Trung Quốc có thể phóng mô-đun đầu tiên cho trạm vũ trụ của riêng mình trong tháng 4, trong bối cảnh nước này cũng đang chuẩn bị đưa một kính viễn vọng không gian lớn lên quỹ đạo trong vòng vài năm tới.
Theo Tân Hoa xã, kính viễn vọng không gian Trung Quốc (CSST) – hay còn gọi là Tuần Thiên - sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện các cuộc khảo sát bầu trời khi nó được phóng lên quỹ đạo vào năm 2024.
Kính viễn vọng Tuần Thiên của Trung Quốc
Kính viễn vọng này của Trung Quốc trang bị một gương chính có đường kính lên tới 2,2m, có thể so sánh với gương chính trang bị trên Kính viễn vọng Hubble (khoảng 2,4m). Tuy nhiên, phạm vi quan sát (Field of view) của Tuần Thiên lại tốt hơn khoảng 300 lần so với của Hubble, trong khi vẫn giữ được độ phân giải tương tự.
Phạm vi quan sát rộng sẽ cho phép kính Tuần Thiên quan sát tới 40% bầu trời trong vòng 10 năm bằng camera khổng lồ có độ phân giải 2,5 tỉ pixel. Đáng chú ý, kính thiên văn Tuần Thiên sẽ quay cùng quỹ đạo với trạm vũ trụ của Trung Quốc và có thể ghép nối định kỳ với trạm này trong tương lai.
"Kính thiên văn sẽ hoạt động độc lập trên quỹ đạo giống như một module quang học để mang lại hiệu quả cao hơn" - Zhou Jianping, nhà thiết kế chính chương trình tàu vũ trụ của Trung Quốc - nói với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc vào tháng Ba.
"Trong khi đó, chúng tôi sẽ làm cho nó bay gần theo quỹ đạo chung với trạm vũ trụ trong tương lai. Điều này sẽ giúp chúng tôi dễ dàng tiếp nhiên liệu và tiến hành nâng cấp nó ngay trên quỹ đạo", ông Jianping nói thêm.
Đây có thể là một lợi thế lớn cho CSST, khi NASA thường xuyên phải triển khai các nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp và thay thế một loạt các thành phần và hệ thống của kính Hubble. Trong khi đó, bốn trung tâm nghiên cứu thiên văn dưới mặt đất đang được xây dựng trên khắp Trung Quốc để xử lý dữ liệu thu được từ kính viễn vọng không gian Tầm Thiên.
CSST sẽ quan sát tất cả những hình ảnh của vũ trụ với ánh sáng khả kiến, cực tím (UV) và ánh sáng bước sóng cận hồng ngoại. Nhiệm vụ chính của kính là điều tra các đặc tính của vật chất tối và năng lượng tối, cấu trúc quy mô lớn của vũ trụ và sự hình thành và tiến hóa của thiên hà - Đài quan sát Thiên văn Quốc gia (NAOC) thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc cho hay.
Tuần Thiên cũng sẽ có những đóng góp trong việc phát hiện và khảo sát các vật thể xuyên sao Hải Vương (TNO) và các tiểu hành tinh gần Trái đất.
Thêm vào đó, để chuẩn bị cho trạm vũ trụ mới của Trung Quốc, các phi hành gia của quốc gia tỷ dân hiện đang trải qua quá trình huấn luyện căng thẳng.
Trung Quốc đang chuẩn bị cho 11 lần phóng lên quỹ đạo trong năm 2021 và 2022, bao gồm 4 sứ mệnh có người lái cho giai đoạn xây dựng dự án. Module cốt lõi - được đặt tên là "Thiên Hà" - dự kiến sẽ được phóng từ bãi phóng Văn Xương tại đảo Hải Nam trong tháng 4 này.
Tham khảo Space.com