Ảnh minh họa
Có câu: "Ai có lòng tự tin là đã thành công một nửa". Những đứa trẻ tự tin làm mọi việc một cách bình tĩnh và chủ động, bất kể gặp phải hoàn cảnh nào, đều có thể dũng cảm tiến lên phía trước. Còn trẻ tự ti thì luôn thích bao biện, cho rằng mình không làm được việc này việc kia, làm việc gì cũng thiếu quyết đoán, rụt rè.
Sự tự tin là một phẩm chất rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Nhưng khi ghen tị với sự tự tin của con cái người khác, chúng ta phải xem phía sau lưng chúng là những bậc cha mẹ nào.
Những đứa trẻ được nuôi dạy bởi 3 kiểu cha mẹ này thường rất tự tin và chủ động. Hãy xem bạn có thuộc một trong số đó:
Trẻ em cần sự khích lệ như cây cần nước. (Ảnh minh họa)
01. Tôn trọng trẻ
Trong một chương trình, Hoắc Tư Yến - nữ diễn viên người Trung Quốc yêu cầu con trai phân loại đồ chơi mà con không thích để chia sẻ với những bạn cần hơn. Đứa trẻ mới 4 tuổi, còn quá nhỏ để biết thế nào là chia sẻ, liên tục hét lên: "Con không muốn!".
Trước sự bất hợp tác của con, Hoắc Tư Yến không trực tiếp xử lý món đồ chơi, cũng không nói cho con biết nguyên tắc "chia sẻ là một đức tính tốt", mà kiên nhẫn giải thích tại sao lại làm như vậy và lợi ích của việc làm đó là gì. Cuối cùng, cô ấy nói: "Con có quyền quyết định những gì mình muốn”.
Thấy con vẫn còn chút mâu thuẫn, nữ diễn viên đã đưa con đến hội chợ đấu giá đồ chơi để con tự mình trải nghiệm. Cuối cùng cậu bé cũng hiểu được niềm vui của sự chia sẻ và tự nguyện đưa đồ chơi của mình ra đấu giá để làm từ thiện.
Trong toàn bộ quá trình, Hoắc Tư Yến từ đầu đến cuối không hề ép buộc con trai mà hướng dẫn từng bước để con hiểu ý nghĩa của sự chia sẻ, đồng thời luôn giao quyền quyết định cho con. Vì vậy rằng đứa trẻ cảm thấy được tôn trọng.
Sự tự tin của trẻ ban đầu xuất phát từ sự tôn trọng của cha mẹ. Nếu cha mẹ bỏ qua lòng tự trọng của con cái và chỉ biết buộc tội, mắng mỏ, thậm chí làm nhục con trước mặt người ngoài thì về lâu dài sẽ để lại trong lòng trẻ những vết thương không thể hàn gắn, dẫn đến sự nổi loạn và tự hạ thấp bản thân.
Vì vậy, là cha mẹ, chúng ta phải hình thành thói quen tôn trọng con cái. Một mặt, nên cho con cơ hội để đưa ra quyết định, chẳng hạn như đi đâu vào cuối tuần, chọn lớp học theo sở thích…, tôn trọng ý kiến của con và áp dụng các đề xuất hợp lý của chúng.
Mặt khác, cha mẹ phải biết lắng nghe và nghiêm túc xem xét các câu hỏi của chúng. Khi trẻ đặt câu hỏi, cha mẹ nên đưa ra câu trả lời tích cực, hiểu cảm xúc thật của trẻ và cùng trẻ tìm ra giải pháp.
02. Cha mẹ giỏi khuyến khích con cái
Trẻ em cần sự khích lệ như cây cần nước.
Khi Dale Carnegie - một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tác giả của cuốn sách Đắc Nhân Tâm - lên 9 tuổi, cha mẹ ông ly hôn. Trong lần đầu tiên gặp mẹ kế, người cha đã giới thiệu con mình theo cách không quá tích cực: "Em à, hy vọng em sẽ để ý đến đứa bé tệ này. Nó đã khiến anh bất lực".
Tuy nhiên, người mẹ kế không hùa theo sự xúc phạm của chồng, mà nói rằng Carnegie là đứa trẻ thông minh và sáng tạo nhất trong quận. Lời khẳng định này đã khích lệ Carnegie rất nhiều và truyền cảm hứng cho tiềm năng vô hạn của cậu. Kể từ đó, cậu đã thay đổi, cuối cùng trở thành một người giàu có ở Hoa Kỳ và một nhà văn nổi tiếng thế giới, đồng thời là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20.
Đây là sức mạnh của việc được khích lệ. Nó làm cho mọi người cảm thấy hạnh phúc và hài lòng. Những đứa trẻ được khuyến khích cũng sẽ phát triển ý thức trách nhiệm và điều chỉnh lời nói cũng như hành động của mình với các tiêu chuẩn cao hơn, để xứng đáng với sự kỳ vọng và tin tưởng của cha mẹ.
Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ nên động viên: "Mẹ tin con sẽ làm được, con hãy cố gắng lên nhé"; Khi trẻ gặp trở ngại, cha mẹ có thể nói: "Mẹ biết điều này không dễ dàng, nhưng khó khăn chỉ là tạm thời thôi. Bố mẹ luôn ở bên con, hãy cùng nhau giải quyết"; Khi con đạt được kết quả nhờ chăm chỉ, cha mẹ nên đưa ra phản hồi tích cực: "Con thật tuyệt vời, con đã làm rất tốt việc này việc kia, bố mẹ rất tự hào lắm".
Cha mẹ thông minh biết dùng kính lúp để tìm điểm sáng ở con cái, biết dùng nhãn mác khích lệ để uốn nắn con cái. Sự khích lệ này chính là động lực để trẻ phát triển, chỉ khi liên tục được công nhận, trẻ mới có thể tràn đầy tự tin và dũng khí.
03. Cha mẹ thật sự tin tưởng con cái
Nhà văn người Đài Loan (Trung Quốc) La Di Quân từng kể lại kinh nghiệm nuôi dạy con cái của mình: Khi con gái cô còn nhỏ xem tivi hay ăn kẹo quá nhiều. Giống như hầu hết các bậc cha mẹ khác, cô thường lè nhè liên tục: "Con ơi, tắt tivi đi", "Con ơi, sao mẹ nói mãi con không nghe lời"... Tuy nhiên, không những ít tác dụng mà còn thường xuyên khiến con gái bực bội.
Rồi một ngày, La Di Quân vô tình đọc được một phương pháp, đó là trong gia đình, cha mẹ và con cái cùng nhau thiết lập một "Ngày đồng ý". Tức là bất kể đứa trẻ yêu cầu điều gì vào ngày này, cha mẹ chỉ có thể đồng ý.
La Di Quân thực hiện phương pháp này trong ngờ vực, nghĩ rằng con gái sẽ nhân cơ hội này để xem TV và ăn kẹo một cách vô kỷ luật hơn. Tuy nhiên, điều khiến cô ngạc nhiên là đứa con gái thường "ngỗ nghịch" của mình lại rất tự giác.
Khi La Di Quân hỏi con gái tại sao, cô bé hỏi ngược lại: "Mẹ, mẹ luôn nhắc con không được xem TV và ăn kẹo suốt. Con có thể kiểm soát bản thân. Tại sao mẹ không thể tin con?".
Có phải hầu hết các bậc cha mẹ, giống như La Di Quân, đã mắc sai lầm khi luôn nghĩ rằng đứa trẻ vẫn còn nhỏ, đánh giá thấp khả năng của con và không tin rằng con có thể tự quản lý tốt?
Cha mẹ kiểm soát con cái thông qua việc giám sát, cằn nhằn... Đây chính là biểu hiện của sự không tin tưởng, khiến trẻ mất lòng tin và kết quả thường phản tác dụng. Những đứa trẻ không được tin tưởng sẽ dễ buồn chán, thất vọng, thậm chí trở nên nổi loạn.
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng vô hạn, chúng nhạy bén và mạnh mẽ hơn những gì cha mẹ tưởng tượng. Tất cả những gì cha mẹ phải làm là tin tưởng nhiều hơn. Kỳ vọng tích cực nhất của cha mẹ dành cho con cái chính là "Mẹ tin con", điều này sẽ tiếp thêm sức mạnh vô hạn cho trẻ, khiến trẻ được khích lệ và tràn đầy tự tin.