Văn bản dài 55 trang được Nhà Trắng công bố ngày 18/12 được coi như là tuyên bố chính thức của chính quyền Donald Trump, giúp điều chỉnh việc xây dựng chính sách của nước Mỹ.
Trong thông điệp này, Tổng thống Mỹ, ngoài việc nhấn mạnh việc Trung Quốc và Nga là hai đối thủ chính, còn phác họa một bức tranh rộng lớn, làm rõ hơn học thuyết “Nước Mỹ trên hết” của ông. Và vì thế, nó sẽ nhấn mạnh vào chủ quyền quốc gia và đặt ưu tiên vào các vấn đề kinh tế trong tổng thể chính sách can dự toàn cầu của nước Mỹ.
Tuy nhiên, dư luận Mỹ cũng đang băn khoăn rằng liệu hệ thống định hướng mới này có xứng đáng với khái niệm ‘chiến lược’ hay không?
Chính quyền Mỹ qua gần 1 năm vận hành được cho là vẫn chưa cho thấy các mục tiêu chiến lược của mình khi phải giải quyết những vấn đề an ninh quốc gia. Điều này được thể hiện qua cách Washington suy xét thấu đáo và cả sự nhất quán trong hành động và lời nói.
Chiến lược an ninh quốc gia mới được gọi với cái tên ‘chiến lược của chủ nghĩa hiện thực có nguyên tắc’, trong khi chính sách đối ngoại của chính quyền Trump chẳng có chút gì là hiện thực cả, đặc biệt Mỹ có khuynh hướng chia thế giới thành hai phần rạch ròi: Bạn và Thù.
Văn bản này cũng có liên quan tới khái niệm đầy tính thực tiễn là ‘cân bằng quyền lực’. Nhưng qua quan sát những hoạt động ngoại giao của Mỹ, người ta cũng chẳng thể thấy các nguyên tắc hay những lợi ích mà sự cân bằng quyền lực mang lại cho nước Mỹ.
Trước hết, chiến lược mới nói rõ “ngoại giao là công cụ thiết yếu để xác định và triển khai các giải pháp” và “chúng ta (nước Mỹ) phải nâng cấp năng lực đối ngoại của mình”.
Nhưng cùng lúc, chính quyền Mỹ đang đẩy bộ Ngoại giao vào cảnh ‘khóc dở mếu dở’ với kế hoạch cắt giảm ngân sách hoạt động. Việc thiếu nhân lực chủ chốt lý giải vì sao ngoại trưởng Rex Tillerson nhiều lúc như ‘gà mắc tóc’ khi ứng phó với các điểm nóng hay trong các vấn đề chiến lược.
Nội dung bao trùm của bản chiến lược này là làm đậm khẩu hiệu ‘Nước Mỹ trước tiên’ của Tổng thống Trump. Một phần trong đó liên quan tới vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Đây là chủ đề đã từng được cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Gary Cohn và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster nhấn mạnh trong một bài xã luận hồi đầu năm. Trong đó, hai quan chức chính quyền Mỹ giải thích ‘Nước Mỹ trước tiên không có nghĩa là Nước Mỹ đơn độc’.
Nhưng thực tế lại đang chứng minh điều ngược lại. Trong 11 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, nước Mỹ của tổng thống Donald Trump đã tự cô lập chính mình nhanh hơn bất kỳ chính quyền tiền nhiệm nào.
Phần nhiều sự ‘xuống cấp’ này bắt nguồn từ sự cố chấp của ông Trump muốn đảo chiều tất cả các quyết định của cựu tổng thống Barack Obama, bất kể chính sách đó là gì. Mỹ là nước duy nhất trên hành tinh chối bỏ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu- nỗ lực để cứu thế giới này.
Hai quốc gia từng trì hoãn tham gia: Syria của Tổng thống Bashar al-Assad và Nicaragua giờ cũng đã ký thỏa thuận này. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không thể ngăn được 11 thành viên còn lại tiếp tục triển khai thỏa thuận mà không có Mỹ.
Giờ thì Mỹ đang chứng kiến cơ hội vàng được trao cho Trung Quốc. Việc tổng thống Trump liên tục phê phán Thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng là một điểm trừ. Dọa dẫm rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung (tên chính thức của thỏa thuận này) khiến Mỹ, chứ không phải Iran mới là bên bị cô lập với 6 quốc gia còn lại tham gia đàm phán.
Nước Mỹ tiếp tục thể hiện sự ‘khác người’ khi tuần rồi, Tổng thống Trump dọa sẽ cắt viện trợ với bất cứ quốc gia nào bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc phản đối việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Do Thái thực ra đang đi ngược lại ý tưởng ‘Nước Mỹ trước tiên’. Nó đưa chính sách của Mỹ theo hướng ‘chiều chuộng’ một chính thể nước ngoài hơn là theo đuổi lợi ích của chính Mỹ.
Mục đích ở đây là làm vừa lòng Chính phủ cánh hữu của Israel, một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử chính trị Mỹ, trong khi nước Mỹ bị lên án và tẩy chay trên khắp thế giới.
Chiến lược an ninh quốc gia mới, cùng với những phát ngôn của tổng thống Trump tiếp tục khẳng định ‘Nước Mỹ trước tiên’ có nghĩa phải thúc đẩy sức mạnh của Mỹ ngay ở quê nhà. Nhưng, cho tới thời điểm này, khoảng cách giữa chính sách và tuyên bố là mênh mông.
Dự luật Cải cách Thuế vừa được Quốc hội thông qua tiếp tục làm chia rẽ thêm nước Mỹ với việc làm lợi cho các tập đoàn lớn và giới giàu có, trong khi không quan tâm đến thành phần trung lưu, thu nhập thấp, người già. Tác động của nó lên số phận của số đông sẽ tạo thêm khó khăn cả về kinh tế và chính trị cho mục tiêu ‘đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại’, ví dụ như cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân, hay xây dựng lại hạ tầng xuống cấp ở Mỹ.
Cuối cùng, điều làm nên nước Mỹ hùng cường với thế giới chính là sức mạnh và sự đoàn kết của nền dân chủ Mỹ, giờ cũng đang suy sụp với những cáo buộc gian lận, mua chuộc phiếu bầu năm ngoái; hay những nghi ngờ rằng sự vươn lên của ông Trump trong cuộc bầu cử năm ngoái là nhờ Nga can thiệp.
Tổng thống Trump, thay vì dẫn đầu các nỗ lực làm rõ nghi vấn này nhằm đảm bảo cho tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và nền chính trị Mỹ, lại cố bác bỏ toàn bộ vấn đề. Điều này chỉ càng đẩy nền chính trị Mỹ vào tình thế rối loạn và bất định.
Sự mâu thuẫn giữa ngôn từ trên văn bản với thực tế đang là vấn đề của bản chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ./.