Người tiêu dùng Mỹ có thể không để tâm nhiều đến mâu thuẫn kéo dài 15 năm giữa Mỹ và châu Âu, liên quan đến các khoản trợ giá của EU cho hãng sản xuất máy bay Airbus. Tuy nhiên, những tranh cãi kéo dài giữa 2 bên sẽ ảnh hưởng đến giá cả của các mặt hàng bày bán trong các siêu thị Mỹ. Mới đây, chính quyền ông Trump cho biết rằng bắt đầu từ 18/10, họ sẽ áp thuế 25% đối với một loạt các loại thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm phổ biến khác ở châu Âu.
Tại sao hai bên tranh cãi?
Mỹ và EU đã vướng vào vụ kiện tụng này trong hơn 1 thập kỷ. Hai bên tranh cãi về các khoản trợ cấp và ưu tiên về tài chính khác mà EU cung cấp cho Airbus. Mỹ lập luận rằng các việc EU trợ giá cho phép Airbus bán các sản phẩm của họ với mức giá thấp đến mức không công bằng trên toàn thế giới, gây tổn thất đến hãng sản xuất máy bay lớn nhất nước này là Boeing. Do đó, Mỹ kiện EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hôm 2/10, WTO đã đưa ra phán quyết cuối cùng, "bật đèn xanh" cho chính quyền ông Trump áp thuế lên tới 7,5 tỷ USD đối với hàng hoá châu Âu, cho đến khi EU ngừng trợ giá. Cuối ngày hôm đó, chính quyền ông Trump công bố danh sách hàng hoá sẽ chịu thuế.
Nhiều chuyên gia về thương mại cho rằng việc Mỹ áp thuế là hợp lý. Không như một số động thái khác liên quan đến thương mại của ông Trump, ví dụ như áp thuế với 360 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, mức thuế này phù hợp với các quy tắc thương mại toàn cầu.
Dẫu vậy, thuế quan lần này vẫn là gánh nặng đối với một số công ty và hộ gia đình ở Mỹ, trong đó có người tiêu dùng ở các cửa hàng tạp hoá, các hãng hàng không lớn, nhà nhập khẩu rượu, những cửa hàng bán rượu đặc sản và một số nhà sản xuất.
Chính quyền ông Trump sẽ áp thuế các mặt hàng nào?
Một số mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu được người Mỹ cực kỳ ưa thích sẽ có trong danh sách chịu thuế, đều nằm trong thực đơn tạo nên một bữa tối "sang chảnh". Các mặt hàng đó là: rượu vang Pháp, ôliu, dầu ôliu nguyên chất, quả cherry, cam và chanh từ Tây Ban Nha; xúc xích lợn và cà phê rang từ Đức; các loai phô mai của Ý như pecorino, parmesan và provolone; phô mai Silton, bánh quy ngọt và rượu whisky Scoth từ Anh. Tất cả những sản phẩm này bị áp thuế 25% khi đến biên giới Mỹ vào ngày 18/10.
Một vài mặt hàng khác ngoài thực phẩm cũng bị áp thuế, bao gồm máy bay, áo anorac, quần áo len, chăn, khăn, trải giường, rìu, công cụ khí nén để gia công kim loại và máy xúc gầu ngược.
Ai sẽ là người chịu thuế?
Những đối tượng này thay đổi tuỳ thuộc vào loại sản phẩm. Ở một số trường hợp, các nhà sản xuất châu Âu sẽ phải trả thuế, rất có thể sẽ "đánh" vào lợi nhuận, cắt giảm chi tiêu đối với việc thuê thêm nhân viên hoặc các loại chi phí khác. Cũng có thể, các công ty châu Âu sẽ chuyển chi phí đó cho các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu và bán sản phẩm của họ và đến người tiêu dùng Mỹ.
Thực ra, rất có khả năng người Mỹ sẽ nhận thấy giá cả sản phẩm tại các cửa hàng sẽ tăng lên. và điều đó sẽ khiến chi tiêu cho rượu vang, rượu và các sản phẩm khác của châu Âu chậm lại, dù đang bước vào dịp lễ lớn.
Vài tiếng sau khi ông Trump tuyên bố mức thuế quan, Louis-Fabrice Latour, chủ tịch của Liên đoàn các nhà xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh Pháp, chia sẻ rằng công ty của ông phải huỷ một đơn đặt hàng lớn của rượu vang đỏ Beaujolais nouveau, dù dự kiến sẽ nhận được vào tháng 11. Tổn thất tương tự có thể còn tệ hơn đối với các công ty Mỹ - những sản phẩm của họ có thể phải đối mặt với đòn trả đũa của EU.
WTO đang cân nhắc một trường hợp khác về thương mại mà EU đưa ra nhằm chống lại Mỹ, cáo buộc nước này trợ giá cho Boeing. WTO dự kiến sẽ đưa ra phán quyết vào đầu năm tới. Hiện tại, vẫn chưa rằng có bao nhiêu mức thuế có thể được áp dụng, nhưng giới chức EU đã lập ra một danh sách trị giá 20 tỷ USD gồm hàng hoá của Mỹ, trong đó có cả thực phẩm và nông sản, trong trường hợp họ được cho phép trừng phạt Mỹ.
Phản ứng của các doanh nghiệp
Không có gì ngạc nhiên, các công ty và hiệp hội thương mại EU cực kỳ thất vọng vì bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại có nguyên nhân bắt nguồn từ việc trợ giá máy bay. Karen Betts, giám đốc điều hành của Scotch Whisky Association, cho hay: "Khá nực cười khi mâu thuẫn đó là vì máy bay, nhưng lĩnh vực của chúng tôi lại chịu ảnh hưởng nặng nề."
Sự tổn thất đối với các nhà sản xuất châu Âu là một phần của mục tiêu. Các khoản thuế này được đưa ra nhằm gây sức ép cho EU để khắc phục những hoạt động thương mại - mà Mỹ cho rằng có vấn đề sâu sắc và khiến các nhà sản xuất Mỹ, như Boeing, gặp bất lợi.
Giới chức châu Âu cho biết họ đã nỗ lực đàm phán để đưa ra một giải pháp với Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền ông Trump thấy rằng những đề xuất này là chưa đủ. Theo quy tắc của WTO, Mỹ được pháp giữa nguyên mức thuế cho đến khi hai bên có thể dàn xếp, hoặc WTO quyết định rằng châu Âu đã tuân theo quy tắc của họ.
Điều đó có thể là lý do tại sao Mỹ đã lựa chọn tập trung phần lớn với thực phẩm từ châu Âu. Đây là một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm đối với EU. Các quan chức Mỹ cho biết chính phủ EU có thể nên phản ứng nhanh hơn, nếu nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp phàn nàn rằng họ chịu tổn hại trong một cuộc chiến thương mại không liên quan gì đến họ.
Luis Planas, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha, cho biết rằng nếu xung đột thương mại không thể được xoa dịu, thì "ngành thực phẩm, đóng vai trò thiết yếu đối với người dân, sẽ bị ảnh hưởng." Ông cho biết ông đã liên hệ với Uỷ ban EU để thảo luận "trên lập trường chung", nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất nông sản Tây Ban Nha và EU.