Một tài khoản thắc mắc: “Lam lũ kiểu gì mà răng trắng tinh thế nhỉ?”.
Bên cạnh những lượt “like” đồng tình thì cũng có những tài khoản phản bác: “Chứ để răng lộn xộn, phản ánh chân thực như ngoài đời thì khán giả lại đua nhau chê đạo diễn không biết tạo hình nhân vật, chê phim thiếu tinh tế”.
Phản hồi này không phải không có lý. Một vài tài khoản khác lên tiếng: “Thế cứ lam lũ là răng không được trắng à?”. Hoặc: “Nghèo chứ không ở dơ nha”. Nhưng, ở đây cần nhấn mạnh: Nếu răng trắng tự nhiên chắc người ta đã không soi. Răng trắng bắt “trend” sành điệu mới khập khiễng khi vào vai nghèo khổ.
“Người ta” phản ứng là đúng
Tôi “gõ cửa” Quang Tèo. Anh là một trong số ít những sao Việt chưa gia nhập làng răng sứ.
Quang Tèo cũng đồng tình với một bộ phận khán giả không hài lòng khi diễn viên vào vai nghèo vẫn khoe răng sứ sáng lóa: “Tôi nhớ mãi kỷ niệm hồi quay phim với anh Giang Còi. Anh ấy da không trắng mà cũng không còn trẻ, vào vai nông dân nhưng khi cười răng trắng như ngọc. Tôi nửa đùa nửa thật bảo Giang Còi: Ông cho tôi nhờ một việc, tôi chỉ xin ông một việc thôi là từ lúc quay phim đến lúc quay xong ông hạn chế không cười nhé”.
Quang Tèo và Giang Còi từng là "cặp đôi hoàn hảo" trong nghệ thuật.
Giang Còi làm răng sứ nhưng Quang Tèo nhất định không đua theo xu hướng của sao Việt: “Nhiều nơi còn trả thêm tiền để tôi làm bộ răng sứ 200 triệu đồng nhưng tôi từ chối, vì tôi thấy nhiều người làm răng sứ nhìn cứ… sao sao. Nhất là đàn ông. Người ta hứa với tôi sẽ làm cho bộ răng sứ của tôi mờ đi, không bị trắng muốt. Tôi vẫn lắc đầu vì thấy không thật. Tôi thích men răng thật. Còn răng sứ trắng thật đấy song lại bóng, bởi chất liệu sứ mà, nhất là khi có ánh đèn chiếu vào thì cứ bóng như gương soi. Tôi không ưng. Hồi đầu mới nhìn răng sứ tôi cũng thấy đẹp thật nhưng nhìn kỹ tôi lại thấy sợ”.
Tôi hỏi Quang Tèo: Thêm vài tuổi nữa, răng anh úa màu, anh còn “trốn” răng sứ không?
Người chuyên vào vai nông dân gây cười đáp: “Chẳng vấn đề gì. Tôi toàn đóng vai nhà quê, không cần răng trắng muốt. Mà, kể cả đóng vai đại gia răng xấu cũng có sao. Này nhé, tôi đã gặp một đại gia giàu khủng khiếp, chẳng thiếu gì tiền mà răng chán đời lắm, sún lung tung, còn vàng khè mà vẫn giữ nguyên, không chịu bọc sứ gì cả”.
Quang Tèo bật mí: “Ngày trước anh Bình Trọng, Hãng phim Bình Minh cũng thử dán đấy. Anh ấy chưa bọc hẳn mà thử dán phía ngoài răng xem sao nhưng thấy cười kém duyên nên phải mất bao công cậy ra”.
Một khi đã muốn thì răng trắng thành đen, chẳng khó gì!
Tôi nhớ đến một người thăng hạng nhan sắc nhờ răng sứ. Đó chính là Cô Xuyến của phim truyền hình Về nhà đi con, còn được biết đến là mỹ nhân qua nhiều lần đò nhất showbiz Việt.
Trước đây, Hoàng Yến có bộ răng nhiễm Tetracycline nên màu vàng xỉn khó coi. Bây giờ Hoàng Yến thường xuyên khoe nụ cười lấp lánh, nhờ công nghệ bọc răng sứ.
Cô Xuyến thời răng đen, trong phim Về nhà đi con.
“Nếu lúc này giao cho chị vai nông dân chị có cảm thấy bị phiền bởi bộ răng sứ phát sáng?”, tôi hỏi.
Hoàng Yến bảo: “Tôi từng đóng vai nông dân rồi đó. Tôi đóng khổ hơi bị hợp đấy, đùa đâu. Còn chuyện răng phát sáng thì đơn giản. Một khi đã muốn thì răng trắng biến thành răng đen ngay. Kỹ thuật hóa trang của các chuyên gia bây giờ rất đỉnh. Đến làn da trắng của Yến còn nhuộm nâu được nữa là. Răng cũng có thể nhuộm”.
Tôi hỏi tiếp: “Chấp nhận nhuộm chị không sợ hỏng luôn bộ răng sứ đắt tiền?”. Hoàng Yến cười: “Mình là người có tiền sao phải sợ?”.
Sau câu nói vui, chị trả lời nghiêm túc: “Nhuộm da được huống gì nhuộm răng? Tóc tôi đang màu hồng pastel tôi nhuộm đen để vào vai. Muốn thành nông dân răng đen chỉ cần nửa phút, xong lại lau đi. Quá đơn giản. Tôi đã làm vai gì sẽ hóa trang bằng được ra vai ấy. Tôi thề không sợ xấu tí nào”.
Diễn viên Hoàng Yến, cô Xuyến của Về nhà đi con, là một trong những nghệ sĩ được hưởng lợi về nhan sắc nhờ trào lưu răng sứ.
NSND Trần Nhượng cùng quan điểm với diễn viên Hoàng Yến: “Hóa trang răng xấu không khó, vì chuyên gia còn tạo được răng bị sứt, bị rụng cơ mà! Hay những vết thương do súng đạn cũng tạo ra được. Chẳng khó khăn gì, vấn đề là họ có để ý không, có quan trọng hàm răng phải hợp điều kiện sống của nhân vật hay không?”.
NSND Trần Nhượng kể khi tham gia một tiểu phẩm nhỏ của đạo diễn Trần Bình Trọng (con trai của ông), ông cũng đóng vai một người răng hỏng phải tìm đến bệnh viện để làm răng: “Để hợp với nhân vật này tôi cũng phải hô biến hàm răng mình thật xấu, đen nâu, khập khiễng”.
Càng gần gũi cuộc sống đời thường càng thuyết phục
NSND Trần Nhượng không xem Cuộc đời vẫn đẹp sao thường xuyên song thỉnh thoảng cũng ghé mắt.
Khi phóng viên trao đổi xoay quanh răng sứ với nghề diễn, ông bảo: “Chắc mọi người quan tâm bộ phim truyền hình đang phát sóng? Nhiều khi đạo diễn, chuyên gia hóa trang không để ý đến việc đó. Diễn viên chỉ biết diễn sao cho tốt, cho phù hợp. Nếu diễn viên để ý chi tiết này có thể góp ý để hình tượng nhân vật chân thực hơn”.
Theo cách nhìn của NSND Trần Nhượng, diễn vai nghèo để răng sứ sáng lóa có ảnh hưởng ít nhiều đến sự tiếp nhận của khán giả: “Điện ảnh hay sân khấu càng gần gũi cuộc sống đời thường càng thuyết phục. Một anh nông dân hút thuốc lào, làm lụng vất vả mà khi cười răng trắng sáng thì sao tin được anh ta làm nông?”, ông nói.
Tuy nhiên, răng sứ không có tội.
NSND Trần Nhượng bày tỏ quan điểm cá nhân: “Làm răng để hàm răng trắng đẹp là nhu cầu thẩm mỹ không chỉ của giới nghệ sĩ mà của bất kể người bình thường nào. Ông cha ta có câu: “Hàm răng mái tóc là góc con người”, răng chưa đẹp thì đến nha sĩ can thiệp, vừa làm đẹp cho mình, cũng giúp hình ảnh mình đẹp lên trong lòng khán giả.
Theo trào lưu làm răng sứ hay không tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Nhưng khi anh là diễn viên, vào vai nghèo thì nên hóa trang cho răng”.
Bản thân Trần Nhượng cũng làm răng sứ để khắc phục nhược điểm răng thưa, một vài chiếc bị rụng.
NSND Trần Nhượng và nụ cười mới thời răng sứ.