuộc gọi từ một người dùng iPhone khác – ngay cả khi họ không hề biết. Thật không tưởng tượng nổi một sai lầm như vậy lại đến từ nhà sản xuất điện thoại như Apple.
Trong tháng tiếp theo đó, Apple còn phải âm thầm vá một loạt các lỗ hổng zero-day cho phép một số website độc hại âm thầm xâm phạm hàng nghìn người dùng iPhone trong hơn 2 năm qua. Như để xát thêm muối vào vết thương của Apple, chính nhóm nghiên cứu bảo mật của Google đã phát hiện ra nó và mô tả chi tiết về nó vào tháng trước. Trên blog của mình, Apple đã chỉ trích gay gắt Google về việc này.
Với hàng loạt vấn đề bảo mật kể trên, cũng như hàng tháng trời chuẩn bị cho sự kiện iPhone tối qua, thật khó để tin rằng Apple đã vô tình quên không đề cập về vấn đề bảo mật của họ. Có lẽ Apple đã quyết định rằng tốt nhất không nên nói về nó thay vì thu hút sự chú ý của cả thế giới đến những sai lầm đáng xấu hổ của họ về bảo mật trong suốt thời gian qua.
Thay vào đó, họ dành nhiều thời gian hơn cho việc mô tả các sản phẩm tuyệt vời của mình - các điện thoại với 3 camera sau, đồng hồ có thể "hiển thị thời gian" và những dịch vụ thuê bao sắp ra mắt trong thời gian tới.
Tham khảo Gizmodo