Tổn thất của Nga về máy bay chiến đấu
Trước đây tổn thất của máy bay chiến đấu Nga đã khiến quân đội nước này tạm thời giảm hoạt động của không quân trên khắp không phận Ukraine . Tuy nhiên trong các tuần vừa qua, tỷ lệ tổn thất của máy bay quân sự Nga được cho là lại gia tăng và Nga vẫn chưa giảm hoạt động của lực lượng này.
Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, có trụ sở ở Washington) tiếp tục đánh giá rằng thông tin về Nga mất khoảng 15 máy bay quân sự và thậm chí một số phi công giàu kinh nghiệm là điều mà quân đội Nga khó xem nhẹ trong bối cảnh Nga có thể chỉ còn khoảng 300 máy bay chiến đấu các loại thuộc dòng Sukhoi.
Theo số liệu phía Ukraine đưa ra, những máy bay Nga bị bắn rơi trong tháng 2/2024 gồm: 10 chiếc tiêm cường kích Su-34, 2 chiếc tiêm kích hạng nặng Su-35, 2 máy bay radar tầm xa A-50.
Đến ngày 2/3 vừa qua, tư lệnh không quân Ukraine Mykola Oleshchuk thông báo họ có thể đã phá hủy thêm 1 chiếc Su-34 và Su-35 của Nga.
Trong đó, mỗi chiếc Su-34 có giá xuất khẩu khoảng 50 triệu USD. “Thú mỏ vịt” Su-34 có tổ lái gồm 2 phi công, được cho là tương đương với chiếc F-15E Strike Eagle của Mỹ.
Mỗi chiếc Su-35 trị giá khoảng 100 triệu USD. Đây là tiêm kích đa nhiệm thế hệ 4, trước kia từng được phi công Andriy Pilyshchikov hạng ace của Ukraine gọi là “đối thủ chính”.
Máy bay A-50 đóng vai trò trung tâm chỉ huy trên không, điều phối các hoạt động phát hiệu mục tiêu trên không, trên biển và phòng không.
Chấp nhận rủi ro để giành lợi thế trên thực địa
Khi kỳ bầu cử Nga sắp đến gần, Nga dồn sức tấn công Ukraine trên chiến trường, đặc biệt là tại miền Đông và ở thị trấn Avdiivka . Để bảo đảm chắc thắng, Nga đã mạnh dạn sử dụng không quân để yểm trợ cho lục quân tại đây, chấp nhận những rủi ro nhất định.
Trước đó, hai bên chủ yếu huy động lục quân, pháo binh và UAV để giao chiến với nhau. Không quân Ukraine bé nhỏ, trong khi Nga chưa thiết lập được ưu thế trên không. Nga lúc ấy cẩn trọng gìn giữ lực lượng chiến đấu cơ của mình.
Nhưng trong thời gian qua, Nga điều máy bay cường kích đến gần tiền tuyến để ném các trái bom uy lực có dẫn đường xuống hệ thống công sự Ukraine, dọn đường cho bộ binh Nga tiến lên. Chiến thuật này đã phát huy tác dụng rõ rệt, giúp Nga dứt điểm được mục tiêu tại Avdiivka và chiếm trọn thành trì này, đồng thời có đà để đánh nống ra xung quanh .
Tuy nhiên, khi đó, Nga đã phải chấp nhận rủi ro cho đội máy bay của mình do bay sát tiền tuyến và hứng chịu phản đòn từ phòng không và không quân Ukraine.
Ukraine tuyên bố đã bắn hạ khoảng 15 máy bay chiến đấu các loại của Nga trong hơn 2 tuần qua. Mặc dù vậy, Nga chưa lên tiếng bình luận về tuyên bố này. Hơn nữa, các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng không thể kiểm chứng độc lập được số liệu do Ukraine đưa ra. Do đó, con số máy bay Nga bị bắn rơi trong giai đoạn cuối của chiến dịch đánh chiếm thị trấn Avdiivka có thể thấp hơn mức Ukraine đưa ra và nằm trong ngưỡng chấp nhận được đối với Nga.
Mặt trận biển tiếp tục nóng khi Ukraine muốn căng kéo lực lượng Nga
Hôm 5/3 quân đội Ukraine tuyên bố họ đã tấn công thành công một chiến hạm nữa của Nga. Kiev khẳng định số lượng tàu trong hạm đội Biển Đen của Nga đã bị giảm đi hơn 1/3 kể từ đầu xung đột Nga - Ukraine.
Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine nói rằng các xuồng không người lái điều khiển từ xa (USV) của đơn vị biệt kích “nhóm 13” đã tấn công và làm đắm tàu tuần tra Sergei Kotov nặng 1.300 tấn của Nga ở Biển Đen gần eo biển Kerch.
Tình báo quân sự Ukraine cho biết, họ phối hợp thực hiện vụ tấn công này cùng với hải quân Ukraine và Bộ Chuyển đổi số của nước này.
Đại diện tình báo quốc phòng Ukraine, Andriy Yusov, cho biết tàu Sergei Kotov từng bị tấn công trước đây nhưng lần này mới chắc chắn bị phá hủy. Theo tình báo quốc phòng Ukraine, có 7 thành viên thủy thủ đoàn của tàu trên tử trận, 6 người khác bị thương.
Trước đó, đội USV của Ukraine đã gây thiệt hại không nhỏ cho các tàu hải quân của Nga, đặc biệt là trong các tháng gần đây.
Hồi tháng 2/2024, Ukraine tuyên bố các lực lượng của mình đã vô hiệu hóa khoảng 33% tàu chiến Nga.
Tiếp tục ém vũ khí lợi hại cho ván bài sắp tới
Nga ca ngợi siêu xe tăng T-14 Armata là xe tăng tiên tiến và đáng gờm hàng đầu trong tác chiến hiện đại. Tuy nhiên, cho tới nay, có ít thông tin về hoạt động của xe tăng này trên chiến trường Ukraine hiện nay.
Tương tự, Nga cũng sở hữu một máy bay chiến đấu tối tân thế hệ 5 là Su-57 nhưng gần như không có thông tin về hoạt động tác chiến của máy bay này ở Ukraine.
Nga coi xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 là vũ khí áp dụng công nghệ hàng đầu, với các chức năng tự động như pháo điều khiển từ xa, cảm biến tiên tiến, UAV gắn trên xe và khả năng phòng thủ trước các loại vũ khí chống tăng của đối phương.
Lúc T-14 mới xuất hiện, xe tăng này đã khiến một số nhà phân tích phương Tây lo lắng rằng nó có thể sánh được với các xe xăng NATO như M1 Abrams, Leopard 2 và Challenger 2.
Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ số 1 của Nga được cho là đã tiếp nhận xe T-14 vào năm 2021. Vào đầu năm 2023, Moscow thậm chí còn được cho là đang xem xét triển khai xe tăng sang Ukraine. Trong báo cáo cập nhật tình báo vào hôm 5/3, Bộ Quốc phòng Anh nói rằng rất ít khả năng xe tăng này đã được bàn giao cho bất cứ đơn vị nào của Nga trên mặt trận.
Chiến đấu cơ Su-57 được cho là sẽ tạo ra khác biệt nếu được triển khai trong xung đột Ukraine.
Su-57 được bàn giao cho quân đội Nga vào năm 2020 nhưng số lượng máy bay loại này trong kho của Nga là rất nhỏ. Cũng có ít bằng chứng về hoạt động của loại máy bay này trên bầu trời Ukraine. Thông tin từ phía Nga chủ yếu nói rằng máy bay này phóng tên lửa từ các vị trí cách xa đáng kể tiền tuyến.
Bộ Quốc phòng Anh vào năm 2023 từng đánh giá rằng Nga đang tránh nguy cơ bị lộ công nghệ nhạy cảm của Su-57 nếu máy bay gặp vấn đề trên chiến trường Ukraine. Bất cứ sự cố nào với Su-57 ở Ukraine cũng có thể ảnh hưởng đến hình ảnh quân đội Nga cũng như làm giảm cơ hội xuất khẩu vũ khí của Nga.