"Nếu quân đội Ba Lan tiến vào lãnh thổ Ukraine để bảo vệ biên giới Ukraine - Belarus hoặc để thế chỗ các đơn vị hậu phương của Ukraine, thì tôi nghĩ rằng lực lượng Ba Lan sẽ không bao giờ rời đi", ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Dmitry Kiselyov.
Tổng thống Nga tin rằng các quan chức Ba Lan "đang ngủ mơ" khi nghĩ rằng sẽ được trả lại “những vùng đất mà họ coi là của mình về mặt lịch sử" ở Ukraine. “Họ chắc chắn muốn lấy lại. Vì vậy, nếu các đơn vị chính thức của Ba Lan tiến vào đó, họ khó có thể rời đi”, ông nhắc lại.
Về vũ khí hạt nhân
Tổng thống Putin cho biết nếu Mỹ tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, Nga có thể xem xét làm điều tương tự.
Trả lời câu hỏi về vũ khí hạt nhân chiến thuật, ông Putin nhấn mạnh vũ khí hủy diệt hàng loạt chưa bao giờ được Nga sử dụng ở Ukraine.
“Vũ khí tồn tại là để sử dụng. Chúng tôi có những nguyên tắc riêng của mình và chúng nêu rõ rằng chúng tôi sẵn sàng sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào, kể cả những loại bạn đã đề cập, trong trường hợp có mối đe dọa đối với chủ quyền và độc lập của chúng tôi. Mọi thứ đều được viết trong tài liệu chiến lược của chúng tôi, chúng tôi chưa thay đổi nó", ông Putin nói.
Tháng 6/2020, Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh về chính sách răn đe hạt nhân của Nga. Tài liệu quy định việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một số trường hợp, bao gồm cả khi sự tồn tại của nước Nga bị đe dọa.
Được phóng viên hỏi liệu Nga đã thực sự sẵn sàng cho một cuộc xung đột hạt nhân hay chưa, ông Putin nói: "Từ quan điểm kỹ thuật quân sự, tất nhiên chúng tôi đã sẵn sàng".
Lãnh đạo Nga cho biết Mỹ hiểu rằng nếu triển khai quân đội Mỹ trên lãnh thổ Nga hoặc tới Ukraine, thì Nga sẽ coi hành động này là một sự can thiệp.
Xung đột ở Ukraine đã gây ra bất đồng sâu sắc nhất trong quan hệ của Nga với phương Tây kể từ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 và Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo rằng phương Tây có nguy cơ kích động một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu gửi quân tới Ukraine.
Nga và Mỹ cho đến nay là những cường quốc hạt nhân lớn nhất, kiểm soát hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới.
Tổng thống Putin cũng tuyên bố Nga sẵn sàng đàm phán về Ukraine, nhưng các cuộc đàm phán này phải dựa trên thực tế.
Ông nói thêm rằng nếu Mỹ tiến hành các vụ thử hạt nhân, Nga cũng có thể làm điều tương tự.
"Điều đó là không cần thiết... chúng tôi vẫn cần phải suy nghĩ về điều đó, nhưng tôi không loại trừ khả năng chúng tôi có thể làm điều tương tự".