Tối 9/3/1945, trên đảo Saipanm, Tinian và Guam, những chiếc máy bay ném bom B-29 rời khỏi căn cứ, bắt đầu hành trình dài 7 tiếng, vượt 2.400km đến Nhật Bản.
Sáng sớm 10/3, khi người Nhật còn đang ngủ trong những ngôi nhà gỗ, loạt máy bay ném bom đầu tiên ở Tokyo đã bắt đầu gây ra 5 đợt hỏa hoạn. Theo phi công B- 29 Robert Bigelow, người đã kể lại cuộc oanh tạc cho Dự án Lịch sử Hàng không Virginia, những cuộc tấn công nhỏ hơn được thực hiện bởi phần còn lại của lực lượng ném bom,
Trong khoảng từ 1h30-3 giờ sáng, lực lượng chủ lực của phi đội B-29 đã thả 500.000 quả bom M-69, từng quả nặng gần 3kg, được tập hợp thành chùm 38 quả. Các chùm bom cháy sẽ tách ra trong khi rơi xuống và những chiếc dù nhỏ sẽ mang từng quả bom xuống đất. "Xăng dẻo", hay Napalm, bên trong vỏ kim loại sẽ bốc cháy chỉ vài giây sau khi va vào vật rắn và bắn những gel lửa lên các bề mặt xung quanh.
Những em bé bỏng trên lưng mẹ
Gia đình Haruyo Nihei đã trải qua các cuộc ném bom của Mỹ vào Tokyo từ trước đó, nhưng khi cha Nihei đánh thức cô bé dậy trong bóng tối vào rạng sáng ngày 10/3, ông hét lên rằng đợt tấn công này khác biệt những lần trước. Họ cần phải ra khỏi nhà đến nơi trú ẩn dưới lòng đất không chậm trễ một giây.
Nihei nhớ lại em ôm theo chiếc gối và chạy ra khỏi nhà cùng với bố mẹ, em gái và anh trai. Cả gia đình người chủ cửa hàng gia vị sống ở quận Kamedo, trung tâm Tokyo, vội vã đi qua các cửa hàng tạp hóa nhỏ nằm dọc phố.
Trong những khoảnh khắc đầu tiên, Nihei nhớ là không có quá nhiều lửa, vì không khí đang bị hút vào “hỏa ngục” để cung cấp năng lượng cho nó. Ngọn lửa lúc này chưa lan đến quận của họ.
Gia đình Nihel đến được một nơi trú ẩn dưới lòng đất, nhưng nơi ẩn náu của họ không tồn tại được lâu. "Chúng tôi đã chui vào trong, nghe thấy tiếng bước chân chạy rầm rập phía trên, những giọng nói, tiếng trẻ con hét lên 'mẹ, mẹ'. Cha mẹ hét gọi tên con của họ”, bà Nihel, năm nay 83 tuổi, kể lại. Rồi cha Nihel bảo cả nhà phải ra khỏi nơi trú. “Chúng ta sẽ bị thiêu sống ở đây”, cha cô nói. Ông nghĩ lửa và khói sẽ dễ dàng vượt qua cánh cửa hầm.
Nhưng một khi ở bên ngoài, nỗi kinh hoàng là không thể tưởng tượng được. Mọi thứ đều cháy. Con đường là một dòng sông lửa, với những ngôi nhà và đồ đạc, thảm, chăn, ba lô, tất cả đều chìm trong lửa. "Những em bé bị bỏng trên lưng mẹ. Họ đang bỏ chạy với những em bé bị bỏng trên lưng", bà Nihei nhớ lại đau đớn.
Động vật cũng bị đốt cháy. Nihei nhớ hình ảnh con ngựa kéo một chiếc xe gỗ chở đầy hành lý. "Nó đột nhiên dang rộng bốn chân và cứng đờ - sau đó hành lý bắt lửa, lửa bắt vào đuôi ngựa và ‘nuốt chửng’ con vật”, bà kể.
Ngọn lửa vẫn còn hoành hành ở Tokyo cả buổi sáng 10/3 sau khi bom rơi xuống. Ảnh: CNN
Tokyo rực lửa
Phía trên bầu trời, các phi công B-29 cũng đang cảm nhận được tác động của gió và lửa. Bowman, con trai một phi công oanh tạc dẫn lời Jim Wilde, kỹ sư máy bay trên chiếc B-29, cho biết trên một tạp chí tập hợp tư liệu lịch sử: "Mọi thứ bên dưới chúng tôi đều đỏ rực và khói ngay lập tức tràn ngập mọi góc máy bay".
Không khí nóng bốc lên từ “hỏa ngục” bên dưới đã đẩy chiếc máy bay nặng 37 tấn lên cao thêm 1.500 mét, sau đó thả rơi nó xuống chỉ trong vài giây sau đó.
Cũng trên tờ tạp chí, phi công B-29 Bigelow nhớ lại cảnh người Nhật khởi động phòng thủ. "Những luồng hỏa lực chống máy bay quét khắp bầu trời như thể được phun ra từ vòi nước trong vườn”. Hỏa lực nhằm vào máy bay của Bigelow, nhưng phi hành đoàn vẫn tập trung thả bom. "Chúng tôi hầu như không nhận thấy những mảnh đạn đang rung lên và kêu leng keng như mưa trên cánh", ông viết.
Thả hết bom xong, Bigelow xoay mạnh hướng chiếc B-29, lao ngược ra biển."Chúng tôi đã tạo ra một hỏa ngục nằm ngoài những tưởng tượng điên rồ nhất của Dante," sau này viên phi công viết.
Khi chiếc B-29 đã bay xa 250km từ Tokyo ra Thái Bình Dương, xạ thủ đuôi máy bay của Bigelow thông báo qua radio rằng anh ta vẫn nhìn thấy những vệt lửa sáng rực phía sau.
Một bản tin của Không quân Mỹ vào mùa Hè năm 1945 nói về "thành công" của chiến dịch xóa sổ các mục tiêu tại Nhật Bản. Ảnh: CNN
Cuộc oanh tạc thảm khốc "bị lu mờ"
Những cuộc tấn công lửa tiếp theo nhằm vào Tokyo trong ngày 14 và 18/4, ngày 24 và 26/5 đã thiêu rụi thêm 62km2, một khu vực rộng gấp 1,5 lần Manhattan (New York), thành tro tàn.
Mặc dù cuộc dội bom Tokyo ngày 9-10/3/1945 là cuộc oanh tạc đẫm máu nhất trong Thế chiến thứ hai, nhưng sự hủy diệt mà nó gây ra đã bị lu mờ bởi sự kiện cuộc tập kích bom cháy vào Toyama ngày 1/8/1945. Hơn 99% thành phố Toyama, một trung tâm công nghiệp 100.000 dân ở phía Tây đảo Honshu, đã bị thiêu rụi sau cuộc đột kích của 179 máy bay B-29 Mỹ thả bom Napalm.
Hơn 2.700 người đã thiệt mạng và 8.000 người bị thương ở Toyama. Nhưng vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima xảy ra chỉ 5 ngày sau đó cũng khiến câu chuyện bi thảm ở Toyama bị quên lãng trong những ngày kết thúc Thế chiến II.
Hàng chục ngàn người khác đã thiệt mạng và bom cháy tiếp tục dội xuống các thành phố lớn Nagoya, Osaka và Kobe. Máy bay ném bom Mỹ sau đó nhắm vào 58 "thành phố cỡ trung bình", theo dữ liệu lịch sử chính thức. Có thời điểm, căn cứ máy bay B-29 tại North Field, nằm trên hòn đảo nhỏ bé Tinian, trở thành sân bay bận rộn nhất thế giới.
Lịch sử hậu chiến tranh của Không quân Mỹ nói rằng chiến dịch ném bom cháy, hủy hoại các trung tâm công nghiệp của Nhật Bản là chiến dịch "thành công”. Nhưng trên thực tế các cuộc dội bom này dường như không đóng góp được nhiều đưa đến sự đầu hàng của phát xít Nhật Bản. Tuy vậy, tổn thất gây ra cho nước Nhật là rất lớn. Đến cuối chiến dịch, hàng trăm ngàn người đã phải sống tị nạn trên khắp Nhật Bản.
Cư dân Tokyo bị mất nhà do hậu quả cuộc ném bom Napalm của Mỹ. Ảnh: CNN
Tướng LeMay, Tư lệnh lực lượng máy bay ném bom Mỹ ở Thái Bình Dương, kiến trúc sư của chiến dịch oanh tạc Nhật Bản, sau này đã thừa nhận sự tàn bạo của chiến dịch này. “Tôi cho rằng nếu tôi thua trong cuộc chiến, tôi đã bị xét xử như một tội phạm chiến tranh”. Nhưng thay vào đó, LeMay được ca ngợi như một người anh hùng, được trao nhiều huy chương và sau đó được thăng chức lên chỉ huy Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược Mỹ.
Khi Nhật hoàng lên tiếng
Trong số những người Nhật thiệt mạng vào ngày 10/3 có sáu người bạn thân của Nihei. Mới chiều muộn ngày 9/3 các em còn chơi đùa với nhau. "Chúng tôi chơi các trò đánh trận giả. Mẹ tôi gọi bữa tối đã sẵn sàng và chúng tôi hẹn gặp lại vào ngày hôm sau”, bà nhớ lại.
Bà Haruyo Nihei, người sống sót trong trận ném bom Napalm xuống Tokyo, thăm một trung tâm tưởng nhớ sự kiện này do những người sống sót tự thành lập. Ảnh: CNN
Mùa Hè năm 1945 thật khó khăn với Nihei. Em và gia đình - đều may mắn sống sót sau cuộc không kích ngày 10/3 - liên tục phải ở nhờ từ nhà người này sang người khác. Thực phẩm thiếu thốn, Nihei khó khăn mới nuốt được những viên bột hạt sồi trộn với nước và chút ngũ cốc.
Tháng 8 năm đó, có thông báo rằng, lần đầu tiên Nhật Hoàng Hirohito sẽ nói chuyện trực tiếp với người dân Nhật Bản. Gia đình Nihei ngồi quanh một chiếc radio chờ nghe giọng nói của Nhật Hoàng. “Tôi không quan tâm chúng tôi thắng hay thua miễn là không có cuộc oanh tạc lửa nào nữa”, ông nói.
Nhưng những chiếc B-29 tiếp đó đã giáng những đòn tàn phá vào Hiroshima và Nagaski, lần này chúng sử dụng bom nguyên tử, và là lần duy nhất vũ khí hạt nhân được sử dụng trong lịch sử.
Nhật Hoàng Hirohito không bao giờ dùng các từ "đầu hàng" hay "đánh bại" mà nói rằng "kẻ thù đã bắt đầu sử dụng một loại bom mới và tàn khốc nhất" và Nhật Bản cần phải chấp nhận yêu cầu của họ để cứu đất nước.