Tổng thống Philippines tiến thoái lưỡng nan sau phán quyết Biển Đông

V.A |

Vừa chính thức nhậm chức, tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đối mặt với những thách thức khó khăn nhất trong chính sách ngoại giao, nhất là sau khi Tòa trọng tài thường trực ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào ngày mai 12.7.

Dù muốn hay không, ông Duterte sẽ phải đối mặt với thực tế rằng Philippines đã bị đẩy vào một trong những điểm nóng nhất về địa chính trị, đó là tranh chấp ở Biển Đông.

Trong những tháng qua, cả Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành tập trận hải quân lớn trong khu vực, một hành động phô diễn lực lượng không thể nhầm lẫn được nhằm "dằn mặt" nhau.

Khi Tòa trọng tài ra phán quyết, thách thức càng lớn hơn với tân Tổng thống Duterte trong việc giải quyết mâu thuẫn với người láng giềng khổng lồ Châu Á, nước liên tục bác bỏ và chỉ trích vụ kiện, gọi đó là "sai lầm ngu ngốc và khiêu khích".

Ông Duterte, người tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và có ý định theo đuổi cách thức "hạ cánh mềm" với Trung Quốc, đang phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước, mà còn là số phận của toàn bộ cấu trúc an ninh của cả khu vực.

Hầu hết các chuyên gia hàng hải cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài sẽ bất lợi cho Trung Quốc, nhưng không ai biết chắc mức độ bất lợi sẽ thế nào.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch rầm rộ bôi nhọ và chỉ trích tính bất hợp pháp của quá trình tố tụng.

Giả sử phán quyết có lợi cho Philippines, Tổng thống Duterte có lựa chọn ban hành một tuyên bố mạnh mẽ, kêu gọi tuân thủ và gây áp lực ngoại giao tối đa để Trung Quốc tôn trọng phán quyết.

Cùng với phán quyết thực tế, các cường quốc như Mỹ, Nhật Bản và các nước khác trong khu vực Thái Bình Dương sẽ có bằng chứng hoàn hảo nhất để tích cực hơn trong các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, áp sát các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng.

Như vậy, ý nghĩa chiến thuật của ông Duterte rất rõ ràng.

Lựa chọn thứ hai, ông Duterte có thể sử dụng Tòa trọng tài để thăm dò một tạm ước mới với Trung Quốc.

Để đổi lấy việc không ra tuyên bố với ngôn từ mạnh mẽ - động thái chắc chắn làm Mỹ và đồng minh ghẻ lạnh - Manila có thể tìm kiếm sự nhượng bộ nhất định từ Bắc Kinh.

Đổi lại, Trung Quốc có thể sẽ đồng ý cho ngư dân Philippines tiếp cận rộng hơn tới các cấu trúc và vùng biển mà Trung Quốc đang kiểm soát.

Tất nhiên, cũng có khả năng phán quyết sẽ có ngôn từ mơ hồ về mặt pháp lý, cho phép cả hai bên "giữ thể diện" và "hạ cánh mềm" trong kịch bản hậu phán quyết.

Tuy nhiên, điều rõ ràng là chính sách đối ngoại của ông Duterte sẽ được thử thách rất nhiều trong thời gian tới, khi cả thế giới quan sát kỹ những động thái tiếp theo của Tổng thống Philippines sau phán quyết của Tòa trọng tài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại