Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, người đã có gần 30 năm chuyên tư vấn trong lĩnh vực tình yêu - hôn nhân - gia đình chia sẻ với chúng tôi về những ca ông vừa phải tham gia giải quyết hết sức gay cấn. Đó là mâu thuẫn của các cụ ông cụ bà mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Mới đây, một trung niên dẫn một cụ bà tóc bạc phơ tìm đến tận nhà ông để xin lời khuyên xử lý cho việc mẹ mình muốn ly hôn chồng, ở cái tuổi gần đất xa trời.
Thấy bà T. ngã xuống sông mà không cứu, ông N. đã bị xử lý hình sự
Chuyện là mấy tháng trước, từ khi TP Hà Nội hết lệnh giãn cách xã hội, không hiểu vì lý do gì mà tự nhiên cụ Tâm (78 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) trở nên "lạnh nhạt" với vợ (tên Hiền). Đặc biệt, cụ ông ngày nào cũng đi ra ngoài mấy lượt. Sáng sớm đi, trưa về. Xong tối lại đi tiếp, gần khuya mới về nhà. Hỏi thì cụ bảo sáng cụ đi đánh cờ với mấy cụ ông trong khu, còn tối thì đi khiêu vũ cùng các cụ trong hội phụ lão. Mà, dạo trước cũng chính cụ Hiền là người khuyên chồng nên tham gia các hoạt động ngoài trời cho giãn xương giãn cốt, có lợi cho sức khỏe.
Song thấy chồng ham mê nhảy nhót quá, mưa gió bão bùng vẫn đi - cụ Hiền sinh nghi liền cất công đi "rình". Cụ suýt ngất khi thấy chồng mình tay trong tay với một bà, cũng ngoại tuổi lục tuần, rất tình tứ trong điệu Valse. Thế là cụ Hiền quay ra cấm chồng không được tham gia lớp khiêu vũ buổi tối nữa. Dĩ nhiên là cụ ông không nghe. Đôi bên đã ly thân được mấy tuần, và cụ bà đang nằng nặc đòi con phải đưa lên phường nộp đơn ly hôn.
Một ca khác cũng gay cấn không kém là trường hợp cụ ông tên Toàn (ở quận Tây Hồ) nảy sinh mâu thuẫn với vợ mình là bà Loan.
Theo cụ bà phân trần thì từ ngày nghỉ hưu, cụ ông hay đi uống cà phê với mấy ông hàng xóm và nhóm bạn hồi trẻ. Nhóm bạn của ông Toàn có khoảng chục người, thường đến quán nước trò chuyện, chia sẻ việc nuôi chim, chăm sóc cây cảnh, đám rau trong nhà.
"Lương hưu ông ấy đưa cho tôi giữ để lo cơm nước, các chi phí sinh hoạt trong nhà. Mỗi ngày tôi đưa cho ông ấy 40-50 ngàn đồng để tiêu vặt. Mấy tháng nay, có khi tôi đưa 10 ngàn/ngày, có khi 20 ngàn, cũng có khi 100 ngàn đồng bù lại những ngày đưa ít. Ông ấy cầm nhưng chẳng nói gì cả".
Tuy nhiên sau đó ông Toàn tố vợ mỗi ngày chỉ đưa có 10 ngàn đồng cho chồng chi tiêu. Ông ấy nói, đi uống nước nhiều hôm bị thiếu phải vay bạn. Nhiều lần, ông ấy được bạn mời nhưng chẳng có tiền để mời lại. Ông ấy thấy xấu hổ với bạn.
Trường hợp ông Thắng, nguyên giám đốc một công ty chuyên xuất nhập khẩu thì lại hơi khác. Ông từng là một giám đốc trong tay có hàng nghìn nhân viên, "nói có người nghe, đe có người sợ", được nhiều đối tác và nhân viên nữ trẻ hâm mộ. Khi về hưu, quanh đi quẩn lại ở nhà, suốt ngày chạm mặt với bà vợ lắm điều khiến ông trở nên khó tính; suốt ngày soi mói, phê phán bà từ cử chỉ hành động sơ sểnh nhỏ, đến cách ăn mặc. Ngược lại, bà cũng có nhiều cơ hội để gần gũi và "theo dõi" ông hơn.
Ông đã ngoài 70 tuổi song vẫn giữ được nhiều nét hào hoa nên nhiều cô gái trẻ dù đáng tuổi con cháu, khi gặp ông, vẫn mến mộ, hồ hởi chú chú cháu cháu ríu rít. Ông cũng hào hứng "hòa chung niềm vui", trò chuyện nở như ngô rang, khiến cho bà chứng kiến mà như ngồi trên ổ kiến lửa, cứ mỗi phút lại lườm nguýt một lần! Sau mỗi lần như vậy, ông bà lại "chiến tranh lạnh" với nhau và "chiến tranh lạnh" với luôn cả con cháu.
Nếu như những mâu thuẫn, ghen tuông giữa các cụ ông cụ bà không được người thân con cháu, chính quyền địa phương, hoặc các chuyên gia tâm lý vào cuộc kịp thời thì rất có thể sẽ xảy ra sự việc đáng tiếc. Điển hình như vụ việc xảy ra mới đây tại xã Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội) mà nguyên nhân được cho là do "cạn tình" giữa một cụ ông và một cụ bà đã sống chung với nhau 30 năm có lẻ.
Theo cơ quan điều tra, đây là vụ án hy hữu, và hết sức đáng tiếc khi ông Vũ Văn N. (SN 1967 hiện đang sống trên thuyền ở khu vực sông Cà Lồ, xã Xuân Giang) do không cứu "người tình" bị ngã xuống sông mà bị xử lý hình sự.
Cách đây khoảng 30 năm, anh thanh niên N. (quê gốc ở Ân Thi, Hưng Yên) trong những ngày làm chài lưới trên lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình thì gặp chị Ngô Thị T. (hơn ông N. 3 tuổi) cũng làm nghề sông nước. Mặc dù trước đó chị T. đã có một đời chồng và một đứa con riêng, song hai ông bà vẫn quyết định "góp gạo thổi cơm chung" (nhưng không đăng ký kết hôn). Cả hai có một người con trai, hiện đang làm việc ở nước ngoài, khá thành đạt.
Thời gian gần đây, giữa bà T. và ông N. bỗng dưng xảy ra nhiều mâu thuẫn (do bà nghi ông có người khác). Bà T. đã bỏ về sống tại nhà cô con gái. Một ngày đầu tháng 4-2022, bà T. chèo thuyền đến thuyền của ông N. và đề nghị trở lại cuộc sống chung như cũ. Tuy nhiên, ông N. không đồng ý với lý do bà T. đang điều trị bệnh. Theo ông thì bà nên về ở cùng nhà với cô con dâu cho tiện việc thuốc thang.
Lời qua tiếng lại, bà T. không giữ được bình tĩnh nên đã đập phá thuyền của ông N. Sau khi được người thân can ngăn, bà T. về nhà cô con gái riêng của mình. Tuy nhiên buổi chiều cùng ngày, bà T. mượn một chiếc thuyền nhỏ của người hàng xóm và lại chèo đến khu vực ông N. đang bắt cá. Mâu thuẫn tiếp tục nổi lên, bà T. dùng dao đập phá hai chiếc thuyền. Hai bên đã xảy ra giằng co, ông N. giật được con dao và vứt đi. Tiếp đó ông lấy dây thừng buộc chiếc thuyền do bà T. mượn vào thuyền của mình để khỏi chìm.
Lúc này bà T. nhảy sang thuyền nhỏ và bị trượt chân ngã xuống sông. Thấy vậy, ông N. chèo hai thuyền bỏ đi, không đoái hoài đến tính mạng của người vợ hờ. Mấy hôm sau, người dân ở xã Tam Giang (Yên Phong, Bắc Ninh) phát hiện một thi thể phụ nữ đang trong giai đoạn phân hủy, xác định nhân thân là bà T. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định nguyên nhân tử vong do ngạt nước. Quá trình điều tra, cơ quan công an có đủ bằng chứng và đã thực hiện các biện pháp tố tụng hình sự đối với ông N. về hành vi "Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng".
Bi kịch tình già khác là trường hợp của ông Trần Thanh Tâm (SN 1962, thường trú tại quận Đống Đa, Hà Nội). Vợ bỏ đi hàng chục năm, các con đều đã phương trưởng thì Tâm gặp và cảm mến chị Nguyễn Thị Y. (SN 1973, thường trú tại Phú Thọ).
Do chồng qua đời cũng được gần 10 năm nên chị Y. đã chấp nhận tình cảm của ông Tâm. Sau đó hai người dọn về sống với nhau như vợ chồng và thuê trọ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong quá trình sinh sống, ông Tâm nghi ngờ chị Y có tình cảm với người khác khiến hai người nảy sinh xô xát, xúc phạm lẫn nhau.
Cũng vì những mâu thuẫn không giải quyết được, chị Y không ở với ông Tâm nữa mà đến làm thuê cho quán cơm của vợ chồng chị Ngô Thị Oanh (trú tại phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) và ở lại quán luôn. Tâm đã nhiều lần gọi điện và đến gặp chị Y để đe dọa, yêu cầu nhân tình phải quay về sống với mình. Vậy nhưng chị Y không đồng ý nên ông Tâm đã nảy sinh ý định sát hại người tình.
Một ngày mùa đông, Tâm mang theo con dao, giấu trong người rồi đi xe ôm đến quán cơm của chị Oanh để tìm gặp nhân tình. Khi đến quán, ông Tâm gặp chị Oanh và yêu cầu chị cho ông ta được gặp chị Y nhưng bị chị Oanh từ chối cho gặp vì công việc. Tâm không nói gì mà đi thẳng vào khu vực bếp của quán nơi chị Y đang đứng nấu ăn. Cả hai lời qua tiếng lại thì bất ngờ Tâm rút dao đâm vào bụng chị Y. Nạn nhân kêu cứu và dùng tay tóm được cổ tay cầm dao của Tâm. Trong lúc hai bên giằng co, Tâm vung dao đâm nhiều nhát vào vùng cổ, ngực, sườn làm chị Y ngã gục.
Chứng kiến sự việc, chị Oanh đã hô hoán và được lực lượng công an cùng người dân kịp thời khống chế, bắt giữ hung thủ. Về phần nạn nhân, do được đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã giữ được tính mạng, tỉ lệ thương tích là 35%. Sau đó, Tâm đã phải lĩnh bản án 17 năm tù vì tội Giết người.
Một trường hợp đau lòng khác là vụ Đỗ Khắc Phong (SN 1967, trú thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) sát hại tình địch do ghen tuông với người "vợ hờ".
Mấy năm trước Đỗ Khắc Phong rời quê xuống Thủ đô thuê trọ và làm bảo vệ tại một siêu thị trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Trong quá trình làm việc ở Hà Nội, Phong quen biết rồi nảy sinh tình cảm với bà Nguyễn Thị Th, cùng tuổi, quê Thái Bình.
Bất chấp việc cả hai cùng có gia đình yên ổn và đang ở tuổi "xế chiều", Phong cùng bà Th vẫn lao vào cuộc yêu đương, rồi đưa nhau về một phòng trọ tại phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Phong để chung sống như vợ chồng.
Năm 2019, gia đình Phong biết chuyện, ngăn cản nên ông này buộc phải nói lời chia tay với bà Th. Dù vậy, hai người vẫn thường xuyên liên lạc điện thoại và "thậm thụt" với nhau.
Trớ trêu hơn, ít lâu sau khi chia tay với Phong, bà Th đã chuyển đến phòng trọ của ông Phạm Ngọc H. (SN 1954, trú tại phường Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) để ăn ở cùng tình mới. Cơn ghen nổi lên, người đàn ông U60 lên kế hoạch trả thù.
Một buổi tối Phong mang theo 2 con dao tìm đến phòng trọ của ông H và phục sẵn. Thấy ông H đèo bà Th về, Phong lao tới đâm liên tiếp vào người ông H. Nạn nhân bỏ chạy được một đoạn thì gục ngã và tử vong sau đó. "Giải quyết" xong tình địch, Phong quay sang định "xử nốt" nhân tình nhưng do bà Th van xin nên thoát nạn.
Cơ quan chức năng đánh giá hành vi của Phong là đặc biệt nguy hiểm đối với xã hội, gây đau thương cho gia đình bị hại. Bị cáo cho dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng vẫn cần thiết phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội để răn đe, phòng ngừa chung. Từ đó, TAND TP.Hà Nội đã quyết định tuyên án Tử hình đối với Phong.