Tổng thống Macron từ chối chỉ định Thủ tướng - Pháp lún sâu vào bế tắc chính trị

Mạnh Hà/VOV-Paris |

Sau 2 ngày đàm phán với các lãnh đạo đảng và Quốc hội để phá vỡ bế tắc trong việc thành lập chính phủ sau bầu cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định không chỉ định Thủ tướng theo đề xuất của liên minh cánh tả Mặt trận bình dân mới (NFP).

Quyết định của ông Macron đã vấp phải sự giận dữ của các đảng trong Quốc hội, thậm chí khiến ông bị đe dọa luận tội. Theo lý giải của Tổng thống Emmanuel, ông ưu tiên xây dựng một “Mặt trận Cộng hòa” với một gương mặt dẫn dắt đủ uy tín nhằm đảm bảo sự ổn định của thể chế trong việc thúc đẩy các vấn đề cấp bách sắp tới cũng như khẳng định vị trí và vai trò của Pháp trên trường quốc tế. Nhưng theo đánh giá của giới phân tích, đây là mục tiêu không dễ dàng khi Quốc hội Pháp đang bị chia rẽ sâu sắc với 3 khối nắm giữ số ghế gần như bằng nhau là cánh tả, trung dung và cực hữu.

Tổng thống Macron từ chối chỉ định Thủ tướng theo đề xuất của NFP - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặc biệt nhấn mạnh ưu tiên “sự ổn định thể chế” và chủ trương xây dựng một “Mặt trận cộng hoà”. Ảnh Libération

Đằng sau quyết định của Tổng thống Macron

Sau những cuộc tham vấn mà chính Tổng thống Pháp Emmunuel Macron đánh giá là “công bằng, chân thành và hữu ích”, nhưng cuối cùng ông Macron lại quyết định không chỉ định Thủ tướng theo đề xuất của liên minh cánh tả.

Lý do không chỉ định Thủ tướng đến từ liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP) đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giải thích ngay sau khi vòng tham vấn chính trị đầu tiên kết thúc (ngày 26/8). Tổng thống Pháp đã đặc biệt nhấn mạnh đến mạnh đến sự “ổn định thể chế”, ổn định chính trị và cho rằng một chính phủ đơn thuần cánh tả mà không liên minh với các đảng phái khác sẽ khó có thể tồn tại, thậm chí là sụp đổ ngay trong lần ra mắt đầu tiên tại Quốc hội nếu có một đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm được trình lên.

Lập luận trên của ông Macron là có cơ sở bởi tình thế chia ba tại Quốc hội Pháp hiện nay. Liên minh cánh tả NFP dù là lực lượng lớn nhất nhưng cũng chỉ chiếm 1/3 số ghế, sẽ không thể tự thông qua bất cứ quyết sách nào trong khi các lực lượng chính trị còn lại, bao gồm cả liên minh trung hữu ủng hộ Tổng thống Macron cũng cảnh báo sẽ đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm để lật đổ chính phủ mới nếu do cánh tả lãnh đạo.

Ngoài lý do có vẻ rất hợp lý trên, các nhà phân tích địa bàn cho rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang theo đuổi một mục đích khác: Đó là chia rẽ và làm suy yếu liên minh cánh tả NFP, nói đúng hơn là tách, cô lập đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất”, lực lượng lớn nhất khỏi 3 đảng còn lại là đảng Xã hội, đảng Sinh thái và đảng Cộng sản Pháp. Ý định này đã được ông Macron và liên minh trung hữu theo đuổi ngay sau khi liên minh cánh tả về đầu tại bầu cử Quốc hội kết thúc cách đây gần 2 tháng.

Đối với Tổng thống Pháp, đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” là nhân tố “nguy hiểm” với chương trình tranh cử gần như loại bỏ những thành tựu mà ông Macron và chính phủ trung hữu đã đạt được trong suốt thời gian qua, nổi bật trong đó là luật cải cách hưu trí, nhập cư và thúc đẩy điện nguyên tử.

Trong diễn biến mới nhất, Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ông Macron sẽ mở vòng tham vấn chính trị mới để chọn Thủ tướng nhưng đã loại bỏ khỏi danh sách đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” hay các đảng được coi là đối địch như cực hữu “Tập hợp quốc gia” hay nhóm các nghị sĩ cánh hữu do ông Eric Ciottie đứng đầu.

Ưu tiên xây dựng “Mặt trận cộng hòa”

Trong các tuyên bố của mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn đặc biệt nhấn mạnh ưu tiên “sự ổn định thể chế” và chủ trương xây dựng một “Mặt trận cộng hoà” với một gương mặt đủ uy tín để dẫn dắt nước Pháp.

“Mặt trận cộng hoà” ưu tiên mà ông Macron muốn thành lập ở đây được hiểu sẽ bao gồm liên minh cánh tả NFP, tất nhiên là không có đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất”, liên minh trung hữu ủng hộ ông và một phần các nghị sĩ cánh hữu tách ra từ đảng “Những người cộng hoà” (LR) cùng nhóm các nghị sĩ tự do. Đây sẽ là liên minh đảm bảo đủ đa số tuyệt đối và cần thiết để có thể nắm trong tay quyền tự quyết cũng như thúc đẩy các chính sách mà không đi “quá xa” so với những ưu tiên ông Macron đặt ra từ đầu nhiệm kỳ. Với ông Macron, một Thủ tướng mới đến từ cánh tả không phải vấn đề nếu “Mặt trận cộng hoà” được hình thành.

Tuy nhiên, ý định này của Tổng thống Pháp Macron đang vấp phải hiệu ứng ngược. Lần lượt lãnh đạo các đảng cánh tả trong liên minh NFP đã lên tiếng chì trích, cho rằng ông Macron đang cố gắng phủ nhận kết quả cuộc bầu cử Quốc hội, đi ngược nền dân chủ khi không tuân theo nguyện vọng của người dân, không thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một Tổng thống và nhất là đang muốn chia rẽ, làm suy yếu liên minh cánh tả bằng cách loại đảng mạnh nhất “Nước Pháp bất khuất”. Trước đó, đảng “Nước Pháp bất khuất” đã chấp nhận nhượng bộ khi tuyên bố sẽ không tham gia vào chính phủ mới để xoa dịu sự phản đối từ các phe phái chính trị tại Pháp.

Trong phản ứng cứng rắn mới nhất, liên minh cánh tả NFP tuyên bố sẽ không trở lại điện Élysées cho đến khi Tổng thống Macron chấp nhận gương mặt do cánh tả lựa chọn là bà Lucie Castets làm Thủ tướng mới. Đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” thậm chí đề cập khả năng trình lên Hội đồng Hiến pháp đề xuất phế truất Tổng thống Emmanuel Macron theo Điều 68 của Hiến pháp khi không thực đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một Tổng thống dù cơ hội thành công gần như là không có.

Các nhà quan sát chính trị địa bàn nhận định, trái với mong muốn của Tổng thống Macron, liên minh cánh tả NFP đang ngày càng gắn kết sau thời gian ngắn “bất ổn” trong việc lựa chọn ứng cử viên đề xuất cho vị trí Thủ tướng. Lãnh đạo các đảng cánh tả đều hiểu rằng việc phá vỡ liên minh sẽ tổn hại đến hình ảnh, uy tín và sẽ không có lợi cho quá trình tranh cử tại cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào đầu năm 2027 khi ông Macron sẽ không thể tái tranh cử sau khi đã trải qua 2 nhiệm kỳ. Vậy nên, nỗ lực lập “Mặt trận cộng hoà” dường như đang là nhiệm vụ bất khả khi đối với người đứng đầu nước Pháp.

Kịch bản đưa nước Pháp thoát khỏi bế tắc chính trị

Đã có một số kịch bản được đề cập để đưa nước Pháp thoát khỏi bế tắc đã kéo dài suốt từ cuộc bầu cử hồi tháng 7. Đầu tiên là một chính phủ “đoàn kết dân tộc” bao gồm cả các đảng cánh tả và cánh hữu, tất nhiên là loại trừ hai đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” và cực hữu “Tập hợp quốc gia” như Tổng thống Macron chủ trương.

Thứ hai là một liên minh “Khế ước” gồm nhóm trung hữu ủng hộ Tổng thống cùng gần 60 nghị sĩ tách ra từ đảng “Những người cộng hoà” cánh hữu. Thứ ba là một chính phủ kỹ thuật bao gồm các nhà kỹ trị từng xảy ra trong giai đoạn 1959-1962 của Thủ tướng Michel Debré, tiếp đó là năm 1976 của Thủ tướng Raymond Barre hay gần nhất là chính phủ của Thủ tướng Jean Castex vào năm 2020. Điểm khác biệt lớn nhất là những chính phủ kể trên vẫn duy trì được thế đa số tại Quốc hội.

Các nhà phân tích cho rằng không có kịch bản nào trong giai đoạn này đảm bảo “sự ổn định thể chế” mà ông Emmanuel Macron mong muốn. Đây có thể sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa thứ V, liên minh có số lượng ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ không được đề xuất để lãnh đạo chính phủ. Chính Tổng thống Pháp đã thừa nhận nước Pháp đang ở tình thế “chưa từng có”.

Thời gian đang đếm ngược với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bởi chính phủ của Thủ tướng Gabriel Attal đã từ nhiệm được 42 ngày, điều chưa từng xảy ra sau chiến tranh thế giới thứ 2 và nhất là dự luật ngân sách hoạt động cho năm tài khóa tiếp theo sẽ cần phải được chính phủ mới trình lên Quốc hội vào ngày 01/10 tới để duy trì sự vận hành của cả bộ máy thể chế, đảm bảo “sự ổn định” như chính ông Macron mong muốn.

Sau khi quyết định không chỉ định ứng viên đề cử của liên minh cánh tả làm Thủ tướng, Tổng thống Pháp đã bắt đầu vòng tham vấn mới với các lãnh đạo đảng và những chính trị gia kỳ cựu với tuyên bố “Trách nhiệm của tôi là đảm bảo không để đất nước bị cản trở hay suy yếu”. Tuy nhiên, liên minh cánh tả đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán tiếp theo, vì thế tình thế bế tắc trên chính trường Pháp vẫn chưa rõ khi nào có thể hóa giải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại