Đức sẽ là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du 6 ngày của Tổng thống Obama với mục tiêu củng cố quan hệ với các đối tác của Mỹ nhằm thúc đẩy thương mại, cũng như đẩy lùi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Syria.
Dù đang bước vào những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của mình, ông Obama đã ở lại London ba ngày và kêu gọi người dân Anh ủng hộ việc nước này tiếp tục là thành viên của Liên minh Châu Âu trước thềm một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 6 tới về việc tách khỏi EU hay không.
Vào đầu tuần này, ông Obama đã gặp gỡ với lãnh đạo các nước vùng Vịnh ở thủ đô Riyadh (Ả Rập Xê út) nhằm xóa bỏ những nghi ngại rằng Washington đã không còn cam kết hỗ trợ an ninh các quốc gia trên nữa.
Nhiều khả năng tại Hannover, ông sẽ phát biểu tại một hội nghị thương mại công nghiệp lớn cùng với bà Merkel.
Lãnh đạo hai nước hiện đang muốn khởi động Hiệp định Thương mại Tự do Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và EU, nếu được ký kết hiệp định này sẽ thúc đẩy nền kinh tế hai bên lên thêm 100 tỉ USD.
Tuy nhiên nhiều người châu Âu và Mỹ đang lo ngại thỏa thuận này có thể khiến họ mất việc làm và ảnh hưởng đến mức sống của họ.
Ông Obama và bà Merkel cũng đang cố gắng thống nhất các điều khoản trong thỏa thuận này trước khi Tổng thống Mỹ rời nhiệm sở vào ngày 20/1 năm tới.
Việc giành được sự chấp thuận từ Quốc hội Mỹ, nay có rất nhiều thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, đối với TTIP sẽ rất khó khăn.
Ngay cả với hiệp định thương mại TPP, mặc dù đã được nhiều nước trên thế giới ký kết, song ông Obama vẫn không nhận được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia Mỹ đối với hiệp định này.
“Việc thống nhất thỏa thuận thương mại thường rất khó khăn, bởi mỗi quốc gia có lợi ích riêng của mình. Và để nó được tồn tại, mỗi quốc gia phải hy sinh một phần lợi ích”, ông Obama phát biểu tại London ngày 23/4.
Tại thành phố Hannover, hàng ngàn người biểu tình đã giương cao những biểu ngữ có nội dung như “Nói không với TTIP” và đã tuần hành trên nhiều tuyến phố để bày tỏ sự phản đối của mình đối với thỏa thuận thương mại trên.
Trước khi ông Obama trở về Washington vào ngày 25/4, ông và bà Merkel sẽ cùng Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi gặp mặt để bàn về việc chia sẻ thông tin tình báo sau những vụ khủng bố tại Pháp và Bỉ xảy ra vừa qua.
Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức cũng sẽ bàn về giải pháp chính trị cần thiết để giải quyết vấn đề xung đột tại Syria. Hàng trăm ngàn người đã rời khỏi quốc gia này và chạy sang châu Âu, khiến nhiều nước gặp khó khăn.