Tổng thống Pháp không thay đổi lập trường đưa quân tới điểm nóng

Hoàng Vân |

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 14/3/2024 nhắc lại quan điểm của mình rằng, không nên loại trừ khả năng đưa quân phương Tây vào Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia Pháp TF1 và France 2 hôm 14/3/2024, khi được hỏi về triển vọng gửi quân phương Tây tới Ukraine, điều mà ông đã công khai nêu ra vào tháng trước trong những bình luận khiến các nhà lãnh đạo châu Âu khác phản đối, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói:

“Ngày nay chúng ta không ở trong tình trạng đó, nhưng tất cả những lựa chọn này đều có thể thực hiện được”.

Tổng thống Macron - Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Pháp, từ chối mô tả trong trường hợp nào Pháp sẽ sẵn sàng gửi quân.

“Trách nhiệm thúc đẩy một động thái như vậy sẽ thuộc về Moscow. Đó sẽ không phải là chúng tôi. Pháp sẽ không bao giờ khởi xướng một cuộc tấn công nhằm vào Nga, và Paris cũng không ở trong một cuộc chiến với Moscow, bất chấp việc Nga đã chống lại các lợi ích của Pháp", ông Macron nói.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng cảnh báo các cường quốc phương Tây: "Nếu xung đột lan rộng ra châu Âu, Nga sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu chúng ta quyết định yếu đuối, nếu hôm nay chúng ta quyết định không đáp trả thì đó là lựa chọn thất bại. Và tôi không muốn điều đó", ông nói.

Ông Macron cho biết, ông sẽ nỗ lực mang lại sự hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine tại cuộc họp dự kiến vào ngày 16/3/2024 với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ở Berlin.

Cuộc phỏng vấn trên truyền hình với Tổng thống Macron diễn ra sau khi Quốc hội Pháp gần đây đã tham gia vào các cuộc tranh luận về chiến lược của nước này ở Ukraine, đỉnh điểm là các cuộc bỏ phiếu mang tính biểu tượng phê chuẩn thỏa thuận an ninh song phương 10 năm giữa Pháp và Ukraine.

Đảng đối lập chính ở Pháp - đảng cực hữu của bà Marine Le Pen hồi đầu tuần đã bỏ phiếu trắng tại Quốc hội trong cuộc bỏ phiếu về một hiệp ước an ninh mà Pháp đã ký với Ukraine.

Trong khi đó, đảng cánh tả Nước Pháp không cúi đầu đã bỏ phiếu phản đối hiệp ước này.

Tháng trước, Tổng thống Pháp dường như bị cô lập trên trường châu Âu sau khi phát biểu của ông tại một hội nghị ở Paris về Ukraine đã khiến các nhà lãnh đạo khác phản đối kịch liệt.

Đặc biệt, Thủ tướng Đức Scholz dường như mâu thuẫn với ông Macron khi nói rằng, những người tham gia đã đồng ý rằng, sẽ "không có lực lượng mặt đất" trên đất Ukraine do các quốc gia châu Âu gửi đến.

Sau tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Pháp, Nga cảnh báo nếu phương Tây đưa quân vào Ukraine, đó sẽ bị coi là một lời tuyên chiến với Nga, và có thể kéo theo một cuộc xung đột hạt nhân.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, Nga "không còn giới hạn đỏ nào" trong các phản ứng với Pháp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại