Một cụ bà đi lại trong làng Arkhanhelske thuộc vùng Kherson, miền nam vào hôm 3-11 - Ảnh: AFP
* Phía Nga cáo buộc quân Ukraine tấn công, khiến Kherson lần đầu mất điện. Theo Hãng tin AFP, các quan chức địa phương cho biết thành phố Kherson (hiện do Nga kiểm soát) và một số nơi khác thuộc vùng Kherson ở miền nam Ukraine đã bị mất điện và nước vào ngày 6-11 sau một cuộc không kích. Đập Kakhovka - một con đập quan trọng tại vùng này - cũng bị hư hại.
Đây là lần đầu tiên thành phố Kherson bị mất điện như vậy. Chính quyền thân Nga tại thành phố Kherson cáo buộc đây là "kết quả của một cuộc tấn công do phía Ukraine tổ chức trên đường cao tốc Berislav - Kakhovka, khiến ba cột bê tông thuộc đường dây điện cao thế bị hư hỏng".
* Twitter mời một số nhân viên bị sa thải quay trở lại. Theo Hãng tin Bloomberg ngày 6-11, sau khi Twitter sa thải khoảng một nửa trong số 7.500 nhân viên vào hôm 4-11 sau thương vụ mua lại trị giá 44 tỉ USD của tỉ phú Mỹ Elon Musk, công ty này hiện đang tiếp cận với hàng chục nhân viên đã bị mất việc và mời họ quay trở lại làm việc.
* Ukraine cáo buộc quân Nga phá hủy các tàu dân sự trên sông ở Kherson. Theo Hãng tin Reuters, ngày 6-11, quân đội Ukraine cáo buộc quân Nga phá hủy các tàu dân sự trên quy mô lớn khi các tàu này neo đậu bên bờ sông Dnieper (hay còn gọi là Dnipro) ở vùng Kherson - vùng mà quân Ukraine đang cố gắng tái chiếm.
Các lực lượng Ukraine đang gây sức ép lên quân đội Nga ở bờ tây của sông Dnieper, làm dấy lên suy đoán quân Nga đang chuẩn bị rút sang phía bên kia sông.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Nga đang chịu tổn thất nặng nề ở miền đông Ukraine. Cụ thể, ngày 6-11, ông Zelensky nói Nga đang chịu tổn thất lớn trong lúc quân Nga vẫn tiếp tục các cuộc tấn công ở vùng Donetsk và đang chuẩn bị các cuộc tấn công mới nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, theo Hãng tin Reuters. Phía Nga chưa lên tiếng về thông tin này.
"Các cuộc tấn công rất dữ dội của Nga ở vùng Donetsk đang tiếp tục. Họ đang chịu tổn thất nặng nề ở đó" - ông Zelensky nói.
Các nhân viên y tế xét nghiệm PCR cho người dân trong các cộng đồng ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc hôm 5-11 - Ảnh: VCG
* Chính quyền thành phố 13 triệu dân ở Trung Quốc xin lỗi vì cách chống dịch sai. Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 6-11, các quan chức trong chính quyền thành phố Trịnh Châu - nơi sinh sống của hơn 13 triệu dân ở tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc - đã xin lỗi công chúng về việc cách ly không chính xác trong quá trình chống dịch COVID-19, đồng thời cam kết sửa chữa phương pháp chống dịch "một cách làm áp cho mọi nơi" và lắng nghe tiếng nói của công chúng để giải quyết các vấn đề cũng như nhu cầu cấp thiết của họ.
Lời xin lỗi và cam kết được đưa ra một ngày sau chính phủ Trung Quốc chỉ trích rằng thành phố Trịnh Châu đã áp dụng một cách chống dịch cho mọi nơi như nhau bất chấp tình hình địa phương, chẳng hạn vẫn phong tỏa một khu dân cư mặc dù không có ca nhiễm nào được ghi nhận trong khu này.
