Tuyên bố của Tổng thống Sudan nêu rõ: "Tổng thống của nước Cộng hòa Sudan kêu gọi các nhà lãnh đạo và người dân châu Phi hiện vẫn đang là thành viên của ICC có một quyết định tập thể trong việc rút khỏi tòa án này".
Hành động trên chính là nhằm thực hiện một nghị quyết được đưa ra tại hội nghị của Liên minh châu Phi (AU) mới đây ở Kigali (Rwanda), trong đó mô tả ICC như là một công cụ thực dân mới nhằm vào châu Phi và các nhà lãnh đạo của châu lục này.
Tuyên bố trên của Tổng thống Sudan được đưa ra sau khi chính phủ Nam Phi hôm 21/10 vừa qua đã chính thức gửi đơn lên Liên hợp quốc về việc rút khỏi ICC sau những tranh cãi liên quan đến chuyến thăm của chính ông Al-Bashir tới Nam Phi hồi tháng 6/2015.
Nếu không có gì thay đổi, Nam Phi sẽ là quốc gia đầu tiên chính thức rời khỏi ICC và cộng đồng quốc tế đang lo ngại nhiều quốc gia khác ở châu Phi sẽ "noi gương" Pretoria rời bỏ Tòa án quốc tế này.
Ngày 24/10, truyền thông Nam Phi đưa tin, Chủ tịch Hội đồng các quốc gia thành viên Quy chế Rome của ICC Sidiki Kaba cho biết ông lấy làm tiếc về quyết định rút khỏi ICC của chính phủ Nam Phi, đồng thời kêu gọi nước này cân nhắc lại.
Ông Kaba cho rằng động thái này của Nam Phi có thể sẽ mở đường cho các nước châu Phi khác thực hiện việc rút khỏi Quy chế Rome.
Ông Kaba nói: "Mặc dù việc rút khỏi một hiệp ước là hành động có tính chủ quyền, nhưng tôi lấy làm tiếc với những quyết định như trên và đề nghị Nam Phi cùng với Burundi xem xét lại quan điểm của họ.
Tôi đề nghị họ cùng phối hợp với các quốc gia khác trong việc chống lại sự không bị trừng phạt, điều thường gây ra những vi phạm lớn về nhân quyền."
Ngoài ra, ông Kaba cũng bày tỏ quan ngại rằng việc rút khỏi ICC của Nam Phi sẽ làm suy yếu tòa án hình sự quốc tế thường trực duy nhất chịu trách nhiệm truy tố "những tội phạm nghiêm trọng nhất gây ra cơn sốc lương tâm của nhân loại."
Ông Kaba kêu gọi các quốc gia thành viên hiện tại của ICC tiếp tục đóng vai trò tích cực, đồng thời hối thúc những nước chưa phải là thành viên sớm phê chuẩn Quy chế Rome./.