Tổng thống Lukashenko giải thích về ý tưởng Nga đưa vũ khí hạt nhân trở lại Belarus

Minh Hạnh |

Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết ông nảy ra ý tưởng tái triển khai vũ khí hạt nhân Nga đến Belarus từ việc Ba Lan muốn triển khai vũ khí hạt nhân Mỹ trên lãnh thổ của mình.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

"Tôi nói chuyện này với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi Ba Lan nói với Mỹ về việc muốn Washington đưa vũ khí hạt nhân đến Warszawa. Khi ấy, tôi hỏi Tổng thống Putin rằng: Tại sao chúng ta lại phải giả vờ như không có chuyện gì xảy ra?", ông Lukashenko nói trong bài phát biểu mừng Ngày Độc lập (3/7) ở Minsk.

Tổng thống Belarus giải thích rằng các cuộc trò chuyện giữa ông với Tổng thống Nga về vấn đề này không nên bị coi là "hành động đe dọa hạt nhân".

Ông Lukashenko tuyên bố Minsk có thể đáp trả hành động thù địch "trong vòng 24 giờ".

"Để làm được điều này, chúng ta cần phải chuẩn bị. Và chúng ta sẽ chuẩn bị. Chúng ta không đe dọa bất cứ ai", ông Lukashenko nói.

Trước đó, hôm 25/6, Tổng thống Lukashenko đã đề nghị người đồng cấp Nga Vladimir Putin giúp Belarus "cải tiến" phi đội máy bay Su-25.

Ông Putin "bật đèn xanh" cho việc này, và cũng cam kết rằng trong vài tháng tới, "Nga sẽ gửi hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M tới Belarus".

Hệ thống này "có thể sử dụng cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình" ở cả 2 phiên bản thông thường và hạt nhân. Tuy nhiên, Điện Kremlin khẳng định 2 nước chưa thảo luận về việc chuyển giao tên lửa mang đầu đạn hạt nhân cho Belarus.

Trong bài phát biểu của mình, ông Lukashenko đã nhắc lại thực tế là trong quá khứ Belarus đã chuyển kho vũ khí hạt nhân của mình cho Nga. Do đó ông có quyền yêu cầu "lãnh đạo nước Nga anh em" giúp đảm bảo rằng biên giới quốc gia Belarus được bảo vệ.

"Đó là những gì tôi đã làm", ông Lukashenko nói.

Trước đó, Tổng thống Lukashenko từng nhiều lần chỉ trích quyết định rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus của người tiền nhiệm, gọi đó là "sai lầm tồi tệ nhất".

Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Belarus đã tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và tự nguyện từ bỏ một phần kho vũ khí mà nước này nắm giữ. Số vũ khí hạt nhân còn lại được đưa trở lại Nga vào cuối năm 1996.

Hồi đầu tháng 4, Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói rằng nếu Mỹ yêu cầu Ba Lan tiếp nhận vũ khí hạt nhân, thì Warszawa "sẽ sẵn sàng cho điều đó".

"Nó sẽ giúp tăng đáng kể khả năng răn đe nhằm vào Mátxcơva", ông Kaczynski nói.

Đáp lại, Điện Kremlin cho rằng phát ngôn từ giới lãnh đạo Ba Lan "gây ra mối quan ngại sâu sắc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại