Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại vùng Viễn Đông nước Nga, Tổng thống Putin nêu rõ: "Chúng tôi muốn và sẵn sàng khôi phục quan hệ đầy đủ với Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không thể đơn phương thực hiện điều đó".
Theo nhà lãnh đạo Nga, chiến thắng của ông Zelensky trước Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko cho thấy các chính sách của ông Poroshenko "hoàn toàn thất bại" và nhà lãnh đạo mới của Ukraine cần hiểu rõ điều này. Tổng thống Putin khẳng định Moskva sẽ hợp tác với tân Tổng thống Ukraine nếu ông Zelensky thực thi một hiệp ước hòa bình quốc tế về Đông Ukraine.
Liên quan tới một sắc lệnh nhằm đơn giản hóa thủ tục xin cấp hộ chiếu Nga cho cư dân sinh sống ở Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định không có điều gì sai trái và quyết định này không khác với những gì mà một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang làm. Ông lấy ví dụ như Ba Lan, Romania và Hungary cũng đã cấp hộ chiếu cho công dân của mình ở nước ngoài. Do đó, ông cho rằng đây là thực tế bình thường và lấy làm ngạc nhiên khi Kiev lại phản đối mạnh mẽ quyết định này của Nga.
Trước đó một ngày, Tổng thống Putin đã ký một sắc lệnh nhằm đơn giản hóa thủ tục xin cấp hộ chiếu Nga cho cư dân sinh sống ở Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk, tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine. Theo đó, những người dân sống ở khu vực này giờ đây sẽ có thể nhận được hộ chiếu Nga trong vòng 3 tháng kể từ khi nộp đơn xin thị thực.
Kiev ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Nga khi cho rằng đây là hành động can thiệp công việc nội bộ của Ukraine. Tổng thống đắc cử Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã hối thúc có thêm các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga sau động thái của Moskva. Trong khi đó, Đức và Pháp cũng bày tỏ phản đối quyết định trên của Moskva, cho rằng động thái này ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thỏa thuận hòa bình Minsk.
Về phần mình, Tổng thống Putin tuyên bố không thể chấp nhận việc cư dân sinh sống ở Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk tại khu vực Donbass không có bất kỳ quyền lợi gì, song khẳng định Moskva không muốn "kiếm chuyện" với ban lãnh đạo mới của Ukraine.
Trong những năm qua, các bên liên quan cuộc xung đột ở vùng Donbass đã ký các thỏa thuận hòa bình Minsk hướng tới việc ngừng bắn tại khu vực này. Với tư cách là thành viên nhóm Bộ Tứ Normandy, Đức, Pháp, Nga và Ukraine đã tham gia hỗ trợ tiến trình thương lượng thực thi lệnh ngừng bắn ở Donbass.
Tuy nhiên, quân đội chính phủ và các tay súng tại khu vực này liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Theo thống kê, kể từ khi xung đột bùng phát ở miền Đông Ukraine hồi tháng 4/2014 đến nay, hơn 10.000 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Link gốc bài viết tại đây.