Nhiều người dân địa phương cũng đã phàn nàn về chuyện chính quyền Trịnh Châu hạn chế việc đi lại của người dân từ các khu vực có nguy cơ thấp.
Theo dữ liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố hôm 6-11, toàn bộ Trung Quốc đại lục ghi nhận 526 ca nhiễm có triệu chứng và 3.894 ca không có triệu chứng trong ngày 5-11. Trong đó, Trịnh Châu ghi nhận thêm 15 ca nhiễm có triệu chứng và 168 ca nhiễm không có triệu chứng.
* Bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ: Ông Biden và ông Trump chạy nước rút. Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đến vận động tranh cử lần lượt ở bang New York và Florida để thu hút cử tri vào ngày 6-11, chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ, trong đó đảng Cộng hòa đang nỗ lực kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Trước đó, ông Biden, ông Trump và cựu Tổng thống Barack Obama đều đã đến bang Pennsylvania,
Cụ thể, theo lịch trình ông Biden xuất hiện vào ngày 6-11 ở hạt Westchester (bang New York), nơi thường theo phe Dân chủ, nhưng các thành viên đảng Cộng hòa có khả năng giành được thắng lợi một phần nhờ vào việc không ngừng truyền đi thông điệp rằng đối thủ của họ là những người không cứng rắn về vấn đề tội phạm và lạm phát.
Còn ông Trump sẽ xuất hiện ở Miami (bang Florida) cùng với hai thượng nghị sĩ của bang và một số dân biểu. Florida trong nhiều năm qua là "bang dao động", nhưng gần đây có khuynh hướng theo phe Cộng hòa và không được coi là chiến trường chính trong cuộc bầu cử lần này, theo Hãng tin Reuters.
Các lãnh đạo cấp cao của Taliban bên mộ phần của thủ lĩnh Omar vào ngày 6-11 - Ảnh: AFP
* Lực lượng Taliban đang cầm quyền tại Afghanistan công bố mộ phần của nhà sáng lập. Ngày 6-11, các lãnh đạo cấp cao của Taliban đã có mặt tại thành phố Omarzo, thuộc tỉnh Zabul phía đông Afghanistan để dự lễ bên mộ phần của thủ lĩnh Omar - nhà sáng lập phong trào chiến binh Hồi giáo này.
Giáo chủ Omar mất vào năm 2013 và được chôn cất bí mật đến nay. Ngay cả việc ông mất cũng chỉ được công bố vào năm 2015. Chính quyền Taliban tại Afghanistan bị lật đổ vào cuối năm 2001 và trở lại ngôi quyền lực ở Kabul vào tháng 8-2021.
* Số người thiệt mạng trong vụ máy bay lao xuống hồ ở Tanzania tăng lên ít nhất 19. Theo Hãng tin Reuters, Thủ tướng Tanzania và Hãng hàng không Precision Air cập nhật ít nhất 19 người thiệt mạng khi chuyến bay chở khách PW494 của hãng này lao xuống hồ Victoria ở Tanzania vào ngày 6-11 trong lúc nỗ lực hạ cánh xuống một sân bay gần đó.
* Giáo hoàng Francis nói các quốc gia EU nên chia sẻ trách nhiệm đối với người di cư. Theo Hãng tin Reuters, ngày 6-11, Giáo hoàng Francis nói rằng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư, chứ không đơn giản giao việc đó cho các quốc gia nơi di dân đặt chân đến.
COP27 bắt đầu
Trong ảnh, các nhà hoạt động ăn chay tề tụ ở trung tâm triển lãm quốc tế Sharm El Sheikh, Ai Cập vào ngày khai mạc Hội nghị khí hậu COP27 ngày 6-11. Các đại diện từ 200 quốc gia sẽ có mặt tại hội nghị để thảo luận về "làm xanh" kinh tế toàn cầu, giúp đỡ các nước nghèo, dễ tổn thương chống các tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh: AFP