1. Trẻ cư xử lịch sự, biết sử dụng kính ngữ với người lớn
Thông thường, những đứa trẻ được gia đình giáo dục tốt sẽ đặc biệt chú ý đến phép lịch sự, cư xử xã giao. Khi có khách đến chơi nhà, trẻ sẽ nhiệt tình chào hỏi, đon đả rót nước mời khách. Các em cũng luôn ghi nhớ các phép tắc cư xử khi nói chuyện với người lớn, luôn sử dụng kính ngữ, nói năng có đầu đuôi. Đây là những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc rất cao và tất nhiên cũng do được bố mẹ giáo dục kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý, không phải cứ chủ động chào hỏi người lớn là ngoan ngoãn còn không chủ động chào người lớn là hư. Một số đứa trẻ vì tính cách hướng nội, rụt rè nên luôn e ngại trước người lạ. Trong trường hợp này, bố mẹ cần từ từ hướng dẫn con.
2. Trẻ sẵn sàng chia sẻ
Những đứa trẻ được gia đình giáo dục tốt sẽ không ích kỷ, không tranh giành đồ chơi với bạn bè cùng trang lứa, cũng không phớt lờ ánh mắt của bạn bè xung quanh khi mình có một món ăn vặt yêu thích nào đó mà sẽ vui vẻ mời bạn thưởng thức cùng.
Thực chất, khi trẻ còn nhỏ, môi trường gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành và phát triển nhân cách. Nếu hàng ngày, trẻ được chứng kiến cha mẹ thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau thì trong lòng trẻ sẽ được gieo những hạt giống sẻ chia.
Sự sẻ chia sẽ khiến trẻ có lòng nhân ái ngay từ khi còn nhỏ, đồng thời nó sẽ giúp trẻ trưởng thành về mặt tinh thần và hình thành các mối quan hệ cá nhân tốt đẹp.
Ảnh minh họa
3. Quan tâm đến cảm xúc của người khác
Nói chung, những đứa trẻ được gia đình giáo dục tốt hiếm khi gây ra rắc rối vô lý, ồn ào ở nơi công cộng hoặc với những người lần đầu gặp mặt. Trẻ sẽ coi hành vi ồn ào, gào khóc ầm ĩ là gây ảnh hưởng, phiền toái đến người khác. Vì vậy, trẻ sẽ kiềm chế cảm xúc của mình một cách hợp lý, bày tỏ yêu cầu bản thân theo cách đúng đắn và giao tiếp bình tĩnh.
Không phải tự nhiên mà trẻ có thể hiểu chuyện, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác như vậy. Đây là kết quả của việc giáo dục hàng ngày từ cha mẹ, từ việc cha mẹ biết lắng nghe, quan tâm đến nhau và quan tâm đến con cái.
Nếu trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ không bao giờ lắng nghe, tìm hiểu con đang suy nghĩ, cảm thấy vui buồn, tức giận ra sao mà chỉ biết nạt nộ, yêu cầu con làm theo mệnh lệnh, yêu cầu của mình thì con khó mà hình thành được thói quen tốt này.