Top 5 trực thăng cho tương lai của Mỹ

Ngọc Anh |

Mỹ đã công bố Top 5 máy bay trực thăng của tương lai, trong đó 5 loại dưới đây được xem là mới nhất, hiện đại nhất.

1. SB-1 Defiant

Mô hình trực thăng SB-1 Defiant hiện đang được phát triển cho quân đội Hoa Kỳ để thay cho các loại trực thăng đã lỗi thời có từ những năm 60 ở thế kỷ trước.

Đây cũng là mô hình kết hợp nhiều "tiêu chí nhất" của dòng trực thăng hiện đại ra đời trong vòng thập kỷ trở lại đây, đặc biệt là cải tiến về cánh quạt đẩy để tăng tốc độ khi di chuyển theo chiều ngang.

 Top 5 trực thăng cho tương lai của Mỹ  - Ảnh 1.

Mô hình trực thăng SB-1 Defiant hiện đang được phát triển cho quân đội Hoa Kỳ

Theo tạp chí Công nghệ Quốc phòng (ATM), SB-1 Defiant là sản phẩm hợp tác giữa quân đội và Cơ quan Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện chức năng chở quân và trang thiết bị khí tài.

SB-1 Defiant là sản phẩm thuộc Chương trình Đa năng Hỗn hợp (JMR) của quân đội Mỹ, do Sikorsky chế tạo, có cánh quạt đẩy giống như máy bay X-2 và trực thăng Raider, giúp máy bay di chuyển nhanh hơn theo chiều nằm ngang.

Trọng lượng 13,6 tấn, năng lực thực hiện nhiệm vụ vận chuyển 4 phi hành đoàn và 12 binh lính trang bị đầy đủ, hoạt động trong môi trường áp lực cao, tốc độ tối đa 250 knots (288 m.p.h. hay 463 km/h).

2. V-280 Valor

Theo trang tin National Interest, đến năm 2030 quân đội Mỹ sẽ được trang bị máy bay trực thăng công nghệ cao hay siêu trực thăng V-280 Valor.

Đây là sản phảm của dự án JMR, mở đường ra đời một phi đội chiến đấu cơ đa nhiệm, chính thức được đưa vào khai thác bằng chuyến bay khởi nghiệp năm 2030.

Siêu trực thăng V-280 Valor của Bell Helicopter hiện đang được triển khai, có kiểu dáng đẹp và mỏng hơn so với V-22 Osprey, có thể đạt tốc độ tối đa 230 knots (gần 426 km/h), tầm hoạt động 434 km, trang bị động cơ cực khoẻ, có thể tác nghiệp trong môi trường nhiệt độ tới 95 độ F (35 độ C), tầm cao hoạt động 1.800 m.

V-280 Valor dùng công nghệ rotor nghiêng hiện đại (rotor nghiêng thế hệ 3), 2 rotor lắp ở hai cánh để giúp trực thăng có thể bay với tốc độ cao trong khi vẫn giữ được khả năng hoạt động linh hoạt như một chiếc trực thăng thông thường.

Ngoài ra, V-280 còn được trang bị rất nhiều cảm biến, vũ khí và hệ thống điều khiển cực kỳ hiện đại, đặc biệt là hệ thống điều khiển bay fly-by-wire, hỗ trợ các phi công trong việc đưa ra quyết định khi tham chiến.

Nó có thể tự bay theo một lộ trình nhất định trong trường hợp phi công bị thương hoặc không còn đủ khả năng điều khiển máy bay. Thậm chí, nó có thể giúp trực thăng hoạt động như một máy bay không người lái.

Một trong nhưng ưu điểm nổi trội của V-280 Valor là kết hợp giữa công nghệ sensor và công nghệ đánh chặn để phát hiện nhanh mối đe doạ từ phía đối phương. V-280 Valor còn có tính năng tìm và diệt trên không bằng các phần mềm tiên tiến, kết hợp với cảm biến công nghệ cao, báo cho phi công biết những trở ngại như máy bay hay tên lửa đến gần.

Công nghệ nhận biết bạn và thù (IFF), và khả năng tránh chướng ngại vật, khả năng kiểm soát bay trong địa hình (CFIT), giúp máy bay hoạt động tốt trong mọi địa hình phức tạp như rừng rậm, núi cao, tầm nhìn hạn chế, có nhiều chướng ngại vật...

