Tên lửa S-400 tràn xuống Biển Đông?
Trang Fox News dẫn nguồn tin tình báo Mỹ ngày 24/12 cho biết, lực lượng phòng không Trung Quốc đã tập kết hàng trăm tên lửa đất đối không gồm cả tầm ngắn, tầm trung và tầm xa tại đảo Hải Nam và sẵn sàng triển khai (phi pháp) xuống các đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Tình báo Mỹ cho rằng, trong những vũ khí được tập kết tại đảo Hải Nam có tới 500 đạn tên lửa của hệ thống SA-21 (định danh của NATO với hệ thống S-400). Loại tên lửa này có thế dễ dàng bắn hạ mọi mục tiêu trong tầm bắn lên tới 400 km.
Ngoài hệ thống SA-21, trên đảo Hải Nam hiện nay Trung Quốc còn bố trí hai hệ thống tên lửa khác là CSA-6b và HQ-9. Trong đó CSA-6b là hệ thống tên lửa có tầm bắn 16 km và được tích hợp thêm hệ thống súng máy chống máy bay còn HQ-9 có tầm bắn đạt 200 km, được thiết kế dựa trên hệ thống tên lửa S-300 của Nga.
Cũng trong tháng này, vệ tinh tình báo Mỹ phát hiện ra hệ thống tên lửa phòng không SA-21 được Trung Quốc kéo đến căn cứ không quân Yết Dương ở Quảng Đông, nơi các lô vũ khí Trung Quốc thường dừng chân tạm thời trước khi kéo ra Biển Đông.
Hệ thống S-400 (định danh NATO là SA-21).
Người đứng đầu Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã nhiều lần cảnh báo trong năm qua về việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng quân đội hoặc "quân sự hóa" Biển Đông.
Động thái này còn cho thấy, Bắc Kinh đã bất chấp lời hứa mà Chủ tịch Trung Quốc đã nói tại Nhà Trắng trước sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng sẽ "không quân sự hóa" trên Biển Đông.
Phó Giáo sư Vladimir Korsun từ Học viện quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) cho biết hành động phi pháp này cho phép Trung Quốc kiểm soát không chỉ giao thông đường biển, không chỉ trong giới hạn 12 dặm hiện tại, mà còn khống chế cả tuyến đường biển quốc tế lớn thứ hai thế giới, qua các eo biển Malacca, Sunda và Lombok.
Các tuyến đường hàng hải này chiếm đến 60% khối lượng giao dịch ngoại thương của Trung Quốc và 80% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc từ các khu vực Trung Đông và châu Phi, để phục vụ cho nền kinh tế đang phát triển quá nóng của mình.
Đối với Trung Quốc động lực quan trọng để tranh chấp lãnh thổ còn là sự hiện diện của nguồn tài nguyên cá khổng lồ, cũng như phát hiện và khẳng định trữ lượng lớn dầu khí ở Biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh luôn khát năng lượng thì vấn đề này mang tính chất rất cấp thiết.
Nga đã chuyển giao S-400
Theo thông tin mới nhất được hãng Sputnik dẫn lời ông Sergey Chemez, giám đốc tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec của Nga cho biết, Moskva sẽ không bàn giao các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 cho Trung Quốc trước năm 2018.
"Chúng tôi có một nguyên tắc là sẽ cung cấp vũ khí cho quân đội của mình trước, sau đó mới bán cho nước ngoài. Rất nhiều khách hàng yêu cầu cung cấp sớm, nhưng chúng tôi nói thẳng với họ rằng, khung thời gian giao hàng vẫn còn rất dài", ông Chemezov cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Kommersant của Nga.
Hồi tháng 4/2016, một nguồn tin quân sự nói với hãng thông tấn RIA Novosti rằng, Nga có thể bắt đầu bàn giao các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 cho Trung Quốc vào cuối năm 2016. Và nếu thông tin từ tính báo Mỹ chính xác thì rất có thể những hệ thống SA-21 Trung Quốc tập kết tại Hải Nam vừa được Nga âm thầm bàn giao.
Được biết, Nga và Trung Quốc đã đã kí hợp đồng chính thức mua bán các hệ thống S-400 vào đầu năm 2015. Ngoài Trung Quốc, nhiều nước khác trên thế giới cũng đang bày tỏ mong muốn có được S-400, trong đó, Ấn Độ đang lên kế hoạch mua liền 12 tổ hợp.
Mỗi hệ thống S-400 có thể đồng thời tấn công 36 mục tiêu, với 72 tên lửa sẵn sàng được phóng. Hệ thống S-400 sử dụng 3 loại tên lửa khác nhau, đó là các tên lửa tầm cực xa 40N6, tầm xa 48N6 và tầm trung 9M96.
S-400 Triumph (SA-21) là một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa do Tập đoàn Almaz-Antey chế tạo.
Tên lửa được thiết kế để tiêu diệt các máy bay chiến lược, chiến thuật và trinh sát, tên lửa đạn đạo chiến thuật và chiến dịch, tên lửa đạn đạo tầm trung và các vũ khí tấn công đường không hiện tại và tương lai ở khoảng cách tối đa 400km và độ cao tới 30km.