Theo tạp chí National Interest, việc Triều Tiên có ý định đáp trả bằng biện pháp mạnh, ví dụ như có ý định bắn rơi một máy bay ném bom hoặc một phi cơ do thám của Mỹ là có thể xảy ra. Tuy vậy, Bình Nhưỡng có tương đối ít lựa chọn để làm được điều này.
Không quân Triều Tiên hiện nay chi có một số lượng hãn hữu các loại phi cơ chiến đấu hiện đại, bao gồm các phiên bản đầu tiên của tiêm kích MiG-29 và MiG-23 Flogger, những loại máy bay có thể đe dọa máy bay Mỹ.
Tuy nhiên, cả hai loại này đều khó có thể tiếp cận các oanh tạc cơ B-1B, B-52 hay B-2 Spirit mà không bị các phi cơ hộ tống của Mỹ bắn rơi. Cách duy nhất mà Không quân Triều Tiên có để gây tổn hại đến oanh tạc Mỹ đó là tấn công các phi cơ này khi chúng không có phi cơ hộ tống.
Vì vậy, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ dùng tên lửa đất đối không để tấn công máy bay ném bom của Mỹ. Mặc dù phần lớn hệ thống phòng không của Triều Tiên đều là những loại vũ khí có từ thời Liên Xô, song Bình Nhưỡng có trong tay những loại vũ khí nội địa lợi hại.
"Họ có một số lượng lớn các hệ thống tên lửa đất đối không cũ của Liên Xô, bao gồm S-75, S-125, S-200 và Kvadrat, hiện vẫn đang trong tình trang khá tốt", ông Vasily Kashin, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow (Nga) cho biết.
"Triều Tiên cũng từng tự sản xuất hệ thống S-75, vì vậy loại tên lửa này có thể sẽ được họ nâng cấp. Thêm vào đó, từ đầu thập niên 2010 họ đã cho ra mắt các hệ thống phòng không mới do họ chế tạo như KN-06".
Hiện vẫn chưa rõ Bình Nhưỡng đã chế tạo được bao nhiêu hệ thống KN-06, song có thể nói rằng loại vũ khí này có thể sánh được với các phiên bản đầu tiên của hệ thống S-300 của Nga.
"Không ai biết Triều Tiên hiện có bao nhiêu hệ thống KN-06", ông Kashin nói. "KN-06 được trang bị hệ thống radar quét mạng pha và xác định mục tiêu bằng hệ thống dẫn đường. Nó khá giống với S-300P của Nga nhưng có tầm bắn xa hơn".
Ông Kashin cũng nói thêm rằng một số nguồn tin từ Hàn Quốc cho biết KN-06 đã được thử nghiệm thành công và có tầm bắn vào khoảng 150km. Một trong những nguyên nhân KN-06 bị bỏ qua là bởi các chuyên gia phương Tây thường xem nhẹ khả năng sản xuất của nền công nghiệp Triều Tiên.
Nguy cơ Triều Tiên bắn rơi máy bay Mỹ bằng tên lửa hoàn toàn có cơ sở, bởi trong quá khứ họ đã từng làm được điều này. Ngày 15/04/1969, một máy bay do thám EC-121 của Hải quân Mỹ đã bị bắn rơi, khiến toàn bộ tổ bay gồm 31 người thiệt mạng. Mỹ đã không đáp trả, mặc dù Tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon đã xem xét tấn công hạt nhân vào Triều Tiên.
Ông Bruce Charles, một phi công máy bay tiêm kích F-4 Phantom II tại căn cứ Kunsan thời điểm đó kể lại rằng:
"Những gì tôi được thông báo rất đơn giản. Đại tá chỉ huy của tôi mô tả việc chiếc EC-121 bị bắn rơi ở ngoài biển, và rằng tôi phải chuẩn bị tấn công. Mãi đến khi hửng sáng tôi mới nhận được lệnh không tấn công.
Đại tá nói rằng ‘Theo như những gì tôi nhận được, chúng ta sẽ không tấn công hôm nay. Không biết ngày mai sẽ như thế nào’". Khi đó máy bay của ông được trang bị bom hạt nhân chiến lược 330KT B61.
Trực thăng OH-58 Kiowa của Mỹ. |
Ngày 18/12/1994, Triều Tiên cũng bắn rơi một trực thăng do thám OH-58 Kiowa không mang vũ khí tại khu phi quân sự, khiến 1 phi công thiệt mạng và người còn lại bị bắt sống. Chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chọn phương án hành động kiềm chế khi nhận thấy họ không có lựa chọn nào hữu hiệu.
Triều Tiên cũng từng tấn công tàu chiến Mỹ trong quá khứ. Ngày 23/01/1968, Triều Tiên đã thu được tàu do thám USS Puebloe của Hải quân Mỹ, khiến một thủy thủ bị chết và 83 người còn lại bị bắt sống. Thủy thủ đoàn Mỹ sau đó được phóng thích, còn con tàu vẫn ở lại Triều Tiên cho đến nay. Mỹ cũng xem xét đáp trả, song cuối cùng cùng cũng không thực hiện.
Rất khó để nói trước rằng chính quyền Tổng thống Mỹ hiện nay sẽ phản ứng ra sao, tuy nhiên tình hình ở bán đảo Triều Tiên sẽ còn diễn biến khó lường.