3. DARPA / Boeing DiscRotor

Cơ quan Nghiên cứu các dự án Quốc phòng cấp cao của Mỹ (DARPA) hiện đang hợp tác cùng Boeing phát triển máy bay DiskRotor hay còn gọi là tổ hợp bay DiscRotor.

Cất và hạ cánh giống hệt như trực thăng, tuy nhiên, một khi đã yên vị trên không, cánh quạt sẽ thu lại thành một cái đĩa lớn phía trên máy bay, còn các động cơ phản lực ở hai bên sẽ đẩy máy bay đi.

 Top 5 trực thăng cho tương lai của Mỹ  - Ảnh 3.

DARPA / Boeing DiscRotor

Kiểu thiết kế lai này giúp máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng, đồng thời tạo ra khả năng bay siêu tốc mà các thế hệ trực thăng đi trước không thể đạt được.

4. Shadow Hawk UAV

Shadow Hawk UAV là trực thăng siêu nhỏ, dài 2,1 m, sải cánh 1,94 m, nặng 50 pound (22 kg), khắc tinh đối với cướp biển châu Phi.

Đây là dòng trực thăng không người lái được điều khiển từ xa, có thể sử dụng nhiều vũ khí hiện đại, như súng phóng lựu, nã đạn súng săn và phát tia laser. Rất hợp với mục tiêu săn lùng cướp biển ở vùng Sừng châu Phi, hoặc thực thi pháp luật trên đường phố thuộc các đô thị lớn đông dân.

 Top 5 trực thăng cho tương lai của Mỹ  - Ảnh 4.

Shadow Hawk UAV

Shadow Hawk UAV là sản phẩm của hãng Vanguard Defense Industries, Mỹ (VDI) chế tạo. VDI phải mất nhiều năm mới nghiên cứu thành công mẫu máy bay này, vừa ký được hợp đồng lớn với một công ty khai thác dầu khí để phục vụ cho mục đích chống cướp biển.

Theo VDI, Shadow Hawk UAV có thể bay liên tục mỗi lần tới 3 giờ, kể cả trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, độ cao trên 700 feet (213 m), tốc độ tối đa 88,5 km/h, có thể ghi và truyền hình ảnh thời gian thực và gửi về cho trung tâm, thiết bị lý tưởng cho cuộc chiến chống tội phạm của chính phủ cũng như dùng cho các công ty an ninh tư nhân.

5. Sikorsky X2

Ngay từ tên gọi, X-2 chứa đựng nhiều bí ẩn, tích hợp nhiều tính năng, công nghệ của máy bay trực thăng hiện đại nhất. Đây là trực thăng nhanh nhất thế giới do hãng Sikorsky của Mỹ phát triển, chi phí đầu tư 50 triệu USD.

X2 có hệ thống chống rung tuyệt vời, sử dụng rotor kép đồng trục, cánh quạt đẩy đường kính 8,05 m, giúp X2 cất và hạ cánh linh hoạt trong khi cánh đuôi nằm ngang lại giúp tăng vận tốc cho máy bay.

 Top 5 trực thăng cho tương lai của Mỹ  - Ảnh 5.

Sikorsky X2

Mẫu X2 đầu tiên được đưa vào thử nghiệm lần đầu tháng 8/2008, vận tốc tối đa đạt 460 km/h, có nghĩa, bay nhanh gấp rưỡi trực thăng tấn công AH-64 Apache lừng danh của quân đội Mỹ (mới chỉ đạt 293 km/h).

X2 được trang bị hệ thống hỗ trợ điều khiển fly-by-wire cùng động cơ, cánh quạt ưu việt. Mặc dù đạt kỷ lục cao nhưng thành tích của X2 cũng đã bị xô đổ vào năm 2013 bởi máy bay trực thăng Eurocopter X3, tốc độ 480 km/h.

Đặc tính kỹ thuật chính của X2 gồm tổ hợp cánh quạt kiểu đẩy 6 cánh, trọng lượng cất cánh tối đa 3.600 kg, động cơ LHTEC T800-LHT-801 turboshaft, 1.300 - 1.800 shp (1.000 - 1.340 kW), tổ lái 2 người, tầm hoạt động 1.300 km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại