Tháng 3/2019, danh sách xếp hạng thường niên tỷ phú thế giới của tạp chí Forbes đã vinh danh ông Phạm Nhật Vượng là người Việt đầu tiên lọt top 200 người có tài sản lớn nhất thế giới, nắm trong tay 7,5 tỷ USD. Cho đến tháng 11/2019, tài sản của vị này đã chạm mốc 10 tỷ USD, dựa trên sở hữu trực tiếp 26% cổ phần Vingroup, 92% cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (đơn vị nắm 31,6% cổ phần VIC) và 49% cổ phần VinFast cùng cổ phần tại nhiều công ty khác.
Vào những ngày cuối năm, ông Phạm Nhật Vượng bất ngờ chia sẻ trên Bloomberg về kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD từ tài sản cá nhân cho dự án VinFast, trong đó có 10% cổ phần từ Vingroup mà ông sẽ bán. Ông thừa nhận VinFast sẽ không có lãi 5 năm do thị trường nội địa quá nhỏ và việc bán hàng tại thị trường nước ngoài mới là chìa khóa mang lại lợi nhuận, đặc biệt khi Vingroup dự chi tới gần 1 tỷ USD mỗi năm để bù lỗ cho dự án ô tô tham vọng này.
Vượt qua nhiều khó khăn, năm 2019 cũng là năm đánh dấu sự chuyển mình đầy mạnh mẽ của công ty mà vị tỷ phú này sở hữu, trong chiến lược biến Vingroup từ một doanh nghiệp bất động sản thành tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp – Dịch vụ hàng đầu Việt Nam. VinFast liên tiếp ra đời các mẫu xe, VinSmart thành lập nhà máy quy mô thế giới, Vinpearl Air thực hiện khoá đào tạo phi công đầu tiên… là những dấu ấn mang tên thương hiệu Vin nổi bật trong năm qua. Forbes cũng vinh danh tập đoàn của tỷ phú này là công ty tư nhân Việt Nam duy nhất vào top 2.000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới năm 2019.
Diễn ra trong hai ngày 27 và 28/2/2019, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 tại Hà Nội đã đánh dấu cuộc gặp lịch sử lần thứ hai giữa các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ và Triều Tiên. Sự kiện đã thu hút gần 3.000 phóng viên thế giới thuộc 200 hãng thông tấn tới từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 500 phóng viên trong nước tới đưa tin.
Mặc dù không có thỏa thuận bằng văn bản nào được ký kết nhưng hội nghị diễn ra tại Việt Nam lần này là tiền đề, là bước nhảy quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia, khi Chủ tịch Triều Tiên và Tổng thống Mỹ đã nhất trí tiếp tục các cuộc đối thoại trong tương lai.
Cả Triều Tiên và Mỹ đều đánh giá cao những gì đã làm được tại Hà Nội. Nếu hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA chia sẻ rằng "Hai bên nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ với nhau để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như cho sự phát triển mang tính thời đại của mối quan hệ Triều Tiên - Mỹ trong tương lai” thì phía Mỹ cũng đưa ra tuyên bố khẳng định hội nghị đã thành công, dù hai bên chưa đi tới thỏa thuận cuối cùng.
Với vai trò là nước chủ nhà, theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành công của sự kiện đã đem lại vị thế mới, nâng tầm cao mới cho Việt Nam, là thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về sự vươn lên, sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc phát huy hơn nữa vai trò xây dựng, tích cực đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới với một tinh thần kiến tạo hòa bình...
2019 đánh dấu là năm thành công của ngành ngân hàng Việt Nam, khi 87% nhà băng đều tăng trưởng lợi nhuận so với năm 2018. Trong số đó, Vietcombank là đơn vị đạt thành tích tốt nhất, với mức lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm đạt kỷ lục, vượt 17.000 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng tài sản của ngân hàng này sau quý III đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tổng huy động vốn là 998.247 tỷ đồng.
Đây cũng là năm cổ phiếu VCB đạt đỉnh cao trong lịch sử 10 năm lên sàn chứng khoán, vượt 90.000 đồng/đơn vị. So với thời điểm đầu năm 2018, cổ phiếu của VCB đã tăng khoảng 71% thị giá. Hiện, VCB cũng là công ty niêm yết có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán, đạt gần 319.000 tỷ đồng, chỉ xếp sau Vingroup.
Vietcombank xuất hiện ở vị trí thứ 17 trong danh sách 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất khu vực do tạp chí The Asian Banker vinh danh năm 2019, với chỉ số sức mạnh 3,74 điểm trên tổng điểm 5, là ngân hàng có bảng cân đối kế toán mạnh nhất Việt Nam. Tháng 5/2019, Forbes xếp Vietcombank vào danh sách 2.000 công ty niêm yết lớn nhất toàn cầu, ở vị trí 1.096, dẫn đầu trong số 4 doanh nghiệp Việt Nam được vinh danh.
Ngày 3/12/2019, Tập đoàn Vingroup (VIC) và Tập đoàn Masan (MSN) đã tạo nên cú bắt tay lịch sử trong ngành bán lẻ Việt Nam khi công bố thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco, trong đó, Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, hai doanh nhân tỷ phú có tên trên bảng xếp hạng của Forbes thực hiện một thương vụ M&A.
Giá trị thương vụ chưa được tiết lộ nhưng mục địch đi đến thoả thuận đều được hai bên thống nhất là nhằm tối ưu hóa thế mạnh hoạt động của mỗi bên, đồng thời tạo nên một Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ mới có sức cạnh tranh vượt trội và quy mô hàng đầu Việt Nam.
Phía Vingroup cũng không giấu động cơ buông tay khỏi ngành bán lẻ và nông nghiệp là để giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng Công nghệ và Công nghiệp. Trong khi đó, Masan được cho là sẽ tạo ra cánh tay nối dài để các sản phẩm tiêu dùng của hãng đến được tay người tiêu dùng với chi phí thấp nhất, đặc biệt hỗ trợ cho công ty về thịt Meatdeli của tỷ phú này trong tham vọng tỷ đô.
Là quốc gia thứ 41 có bản quyền sản xuất và phát sóng chương trình về đầu tư khởi nghiệp, Shark Tank Việt Nam đã đi qua mùa thứ 3 với những thành công vượt trội. Vượt ra khỏi một chương trình thực tế thông thường, Shark Tank trở thành một trong những chương trình truyền hình quốc dân, nơi phổ cập kiến thức về kinh tế đồng thời truyền cảm hứng khởi nghiệp sâu rộng đến với các tầng lớp dân cư.
So với 2 mùa trước đó, mùa 3 lên sóng lận đận hơn và phải thay đổi một Shark khi tập đầu tiên còn chưa phát sóng, nhưng sau đó, chương trình này có sự bứt phá mạnh mẽ cả về tầm ảnh hưởng lẫn tính thực tiễn. Đã có khoảng 500 tỷ đồng được cam kết đầu tư trong bể cá mập mùa 3, con số gấp đôi so với mùa 2 và gấp 4 lần so với mùa 1. Cũng trong năm 2019, kỷ lục về màn gọi vốn cao nhất đã xuất hiện, cùng với nghi vấn về tay trong lần đầu tiên xuất hiện trên Shark Tank: Luxstay và 6 triệu USD.
Ngoài những hấp dẫn từ ghế Cá Mập, các thương vụ gọi vốn kịch tính, chương trình năm 2019 gây tiếng vang nhờ sự góp mặt đa dạng của các ứng viên đầu tư, từ doanh nhân, giáo sư, sinh viên, du học sinh, Việt kiều, cộng đồng LGBT hay các bà mẹ bỉm sữa… Hậu trường hóm hỉnh và các màn xuất khẩu thuật ngữ của nhà đầu tư tạo ra sự khác biệt lớn cho Shark Tank mùa 3.
Nền tảng kết nối cho thuê homestay, căn hộ cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng Luxstay trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất năm 2019 trong giới startup sau hàng loạt cú “hit” ấn tượng. Nhận 3 triệu USD từ các quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures hồi tháng 1/2019, Luxstay lại tiếp tục chứng tỏ sức hút của mình với các nhà đầu tư khi tiếp tục hoàn tất vòng gọi vốn Bridge trị giá 4,5 triệu USD từ 2 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc là GS Home Shopping (GS Shop) và Bon Angels vào tháng 5/2019.
Đến Shark Tank gọi vốn để thực hiện giấc mơ “kỳ lân”, Luxstay của Founder Nguyễn Văn Dũng đã nhận được cái gật đầu với cả ba nhà đầu tư Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn Ngọc Thủy và Phạm Thanh Hưng, trở thành startup đầu tiên của Shark Tank được cam kết đầu tư lên đến 6 triệu USD, trong đó gồm 3 triệu USD pre-money và 3 triệu USD quyền mua round sau. Thương vụ này sau đó được nhắc đến với những nghi vấn về màn bắt tay trong của giám khảo và thí sinh, dù không thể phủ nhận sức nóng của startup này.
Tháng 11/2019, Luxstay bắt tay cùng “ông trùm” giải trí Sơn Tùng M-TP dưới pháp nhân M-TP Entertainment và một hợp đồng hợp tác chiến lược. Ngoài đầu tư tài chính, thương vụ này được hai bên kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh truyền thông và gây ảnh hưởng tới giới trẻ.
Trong thập kỷ thứ 3 của thế kỷ thứ 21, 5G trở thành công nghệ truyền dẫn không thể thiếu với bất cứ quốc gia nào, là dấu mốc quan trọng trong ngành viễn thông nói riêng và các ngành kinh tế khác nói chung. Tại Việt Nam, theo đánh giá của Cisco, chỉ trong vòng 5 năm, công nghệ 5G sẽ thu hút tối thiếu 6 triệu người dùng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng nên các ngành kinh tế và an sinh, từ sản xuất, vận tải, nông nghiệp, năng lượng đến y tế, giáo dục…
Mang theo kỳ vọng “với 5G, Việt Nam sẽ đi cùng thế giới”, rất nhiều doanh nghiệp công nghệ, viễn thông trong nước đã sớm khởi động cuộc đua làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị, phủ sóng viễn thông 5G, trong đó đi đầu là Viettel.
Là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công công nghệ 5G, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã sớm lắp đặt, tích hợp trạm 5G đầu tiên Việt Nam tại Hà Nội ngay từ tháng 4/2019. Sau 3 tháng triển khai, cuộc gọi 5G đầu tiên đã được thực hiện với tốc độ kết nối đạt 1,5-1,7Gbps.
Tháng 9/2019, Viettel hoàn thành tích hợp hạ tầng mạng lưới và phát sóng thử nghiệm thành công trạm 5G tại TP HCM, dự kiến sẽ sớm đưa công nghệ này vào khai thác thương mại từ năm 2020. Cùng với Viettel, MobiFone cũng triển khai thử nghiệm 5G tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.HCM. Trong khi đó, Vingroup sẽ khánh thành nhà máy sản xuất smartphone sử dụng công nghệ 5G tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2020.
DealStreetAsia trong một bản tin vào tháng 11/2019 cho biết SoftBank Vision Fund và quỹ GIC của Chính phủ Singapore đã rót tổng cộng 300 triệu USD vào VNLIFE - công ty mẹ của VNPAY. Sau khi hoàn tất thương vụ đầu tư này, VNPAY đã chính thức trở thành fintech “đình đám” nhất tại Việt Nam thời điểm hiện tại.
Được thành lập vào tháng 3/2007, VNPAY là giải pháp thanh toán cho phép khách hàng sử dụng tính năng QR Pay được tích hợp sẵn trong ứng dụng mobile banking của các ngân hàng trên điện thoại di động và quét mã VNPAY để thanh toán giao dịch.
Nền tảng này có liên kết với hơn 40 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, 5 công ty viễn thông, 20.000 đối tác doanh nghiệp, sở hữu hơn 10 triệu khách hàng cùng 23.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc, trong số đó có thể kể tới hàng loạt thương hiệu lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Mobifone, FPT, Redsun ITI, Canifa, GenViet, Eva de Eva…
Tháng 1/2019, sau hơn 1 năm thành lập và hai lần lỡ hẹn, Bamboo Airways thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP HCM đi Hà Nội, và trở thành hãng hàng không thứ 5 chính thức tham gia vào thị trường bay nội địa và quốc tế của Việt Nam.
Bamboo Airways định vị thương hiệu là hãng hàng không 5 sao nhưng lại hoạt động theo mô hình Hybrid - kết hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, kinh doanh trên ba hạng vé gồm phổ thông, phổ thông linh hoạt, thương gia. Tất cả các hạng vé đều có suất ăn nóng hoặc ăn nhẹ tuỳ theo từng hành trình và theo mùa – được xem là điểm khác biệt so với các hãng hàng không giá rẻ nội địa như Vietjet, Jetstar.
Trước và sau khi có chuyến bay đầu tiên, hãng hàng không này đã liên tiếp đàm phán và ký kết mua hàng loạt các loại máy bay hiện đại, thân rộng, với thỏa thuận dành cho cả 2 nhà cung cấp máy bay lớn nhất thế giới là Boeing và Airbus. Theo công bố, hãng hiện sở hữu 20 máy bay và sẽ sớm đạt con số 30 máy bay – mức đủ để một hãng hàng không bắt đầu có lãi vào đầu năm 2020.
Cũng theo kế hoạch này, cổ phiếu của Bamboo Airways sẽ được IPO vào năm 2020, với giá bán ban đầu dự kiến không thấp hơn 60.000 đồng. Hãng hàng không này cũng không giấu tham vọng sẽ có đường bay thẳng tới Mỹ trong thời gian tới, điều mà Vietnam Airlines cũng chưa làm được trong suốt gần một thập kỷ qua.
Năm 2019 được xem là năm vinh danh của Võ Trọng Nghĩa và các công trình mang tinh thần “Xanh” của ông trên toàn thế giới. Vào tháng 5, vượt qua hàng trăm công trình trên toàn thế giới nộp giải thưởng, 3 công trình của công ty Võ Trọng Nghĩa Architects là Bamboo Stalactite Pavilion, Breathing House, Nocenco Café đã vinh dự được nhận giải thưởng Kiến trúc xanh 2019 - một trong những giải thưởng quan trọng và lâu đời nhất trên thế giới về lĩnh vực thiết kế xanh.
Đến tháng 10, Võ Trọng Nghĩa tiếp tục đoạt “Giải vàng” cho hạng mục công trình công cộng với “Castaway Island Resort”, đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp, các công trình của ông được vinh danh ở vị trí cao nhất tại giải thưởng này. Tháng 11/2019, Dezeen Awards - Architect of the year – gọi tên Võ Trọng Nghĩa, và ông trở thành kiến trúc sư tiêu biểu trên toàn thế giớn do Dezeen - tạp chí chuyên về kiến trúc, nội thất, thiết kế hàng đầu thế giới – bình chọn.
Cùng với các giải thưởng danh tiếng, cuộc sống tu thiền của kiến trúc sư tài năng này cũng được giới truyền thông chú ý. Ông tu tập cùng vợ con trong nhiều năm tại Myanmar, thực hành giữ giới và hành thiền – điều mà ông cho rằng quan trọng hơn nhiều so với việc làm kiến trúc.