Toan tính của các bên khi cuộc chiến Syria dần đến hồi kết

Kiều Anh |

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ và các đồng minh đều có những toan tính riêng của mình khi cuộc chiến ở Syria đang dần đến hồi kết.

Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về vấn đề hòa bình tại Liên Hợp Quốc vào tuần này, người dân Idlib dấy lên những hy vọng mong manh rằng những nỗ lực ngoại giao sẽ ngăn chặn được một trận chiến dữ dội vào thành trì cuối cùng của phe nổi dậy ở Syria.

Dưới đây là những toan tính của các quốc gia trong ván bài Syria, khi cuộc chiến hơn 7 năm qua ở quốc gia này đang đi đến hồi kết.Tuy nhiên, cho đến nay, ngoại giao không thực sự giúp gì nhiều cho Syria. Những cường quốc thế giới từng biến Syria trở thành một chiến trường ủy nhiệm trong nhiều năm qua hiện đang nỗ lực đàm phán về một tiến trình hòa bình ở Idlib.

Toan tính của Nga

Nói về tương lai của Syria, Nga chính là "người cầm lái". Lực lượng Nga đã đảo ngược thế trận khi giúp Tổng thống Syria Bashar Assad giành được ưu thế trong cuộc chiến chống lại những phần tử cực đoan.

Sau khi định hình lại chiến trường Syria, Nga hiện đang nỗ lực cho quá trình kiến tạo hòa bình. Những nỗ lực hòa bình của Nga cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã gạt các lộ trình đàm phán của phương Tây sang một bên.

Tuần trước, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về một thỏa thuận nhằm ngăn chặn một cuộc chiến ở Idlib, ít nhất trong thời điểm hiện tại. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov sẽ tìm cách đạt được sự ủng hộ rộng rãi hơn về vấn đề này tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc và cố gắng thuyết phục phương Tây tài trợ cho quá trình tái thiết Syria.

Ủng hộ một "cuộc chiến tranh lạnh" ở Syria, Nga muốn duy trì ảnh hưởng với Damascus khi chiến tranh kết thúc nhằm giữ vị thế chắc chắn ở Trung Đông và biến Syria trở thành "khách hàng ổn định" của vũ khí và hàng hóa Nga cũng như cảnh báo Mỹ cùng với đồng minh về sự can thiệp trong tương lai tại đây.

Thông báo của Nga hôm 24/9 về việc cung cấp cho chính phủ Syria hệ thống phòng không S-300 đã truyền đi thông điệp này một cách rõ ràng.

Toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ là hy vọng cuối cùng cho phe nổi dậy đang dần tan rã ở Syria nhưng hiện tại, ảnh hưởng của Ankara đang bị suy giảm.

Thổ Nhĩ Kỳ hầu như đạt được rất ít kết quả từ việc hợp tác với Nga và Iran về tiến trình hòa bình. Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo cứng rắn của ông Erdogan, mối quan hệ của Ankara với Mỹ và châu Âu cũng xuống mức thấp khó tin trong lịch sử.

Tham dự Đại Hội Đồng Liêp Hợp Quốc ngày 25/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tìm cách ngăn chặn hoặc ít nhất là trì hoãn những cuộc khủng hoảng mới dọc biên giới Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh một làn sóng di cư mới và ngăn chặn những kẻ cực đoan lập các doanh trại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trên hết, Ankara muốn ngăn chặn người Kurd trong khu vực này tiến đến gần biên giới.

Idlib là điển hình cho tình thế tiến thoái lưỡng nan của Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng vạn tay súng đối lập đang chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ thành trì cuối cùng của chúng qua việc đào hào, đắp các túi cát và củng cố các sào huyệt.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng cường binh lính quanh Idlib nhưng quốc gia này hầu như có rất ít khả năng để có thể đạt được điều gì đó từ cuộc chiến cuối cùng ở tỉnh tây bắc Syria do lực lượng chính phủ Syria được Nga và Iran hậu thuẫn tiến hành.

Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một thỏa thuận trong 11 giờ với Moscow nhằm thiết lập một vùng đệm ngừng bắn quanh Idlib vào đúng thời điểm các cuộc họp của Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra trong tuần này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích và các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ đều đang đặt câu hỏi về việc liệu Ankara có thể giải quyết được những tay súng của phe nổi dậy hay không.

Toan tính của Iran

Iran đang bước vào một "cuộc chơi" lâu dài. Là đồng minh thân cận nhất của Syria, Iran cử quân đội đến Syria từ những ngày đầu của cuộc chiến. Iran cũng không có kế hoạch dời đi và muốn duy trì sự hiện diện của lực lượng dân quân ủy nhiệm Hezbollah cũng như kéo Syria trở thành đồng minh chống lại Israel.

Iran luôn miễn cưỡng với việc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và cho rằng phương Tây đã châm ngòi cho những tay súng thánh chiến khi ủng hộ lực lượng đối lập Syria.

Nền kinh tế và tầm ảnh hưởng của Iran đang bị suy giảm từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt mới. Dù không có gì trong tay nhưng Iran vẫn sẽ tiếp tục hiện diện ở Syria cho đến khi không còn quốc gia nào ở đây nữa.

Toan tính của Mỹ và đng minh

Mỹ, châu Âu và các đồng minh vùng Vịnh phải miễn cưỡng thừa nhận rằng phe mà họ ủng hộ đang bại trận trong cuộc chiến Syria. Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực để đảm bảo những phần tử cực đoan của IS trong khu vực sẽ bị tiêu diệt và công dân Syria sẽ nhận được cứu trợ nhân đạo cũng như không trở thành mục tiêu của các loại vũ khí hóa học.

Các cường quốc phương Tây trong nhiều năm yêu cầu lật đổ Tổng thống Assad hiện đang cố gắng "giữ thể diện" bằng cách đòi hỏi một thỏa thuận chính trị về tương lai của Syria mà không có ông Assad.

Thỏa thuận Nga - Thổ có lẽ sẽ đối mặt với một thực tế mới khi các nước phương Tây tại Liên Hợp Quốc đang nỗ lực mở rộng thỏa thuận này với việc bao hàm thêm một số lựa chọn chính trị./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại