Cách đây vừa đúng 73 năm, ngày 6-8-1945, quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã được người Mỹ ném xuống Hiroshima, Nhật Bản, mở đầu cho kỷ nguyên hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân.
Trong tất cả các biên niên sử, không một nhân vật nào liên quan đến quả bom này nhiều hơn Tổng thống Mỹ Harry lúc ấy đang trên chiến hạm USS Augusta trở về từ Hội nghị Postdam. Khi nghe tin quả bom đã được thả, ông Truman nói: “Đây là điều vĩ đại nhất trong lịch sử …”.
Những giây phút trước giờ hủy diệt
8 giờ 30 phút tối ngày 4-8-1945, trên chiến hạm USS Augusta, bộ tham mưu của Tổng thống Truman tụ họp trong cabine của Ngoại trưởng James F. Byrnes để xem bộ phim “Wonder man”, nội dung nói về người chủ của một câu lạc bộ đêm (nighit club) bị một nhóm côn đồ sát hại, và hồn ma của ông ta hiện về để báo thù.
Tuy nhiên, Tổng thống Truman không xem bộ phim ấy, mà ông ở trong phòng riêng, suy nghĩ về một vụ nổ sẽ sớm làm thay đổi thế giới. Trong nhật ký, Truman viết: “Mục tiêu là lính Nhật chứ không phải là phụ nữ và trẻ em” mặc dù ông hiểu rằng quả bom khi nổ, nó không phân biệt đâu là lính và đâu là dân thường.
Trước đó, từ những ngày đầu tháng 7, các thành phố trên đất Nhật như Mito, Fukuyama, Otsu và Tokyo liên tục hứng chịu những đợt oanh kích dữ dội của 900 pháo đài bay B29, Mỹ, với 6.632 tấn bom.
Thiếu Tướng Curtis LeMay, Tư lệnh Không đoàn ném bom chiến lược số 21 đã gọi đó là “cuộc khiêu vũ trên không lớn nhất thế giới”. Những cuộc ném bom kéo dài cho đến đầu tháng 8 và không hề có dấu hiệu nào chứng tỏ nó sẽ dừng lại.
Ngày 16-7, Tổng thống Truman lên đường đi dự Hội nghị Postdam, tổ chức tại thành phố Postdam, Đức. Lúc này nước Đức Quốc xã đã đầu hàng và hội nghị với sự tham dự của “3 ông lớn” Winston Churchill, Thủ tướng Anh, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Joseph Stalin và Truman, Tổng thống Mỹ để bàn về việc phân chia các vùng lãnh thổ.
Thời điểm ấy, ông Truman đã biết việc quân đội Mỹ đang tiến hành chế tạo một quả bom hạt nhân, gọi là “Dự án Manhattan” nhưng ông không được cập nhật chi tiết.
Có lúc, theo ý kiến của ông Truman, Phòng tác chiến trên tàu USS Augusta đã hỏi Nhà Trắng về vụ việc này nhưng Nhà Trắng trả lời rằng họ không có bất kỳ một thông tin nào về dự án Manhattan.
Về sau, các sử gia tiết lộ sở dĩ quân đội Mỹ bí mật với ngay cả tổng thống của họ bởi họ sợ rằng tại Hội nghị Postdam, chỉ cần một câu nói hớ hênh của ông Truman thì sức mạnh răn đe bằng bom nguyên tử của nước Mỹ với người Nga sẽ mất giá trị.
Hội nghị Postdam kết thúc, ngày 2-8, chiến hạm USS Augusta khởi hành vượt Đại Tây Dương, trở về Mỹ. Và trong khi con tàu chở vị tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Mỹ vẫn đang lênh đênh trên biển thì ngày 5-8, tại Bộ Chỉ huy Không đoàn ném bom chiến lược số 21, tướng LeMay tiếp một đặc phái viên của Bộ Chiến tranh Mỹ.
Trong buổi tiếp, đặc phái viên đã tóm tắt cho tướng LeMay biết về kế hoạch ném bom nguyên tử xuống đất Nhật sẽ diễn ra vào ngày hôm sau, 6-8-1945, mục tiêu dự kiến là 1 trong 3 thành phố Hiroshima, Kokura và Nagasaki tùy vào tình hình thời tiết.
Trong hồi ký, LeMay viết: “Tôi không được biết nhiều về chuyện này và dĩ nhiên là tôi cũng không hỏi vì nó quá bí mật. Đặc phái viên chỉ nói với tôi rằng Hiroshima là “một thành phố quân đội với những kho hàng lớn chứa đầy thiết bị quân sự.
Các nguồn tin tình báo cũng cho biết Hiroshima không có trại tù binh chiến tranh nên có thể tương đối chắc chắn rằng máy bay của chúng tôi sẽ không đánh bom vào người của mình…”.
Hỏa thần thức giấc
Xế trưa ngày 5-8, trên đảo Tinian, các kỹ thuật viên quân đội đẩy quả bom nguyên tử - được đặt tên là “Little Boy” ra khỏi nhà kho. Hàng chục phi công đứng xung quanh, nhìn nó với vẻ mặt lo lắng vì họ chưa từng bao giờ thả một loại vũ khí nào có hình dạng như quả trứng bọc thép với cánh đuôi dẫn đường rất lạ, chẳng khác gì cái quạt thông gió.
Phi hành đoàn của chiếc B-29 đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima
2 tuần trước đó, một nguyên mẫu của Little Boy đã thử nghiệm thành công ở sa mạc Mexico nhưng không ai dám chắc rằng bản sao của nó cũng sẽ thành công khi ném xuống Hiroshima. Paul W. Tibbets, phi công lái chiếc máy bay B29 – người đã ném Little Boy xuống Hiroshima kể:
“Tôi chỉ nghe nói sức công phá của nó là sự gộp lại của hàng nghìn quả bom hạng nặng mà chúng tôi đã thả xuống đất Nhật. Lạy Chúa, làm sao có thể tưởng tượng hàng nghìn quả bom nổ cùng một lúc sẽ như thế nào…”.
Chiều 5-8, khoang chứa bom ở bụng chiếc B29 mở ra. Little Boy được đưa lên bằng thang máy thủy lực. Theo kế hoạch, sẽ có 7 chiếc B-29 tham gia sứ mệnh đặc biệt bí mật này, gồm 3 chiếc quan sát thời tiết, 1 chiếc đo lường vụ nổ, 1 quay phim, 1 dự phòng và chiếc cuối cùng được đặt cho mật danh “Enola Gay” sẽ là chiếc thả bom.
Đến nửa đêm, tất cả phi hành đoàn của 7 chiếc B-29 họp lần cuối cùng. Mục tiêu của họ là 1 trong 3 thành phố Hiroshima, Kokura và Nagasaki tùy theo thời tiết. Phi công Paul W. Tibbets nói: “Chúng tôi được phát mỗi người một cặp kính đen để bảo vệ đôi mắt khi bom nổ. Các kỹ thuật viên nói rằng nó chỉ giống như mặt trời lúc mới mọc, chẳng có gì phải bận tâm”.
Lúc này, trên chiến hạm USS Augusta cách đảo Tinian hàng nghìn kilômét, Tổng thống Truman cùng bộ tham mưu của ông dự một thánh lễ, tổ chức trong phòng ăn của tàu vì theo múi giờ, nó mới chỉ là chiều chủ nhật, ngày 5-8. Sau bữa ăn chiều, ông Truman lên boong tàu, ngồi nghe ban nhạc của tàu chơi những bản hòa tấu.
Quả bom nguyên tử Little Boy lúc chuẩn bị đưa lên máy bay B-29.
Đến 9 giờ, Phòng tác chiến đưa cho ông một bức điện. Đọc xong, ông viết vào đó 2 chữ “đồng ý” mà không hề nghĩ rằng chỉ vài tiếng nữa, thành phố Hiroshima sẽ bị xóa sổ khỏi hành tinh
2 giờ 27 phút sáng ngày 6-8 trên đảo Tinian, phi công Tibbets khởi động 4 động cơ của chiếc B-29 Enola Gay. 2 giờ 45 phút, 7 chiếc B-29 lần lượt cất mình rời khỏi mặt đất. 7 giờ 30 phút sáng, lúc Tổng thống Truman đang ngồi nghe nhạc thì William Sterling Parsons, chuyên gia về bom trèo xuống khoang chứa quả Littele Boy, rút chiếc phích cắm màu xanh lá cây và thay thế bằng cái màu đỏ.
Quả bom đã được tháo chốt an toàn. Bầu trời trong xanh, có rất ít mây nên phi công Tibbets sau khi xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Manhattan, đã quyết định Hiroshoma sẽ là mục tiêu.
Lúc này là 8 giờ tối trên chiến hạm USS Augusta, buổi chiếu phim bắt đầu với bộ phim “The thin man goes home” nhưng một lần nữa Tổng thống Truman lại không tham dự. Ông ngồi trong phòng riêng, cửa đóng kín, chẳng ai biết lúc ấy ông làm gì, nghĩ gì.
Khi phim chiếu được vài phút thì trên bầu trời Hiroshima, phi công Tibbets nhấn nút thả bom: “Tôi đeo cặp kính đen lên mắt nhưng nó tối thui nên tôi tháo ra, ném nó xuống sàn máy bay.
Giây lát, một ánh sáng rực rỡ lóe lên, thân máy bay rung bần bật vì sóng xung kích phát ra từ vụ nổ. Khi cho máy bay quay đầu, tôi cúi nhìn xuống. Hiroshima bị che lấp bởi một đám mây hình nấm cuồn cuộn sôi lên”.
Hơn 200 nghìn người thiệt mạng
Sáng ngày 6-8, lúc Tổng thống Truman đang dùng bữa điểm tâm trên tàu USS Augusta thì một sĩ quan ở Phòng tác chiến đến trước mặt ông, đưa cho ông một tin điện: “Hiroshima đã bị ném bom. Đội bay không thiệt hại. Kết quả thành công. Hiệu ứng hiển thị lớn hơn bất kỳ thử nghiệm nào”.
Đọc xong tin điện, ông Truman đứng lên, bắt tay viên sĩ quan. Ông nói: “Đây là điều vĩ đại nhất trong lịch sử. Hãy đưa tin điện này cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao”. Theo thuyền trưởng Graham, sau khi ông Byrnes, Bộ trưởng Ngoại giao đọc xong, Bymes chỉ thốt lên hai từ: “Tốt! Khỏe!".
Ảnh chụp vụ nổ từ máy bay B29 trên bầu trời Hiroshima.
Vài phút sau, thuyền trưởng Graham quay lại với một tin điện khác, được gửi bởi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Henry Stimson ở Washington. Tổng thống Truman đọc: “Quả bom lớn của chúng ta đã rơi xuống Hiroshima lúc 7 giờ 15 phút chiều ngày 5-6, giờ Washington.
Các báo cáo đầu tiên cho thấy nó đã thành công hoàn toàn, thậm chí còn thành công hơn lần nổ kiểm tra trước đó”. Cầm hai tin điện trong tay, Tổng thống Truman quay sang Bộ trưởng Ngoại giao Byrnes, nói lớn: “Đã đến lúc chúng ta về nhà rồi!”.
Vài phút sau đó, cả chiến hạm USS Augusta bùng nổ những tiếng vỗ tay, những tiếng hò la phấn khích khi Tổng thống Truman nói: “Chúng tôi vừa ném một quả bom xuống nước Nhật với sức mạnh hơn 20.000 tấn TNT. Đó là một thành công to lớn”, và khi ông Truman chưa dứt lời, nhiều thủy thủ đã nhảy lên hét lớn: “Chúng ta sẽ về nhà sớm thôi”.
Tại Washington, trợ lý báo chí Nhà Trắng là Eben Ayers mời các phóng viên đến Phòng Thông tin để thông báo về vụ ném bom: “16 tiếng đồng hồ trước, máy bay Mỹ đã thả một quả bom xuống Hiroshima, một căn cứ quân sự quan trọng của Nhật Bản.
Quả bom đó có sức mạnh hơn 20.000 tấn TNT, là quả bom lớn nhất chưa từng được sử dụng trong lịch sử chiến tranh. Nó là bom nguyên tử, giải phóng năng lượng nguyên tử. Đây là lần đầu tiên nó được thực hiện”.
Hai tiếng sau đó, hàng chục triệu gia đình Mỹ tụ tập quanh chiếc radio để nghe tuyên bố của Tổng thống Truman, phát đi từ chiến hạm USS Augusta.
Ông Truman nói: “Chúng tôi đã khai thác thành công sức mạnh cơ bản của vũ trụ. Chúng tôi đang chuẩn bị để xóa sạch hơn, nhanh hơn và xóa hoàn toàn mọi nhà máy, xí nghiệp quân sự của người Nhật ở bất kỳ thành phố nào.
Chúng tôi sẽ phá hủy bến tàu, sân bay, mạng lưới thông tin liên lạc của họ, phá hủy hoàn toàn sức mạnh chiến tranh họ. Nếu họ không lập tức chấp nhận các điều khoản đầu hàng của chúng tôi, họ sẽ lại hứng chịu những trận mưa lửa từ trên không, những thứ chưa bao giờ được nhìn thấy trên trái đất này”.
Cũng trên tàu USS Augusta, Tổng thống Truman tổ chức một cuộc họp báo với các phóng viên đi theo ông để đưa tin về Hội nghị Postdam. Ông nói: “Người Nhật đã bắt đầu cuộc chiến với chúng ta từ trên không trong trận Trân Châu Cảng thì bây giờ, họ đang được hoàn trả cũng từ trên không, nhưng là hoàn trả gấp nhiều lần”.
Các phóng viên ngơ ngác nhìn nhau. Họ chưa bao giờ được nghe về thứ vũ khí có sức công phá lớn như vậy. Một phóng viên của tờ Washington Post giơ hai tay lên trời: “Cái quái quỷ gì đây?”
Ngay sau buổi họp báo, báo chí Mỹ lập tức lao vào cuộc chạy đua săn lùng thông tin về vụ ném bom từ các đài phát thanh Nhật Bản. Vài giờ sau đó, các báo đồng loạt chạy tít trên trang nhất, nói về những thiệt hại mà người Nhật phải gánh chịu. 90 nghìn người chết ngay tại chỗ, 20 nghìn chết trong những ngày sau đó. Đến tháng 12, lại có thêm 30 nghìn người chết vì hậu quả của phóng xạ.
Ngày 9-8, quả bom nguyên tử thứ 2 được người Mỹ ném xuống Nagasaki. Tổng số người chết ở cả 2 thành phố này là hơn 200 nghìn. Ngày 15-8, Đế quốc Nhật đầu hàng vô điều kiện.
Cả nước Mỹ hò reo sung sướng nhưng phải mất nhiều năm sau nữa, khi phóng xạ từ 2 quả bom phát huy sức tàn phá kinh hoàng của nó, người Mỹ mới bắt đầu có những giọt nước mắt rơi xuống muộn màng…