Hơn một thập kỷ trước, làm việc với bộ phận marketing, Giám đốc điều hành mới của Man City, Garry Cook biết được rằng sản phẩm bán tốt nhất của CLB không phải áo đấu hay bất cứ thứ gì khác, mà là video về 2 chiến thắng trước MU mùa 2007/08.
Trong giai đoạn đầu của triều đại Seikh Mansour, với dòng tiền dồi dào đổ vào City of Manchester, sau này đổi thành Etihad, điều khiến những người Man City tự hào nhất là việc ký hợp đồng với Carlos Tevez từ chính MU, rồi treo tấm áp phích khổng lồ "Welcome to Manchester" với hình ngôi sao người Argentina trên đó. Một thời điểm khác, họ cố gắng đưa Wayne Rooney ra khỏi Old Trafford.
Mùa đầu tiên dưới sự quản lý của các ông chủ người Ả Rập, Man City xếp thứ 10. Tất cả đều thừa nhận HLV Mark Hughes mãi vẫn chỉ là học trò của Sir Alex Ferguson. Nhưng mọi thứ có thể cải thiện một chút nếu trợ lý cho Hughes là ai đó tài năng tương tự Carlos Queiroz.
Tấm biển "Welcome to Manchester" được Man City dựng lên năm 2009
Những người lãnh đạo nói điều đó với Hughes. Ông ta không chấp nhận. Rốt cuộc, quyết định sa thải ông ta được đưa ra trong đêm mưa gió, khi Cook và Giám đốc bóng đá Brian Marwood trở về từ London sau thất bại 0-3 trước Tottenham.
Nhìn lại, đó là một giai đoạn hỗn loạn của Man City khi họ vật lộn với việc làm thế nào để tiêu tiền cho đúng, và làm sao để trở thành một CLB hàng đầu. Những người ngoài cuộc cảm thấy tất cả là một sự lố bịch và một chút khinh miệt.
Sir Alex, ngoài việc gọi Man City là "những người hàng xóm ồn ào", đã không sai khi mô tả họ là "đội bóng nhỏ với tâm lý nhược tiểu" và "tất cả những gì họ nghĩ được là về MU". Thay vì xây dựng cho mình chiến lược đúng đắn để trở thành CLB hàng đầu, mọi hành động của Man City chỉ nhắm tới MU, tìm kiếm chút hả hê mỗi lần vượt mặt đối thủ. Và Man City mắc kẹt trong đó.
Dưới thời Sir Alex, Man City không phải đối thủ đáng để MU bận tâm
Người ta nói rằng ở Manchester có hai Nhà hát, một là Old Trafford, Nhà hát của những giấc mơ, một là Etihad, Nhà hát của những vở hài kịch. Đôi khi Etihad cũng được gọi với cái tên Ngôi đền của sự diệt vong.
Bây giờ, Ngôi đền của sự diệt vong hay Nhà hát cũng những vở hài kịch phù hợp hơn nếu được dùng để chỉ Old Trafford. MU đã làm mọi cách, cộng thêm sự hỗ trợ của may mắn, vào mùa trước để có mặt ở Champions League, nhưng rồi bị loại ngay sau vòng bảng. Một lần nữa MU cho tất cả thấy, họ ở một khoảng cách rất xa so với nhóm ưu tú ở châu Âu, trong đó có Man City.
Đêm thứ Bảy, MU và Man City sẽ gặp nhau ở trận derby Manchester thứ 183. Đây là lần hiếm hoi trong nhiều năm, Quỷ đỏ chạm trán người hàng xóm với vị thế xếp trên ở BXH Premier League.
Đêm thứ Bảy, MU và Man City sẽ gặp nhau ở trận derby Manchester thứ 183
Nhưng trớ trêu thay, ngay cả Man City đứng thấp hơn vị trí thứ 7 ở những vòng trước, đội quân của Pep Guardiola vẫn là ứng viên hàng đầu cho chức vô địch. MU thì không. Bản thân họ cũng đủ thực tế để không mơ về điều đó. Như mấy mùa qua, mục tiêu chỉ là giành vé dự Champions League.
7 mùa giải gần nhất, không chỉ không vô địch Premier League, Quỷ đỏ chỉ 3 lần góp mặt trong tốp 4. Cùng thời gian, Man City đăng quang 3 lần và không bao giờ ra ngoài tốp 4. Sau thời kỳ hỗn loạn ban đầu, Man City đã thoát khỏi tâm lý nhược tiểu và tạo dựng đế chế. Ngược lại, MU ngủ vùi trên đỉnh vinh quang và đến một thời điểm, họ nhận ra đã có sự hoán đổi vị trí. Họ đang ở vị trí của Man City trước đây, còn Man City ngự trị nơi họ từng thuộc về.
Điều đáng buồn hơn, tâm lý nhược tiểu bắt len lỏi vào Old Trafford. MU bắt đầu tìm kiếm niềm vui nho nhỏ nếu đánh bại Man City, trong khi HLV Solskjaer không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ, thậm chí coi kình địch cùng thành phố là hình mẫu để hướng tới. Đồng thời, cũng không ngừng nhớ về những ngày vinh quang xưa cũ, thời kỳ MU quá bận rộn với những cuộc chinh phục để không mấy khi bận tâm tới "những người hàng xóm ồn ào".
Ảnh: Getty